Lễ hội từ văn hóa giữ rừng

ALĂNG NGƯỚC 27/02/2019 16:28

Hiệu ứng sau năm đầu tiên khôi phục lễ hội tạ ơn rừng năm 2018, trong 2 ngày 20 & 21.2.2019, huyện Tây Giang tiếp tục tổ chức lễ hội tạ ơn rừng, đưa văn hóa giữ rừng trở thành nét đẹp truyền thống trong đời sống của đồng bào vùng cao.

Văn hóa truyền thống

Không phải ngẫu nhiên mà huyện Tây Giang chọn khôi phục nghi thức tạ ơn thần rừng hàng năm của đồng bào Cơ Tu trở thành lễ hội truyền thống tại địa phương. Bởi tập tục tạ ơn rừng từ lâu đã gắn với cuộc sống của đồng bào như một nét văn hóa đặc trưng, nhằm tạ ơn Giàng (thần linh) đã chở che, bảo bọc và ban phát những điều tốt lành đến với cộng đồng - những người con của thần rừng trong cuộc sống sinh tồn. Đây được xem là nghi thức cúng tế vừa mang giá trị yếu tố tâm linh, vừa giáo dục con cháu trong việc giữ rừng, giữ nguồn nước, cũng như môi trường tự nhiên vốn có.

Những ngày qua, cùng với các hoạt động diễn ra tại lễ hội tạ ơn rừng,

hàng trăm bạn trẻ của huyện Tây Giang đã háo hức tham gia chương trình

về với rừng cây di sản pơmu, đồng thời viếng hương tại đình làng thôn

Arầng (xã A Xan), bày tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với các bậc tiền

nhân đã có công gìn giữ cánh rừng già nguyên sinh quý giá. Đây được xem

là hoạt động thể hiện tinh thần xung kích, vai trò của tuổi trẻ với

cộng đồng trong việc góp sức cho công tác quản lý và bảo vệ rừng đầu

nguồn, giữ môi trường sinh thái trong lành. Trước đó, huyện Tây Giang

cũng bố trí các đoàn giao lưu và tham quan tại một số điểm trên quần thể

rừng cây di sản pơmu cho du khách; cùng một số hoạt động văn hóa được

diễn ra xuyên suốt trong thời gian tổ chức lễ hội.

Ông Clâu Blao - già làng ở thôn Voòng (xã Tr’Hy) cho hay, ngày trước, nghi thức cúng thần rừng được thực hiện trong phạm vi một gia đình hoặc một làng, nhằm “báo cáo” với các vị thần linh về việc chuẩn bị cho vụ mùa mới ở một vùng đất nào đó bất kỳ. Bởi đồng bào Cơ Tu quan niệm, bất kể vạn vật trên cõi đời đều có “thiên mệnh” và được phù trợ, hậu thuẫn bởi các đấng thần linh để sinh tồn. Thông thường, nghi thức cúng thần rừng được đồng bào Cơ Tu thực hiện vào thời điểm vừa bước sang năm mới, sau vụ mùa thu hoạch nương rẫy và sắp sửa cho vụ mùa mới. Vì thế, cúng thần rừng cũng là cách người Cơ Tu tạ ơn Giàng, cầu mong những điều tốt đẹp nhất trong những năm tiếp theo. “Người vùng cao nói chung và Cơ Tu nói riêng, từ bao đời nay sống dựa vào rừng. Họ uống nước nguồn, cải thiện bữa ăn từ thiên nhiên, sông suối ban tặng nên rất biết ơn và tìm cách gìn giữ nguồn sống của mình. Do vậy, hàng năm người Cơ Tu tổ chức lễ hội cúng thần rừng, ngoài để tạ ơn thần linh, còn là dịp để giáo dục con cháu trong việc giữ gìn môi trường sống, không xâm hại đến rừng già, rừng đầu nguồn, sông suối” - ông Blao bộc bạch.

Góp màu xanh cho rừng

Năm 2018, lần đầu tiên Tây Giang tổ chức lễ hội khai năm tạ ơn rừng với quy mô lớn, huy động cả cộng đồng địa phương tham gia. Hiệu ứng lan tỏa sau một năm khôi phục lễ hội văn hóa truyền thống này đã tạo nên động lực để địa phương tiếp tục tái hiện nghi thức cúng thần rừng và tạ ơn mẹ rừng, diễn ra trong 2 ngày 20&21.2, tại không gian Làng du lịch sinh thái pơmu (xã A Xan). Dù quy mô lễ hội năm nay thực hiện trong phạm vi “nội bộ”, nhưng vẫn thu hút được sự quan tâm của rất đông người dân, du khách và truyền thông.

Lễ hội khai năm tạ ơn rừng đã thực sự tạo được sự gắn kết trong cộng đồng, giúp bảo vệ rừng già ở Tây Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Lễ hội khai năm tạ ơn rừng đã thực sự tạo được sự gắn kết trong cộng đồng, giúp bảo vệ rừng già ở Tây Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, không chỉ nhằm khôi phục và tái hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, lễ hội tạ ơn rừng còn mang ý nghĩa rất lớn trong việc biểu dương các hành động đẹp, cũng như khuyến khích việc giữ rừng của cộng đồng miền núi. Một năm sau lễ hội lần đầu được tổ chức, đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ phía cộng đồng và các già làng. Bởi bên cạnh giúp bảo tồn giá trị văn hóa, lễ hội đã tạo nên sức lan tỏa lớn, cổ vũ mạnh mẽ trong việc chung tay gìn giữ môi trường tự nhiên, bảo vệ rừng già và nguồn nước ở cộng đồng vùng cao địa phương. Hàng nghìn héc ta rừng nguyên sinh, từ quần thể pơmu di sản, rừng lim quý hiếm cho đến quần thể đỗ quyên được gìn giữ nguyên vẹn, xanh màu là minh chứng lớn nhất trong việc góp công bảo vệ của cộng đồng Tây Giang.

Đêm ở Làng du lịch sinh thái pơmu, bên ánh lửa trại bập bùng, điệu hát lý vang vọng từ gươl, hàm ý nhắc nhớ con cháu, dân làng về lòng biết ơn mẹ rừng, như một lời hứa với người mẹ thiên nhiên vĩ đại ấy về ý thức xây dựng, quản lý, bảo vệ và tạo sự gắn kết bền chặt trong cộng đồng, cho muôn đời sau tươi thắm…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lễ hội từ văn hóa giữ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO