Lễ hội văn hóa - thể thao các huyện miền núi lần thứ XVIII - 2014: Chung một cội nguồn

ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG 01/08/2014 08:23

Đọng lại sau kỳ lễ hội cùng các sự kiện văn hóa đầy bản sắc của các dân tộc anh em tại Bắc Trà My những ngày qua là tinh thần của những người con vùng cao: chung một cội nguồn….
Con của núi

Những người Cơ Tu, Ca Dong, Xê Đăng bước ra từ làng đến với lễ hội để giới thiệu bản sắc, văn hóa nơi mình đang sinh sống, và để tìm về với gốc gác, cội nguồn. Tại lễ hội lần này, chúng tôi đã bắt gặp rất nhiều người như thế. Vẫn trong trang phục của một cô gái Bh’noong Phước Sơn xinh đẹp, vẫn thuần thục những vũ điệu truyền thống của người bản địa, Lê Thị Hải Yến (quê Đông Giang) vẫn được những người Cơ Tu quê mình chào đón như một người con ở xa về. Cũng chính vì thế mà trong không gian văn hóa huyện Phước Sơn lẫn khu vực trưng bày của huyện Đông Giang, Tây Giang, Hải Yến vẫn có thể giới thiệu rất rành rẽ về bản sắc văn hóa của cả hai dân tộc, hai vùng đất bằng hai ngôn ngữ Bh’noong - Cơ Tu. Những khác biệt về văn hóa, phong tục không còn là rào cản đối với cô gái được nhiều người mệnh danh là “đứa con hai dòng máu”. Yến chia sẻ: “Thật ra, dù ở Phước Sơn hay Đông Giang, mình cũng đều có cảm giác thân thuộc, đều tự hào vì mình là một người con của núi. Người miền núi thì cái bụng ai cũng vậy, tính cách ai cũng vậy thôi, đều là anh em một nhà”.

Một tiết mục trình diễn cồng chiêng giao lưu tại lễ hội.
Một tiết mục trình diễn cồng chiêng giao lưu tại lễ hội.

Hải Yến chỉ là một trong số rất nhiều gương mặt đặc biệt của lễ hội lần này. Chính những đứa con của núi như Hải Yến đã trở thành một cầu nối bắc nhịp giữa từng dân tộc, từng vùng đất trên dãy Trường Sơn. Chúng tôi đã rất xúc động khi bắt gặp hình ảnh của Arất Căm trong buổi trình diễn tái hiện lễ cưới truyền thống của người Bh’noong huyện Phước Sơn. Là người Cơ Tu ở Nam Giang, nhưng có thời gian công tác tại Phước Sơn, Căm trở thành diễn viên trong buổi tái hiện lễ cưới ngày hôm đó. Giữa không khí rộn ràng sau lễ cưới, Căm lặng lẽ bưng những món ẩm thực truyền thống của người Bh’noong mời và giới thiệu đến với những người Cơ Tu quê mình. “Văn hóa ẩm thực của miền núi rất đa dạng, phong phú. Mình muốn những người quê mình hiểu thêm về văn hóa, biết thêm và tận mắt thưởng thức nét độc đáo của ẩm thực dân tộc bạn, nơi mình đang công tác”- Căm cho biết thêm. Sự hồn hậu, nhiệt tình của những người bạn như Hải Yến, như Căm đã xóa nhòa mọi cách biệt, giúp mọi người xích gần lại nhau hơn. Họ trở thành một “đại sứ” cho cả hai dân tộc với chung một niềm tự hào về cội nguồn, về núi rừng nơi mình đã và đang sống.

Các nữ vận động viên huyện Bắc Trà My dìu đồng đội bị chấn thương lên nhận giải.
Các nữ vận động viên huyện Bắc Trà My dìu đồng đội bị chấn thương lên nhận giải.

Về với buôn làng

Từ khắp nơi hội tụ về Quảng trường văn hóa huyện Bắc Trà My, những người Cơ Tu, Co, Xê Đăng, Ca Dong… vui như được trở về với buôn làng. Giữa không gian văn hóa đa sắc màu, họ hòa vào núi rừng Bắc Trà My, sống với nhau như những người anh em một nhà. Văn hóa, bản sắc của mỗi dân tộc tại lễ hội là một nét đẹp riêng. Nhưng vẫn dễ dàng nhận thấy sự tương đồng trong vô số mảng màu góp mặt. “Cùng uống chung dòng nước chảy từ núi, cùng ăn chung cây lúa mọc trong rừng, dân tộc nào cũng lớn lên trong sự chở che của núi rừng. Tôi nghĩ, chính những đặc thù về điều kiện sống, sản xuất đó sẽ tạo nên những nét tương đồng trong văn hóa. Điều đó giúp các dân tộc anh em đoàn kết hơn, gần gũi hơn trong lễ hội lần này”- ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang tâm sự.

