Lắng đọng trong đêm hội cồng chiêng trầm hùng, hòa chung không khí rộn ràng của những lễ cưới truyền thống dân tộc Cơ Tu, Co, Bh’noong, Ca Dong… là những xúc cảm không thể quên trong chuỗi sự kiện diễn ra tại Lễ hội văn hóa - thể thao các huyện miền núi Quảng Nam lần thứ XVIII.
|
Độc đáo trang phục truyền thống của các dân tộc. Ảnh THÀNH CÔNG |
Đêm hội cồng chiêng
Không gian lễ hội được đánh thức trong đêm đầu tiên sau lễ khai mạc, với những thanh âm trầm hùng của cồng chiêng. Sức mạnh của vũ điệu và âm nhạc hòa quyện đã tạo nên sự lôi cuốn diệu kỳ trong loại hình nghệ thuật độc đáo và đặc trưng vùng cao. Trừ Nông Sơn, 8 huyện miền núi nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đều mang đến góp thêm sắc màu cho đêm hội qua những vũ điệu cồng chiêng, dân vũ giàu sức sống. Nếu như bài trình diễn cồng chiêng của đồng bào Bh’noong là sự uyển chuyển diệu kỳ biến ảo, hài hòa theo giai điệu, thì điệu múa tâng tung da dá của người Cơ Tu lại là sự tương phản rõ rệt giữa nét nhịp nhàng, dẻo dai của các thiếu nữ với vẻ khỏe khoắn, dứt khoát của những chàng trai. Mỗi dân tộc, mỗi vùng đất có một cách thể hiện riêng, gửi gắm dáng dấp, tính cách và đời sống của dân tộc mình trong các tiết mục tham gia. Tiếng cồng, tiếng chiêng ngân nga, tiếng trống trầm hùng, nhịp nhàng hòa cùng những bước đi, bước nhảy của các diễn viên là người Cơ Tu, Xê Đăng, Bh’noong, Co… Nhạc sĩ Dương Trinh - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ các dân tộc thiểu số - miền núi (Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh) chia sẻ: “Thật tuyệt vời! Phần biểu diễn của mỗi đơn vị là đời sống lao động, đời sống nghệ thuật của từng dân tộc, từng vùng đất. Mỗi phần trình diễn mang hơi thở riêng nhưng đều in đậm chất miền núi, chất vùng cao trong nội dung thể hiện”.
“Mặc dù được gói gọn trong khuôn khổ một phần trình diễn, nhưng các đoàn đã tái hiện khá đầy đủ tập tục, nghi thức cưới xin truyền thống của các dân tộc anh em trên dãy Trường Sơn. Tôi cho rằng đây chính là một thành công của lễ hội lần này, đồng thời cũng là cơ hội để giáo dục, bảo tồn văn hóa truyền thống đến thế hệ trẻ cũng như quảng bá nét độc đáo của đồng bào vùng cao Quảng Nam đến với du khách”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Tri Hùng (Ban Dân tộc tỉnh) |
Hàng nghìn người có mặt tại đêm hội vào tối 29.7 đã cổ vũ rất nhiệt tình cho các đội trình diễn cồng chiêng. Khán giả gần như bị hút theo từng thanh âm, vũ điệu; thi thoảng lại reo hò thích thú trước sự mới lạ, hấp dẫn của những tiết mục. Đội cồng chiêng Phước Sơn ngoài thế mạnh trình diễn còn gây ấn tượng với phần tạo hình xuất sắc của các diễn viên trẻ đẹp người Bh’noong. Trong khi đó, đội cồng chiêng của huyện Đông Giang và Tây Giang lại tạo được sự thích thú cho người xem khi tái hiện các hoạt động lao động sản xuất như đi rẫy, gặt lúa, đánh cá… của đồng bào Cơ Tu. Đặc biệt, sự xuất hiện của các diễn viên nhí đoàn Đông Giang và đoàn chủ nhà Bắc Trà My đã tạo nên ấn tượng mạnh mẽ trong đêm hội. Bốn diễn viên nhí của đội cồng chiêng Đông Giang dù chưa đầy 10 tuổi nhưng đã cho thấy sự điêu luyện, nhịp nhàng trong phần thể hiện trên sân khấu. Đội chủ nhà Bắc Trà My cũng đã mang đến một tiết mục hài hòa sắc màu giữa dân tộc Ca Dong, Co, Xê Đăng với sự trình diễn “chuyên nghiệp” của các diễn viên nhí. Các em đã tạo nên một không khí sôi động, hấp dẫn lan tỏa đêm hội. “Tôi thật sự bị cuốn hút trước âm nhạc, vũ điệu truyền thống của các dân tộc. Phần trình diễn nào cũng đưa khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ nhịp nhàng, chậm rãi đến rộn ràng, mạnh mẽ. Sau mỗi điệu múa, điệu nhạc là sự lắng đọng của cảm xúc, rất hấp dẫn” - chị Bùi Thị Việt Thư, đến từ Phước Sơn chia sẻ.
Độc đáo lễ cưới truyền thống
Ở lễ hội lần này, thông qua hoạt động tái hiện lễ cưới truyền thống, nét độc đáo về văn hóa, phong tục của các dân tộc được dịp giới thiệu, quảng bá đến công chúng. Các nghi thức, nghi lễ trong tập tục cưới xin của mỗi dân tộc có những nét hay, nét đẹp riêng. Trong đó, phải kể đến “bó củi hứa hôn” của người Bh’noong, với quan niệm nhà gái phải mang cho nhà trai đúng 100 bó củi trong lễ cưới, hoặc tục nói lý, hát lý khi nhà trai đến nhà gái xin cưới của người Cơ Tu. Đặc biệt, phần tái hiện lễ cưới truyền thống của người Kinh do đơn vị Tiên Phước thể hiện đã phần nào gây được sự thích thú cho người xem khi phản ánh được những nghi thức truyền thống vốn đã bị lược bỏ khá nhiều trong nhịp chảy hiện đại. Nhìn chung, các đơn vị đều có sự đầu tư rất công phu cho phần tái hiện lễ cưới truyền thống, từ ẩm thực, trang phục, các điệu múa hát, sản vật... Các diễn viên của đơn vị huyện Nam Giang còn “kỳ công” tạo hình trong vai một con trâu rất đẹp phục vụ lễ đâm trâu trong ngày cưới của người Cơ Tu... Ông Nguyễn Thế Thọ - Trưởng đoàn diễn viên, vận động viên huyện Phước Sơn cho biết: “Để chuẩn bị cho lễ cưới truyền thống, ngoài tham vấn ý kiến của già làng có uy tín ở địa phương, huyện còn huy động những người am hiểu phong tục, chuẩn bị các món ẩm thực truyền thống, nhằm tái hiện đầy đủ và đặc sắc lễ cưới của người Bh’noong trên địa bàn”.
Nghi thức cưới truyền thống của người Bh’noong, Phước Sơn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC. |
Trong chuỗi hoạt động của Lễ hội văn hóa - thể thao các huyện miền núi Quảng Nam lần thứ XVIII, đêm hội cồng chiêng và không gian tái hiện nghi thức truyền thống trong lễ cưới của đồng bào các dân tộc vùng cao là điểm nhấn tích cực, tạo nên hiệu ứng khá tốt. Không gian, bản sắc văn hóa được thể hiện độc đáo, nhiều màu sắc, góp phần tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc anh em. Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nói: “Thông điệp về việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc là điều mà lễ hội muốn gửi gắm, chuyển tải thông qua các hoạt động. Bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh là tài sản quý báu cần được tôn vinh, gìn giữ và phát huy cho hôm nay và mai sau”.
PHƯƠNG GIANG - ALĂNG NGƯỚC