Sau 7 ngày tranh tài ở nhiều nội dung, chiều 31.7, Lễ hội văn hóa - thể thao các huyện miền núi Quảng Nam lần thứ XVIII
Arất Căm giới thiệu những món ẩm thực truyền thống của người Bh’noong cho đồng bào Cơ Tu quê mình.
Arất Căm giới thiệu những món ẩm thực truyền thống của người Bh’noong cho đồng bào Cơ Tu quê mình.
đã khép lại. Đây là sự kiện văn hóa, thể thao quan trọng của 9 huyện miền núi của tỉnh với sự tham gia của gần 1.500 diễn viên, vận động viên, lực lượng vũ trang, bao gồm các hoạt động trình diễn văn hóa nhiều sắc màu, các nội dung thi đấu thể thao hào hứng. Lễ hội là dịp để các dân tộc anh em 9 huyện miền núi tỉnh Quảng Nam hội tụ, mang đến những nội dung trình diễn độc đáo, đặc sắc, tái hiện không gian văn hóa đậm chất truyền thống. Được đánh giá là khá thành công, lễ hội đã mang đến những nét mới lạ, độc đáo trong nội dung tổ chức, hình thức thể hiện, là cơ hội góp phần quảng bá, bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc và củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Dịp này, Ban tổ chức cũng đã trao cờ đăng cai Lễ hội văn hóa - thể thao các huyện miền núi Quảng Nam lần thứ XIX cho đơn vị huyện Nam Giang, tổ chức vào năm 2018.

Quãng đường xa hàng trăm cây số cùng thời tiết mưa nắng thất thường trong suốt những ngày qua đã ảnh hưởng đến sức khỏe của diễn viên, vận động viên các đoàn tham dự. Nhưng không khí tưng bừng của lễ hội trở thành liều thuốc tinh thần động viên tất cả mọi người. Đêm giao lưu nghệ thuật quần chúng diễn ra vào tối ngày 30.7, rất nhiều già làng dốc hết sức trong tiết mục thổi tù và, đánh cồng chiêng phục vụ cho hàng nghìn người dân vùng cao. Trong buổi biểu diễn trước đó, đoàn Tiên Phước cũng xuống tận phía khán giả mời đặc sản xứ Tiên như trái lòn bon, bưởi, trụ… Một thành viên trong Ban giám khảo nói vui với chúng tôi rằng, đoàn người Kinh của hai huyện Tiên Phước và Nông Sơn được ưu ái ở khu nhà giữa quảng trường văn hóa, trong sự bảo bọc, đoàn kết của các dân tộc anh em người Co, Cơ Tu, Bh’noong. Những câu chuyện bên lề lễ hội đã phần nào nói lên tình đoàn kết và tinh thần cống hiến của các dân tộc anh em trong những ngày ở Bắc Trà My. Đêm nào các già làng, diễn viên, vận động viên sau buổi diễn cũng uống rượu, ca hát, cùng sống với nhau trong không khí đầm ấm như đang trở về một buôn làng chung. Đêm cuối cùng sau lễ bế mạc, ai cũng quyến luyến không muốn rời xa. Những cái bắt tay thật chặt, ché rượu cần cuối cùng mời nhau, những lời chúc như níu lại tình cảm thân thương của người một nhà, lễ hội đã khép lại bằng tình đoàn kết, bằng tấm lòng rất thật của người vùng cao. Như Bí thư Tỉnh đoàn kiêm Phó Trưởng ban thường trực lễ hội Thái Bình đã phát biểu tại lễ bế mạc: “Mỗi chương trình văn hóa, nghệ thuật của mỗi đơn vị là sự kết nối về quá trình bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, nơi hội tụ sinh sống từ lâu đời của đồng bào. Chính những yếu tố ấy là điểm chung nhất, nổi bật nhất của tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn để xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, mang đậm sắc thái của cộng đồng các dân tộc ở miền núi Quảng Nam”.

ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lễ hội văn hóa - thể thao các huyện miền núi lần thứ XVIII - 2014: Chung một cội nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO