(QNO) - Lần thứ 19 được tổ chức, Lễ hội Văn hóa - Thể thao (VH-TT) các huyện miền núi cũng chọn “gam màu” văn hóa để khai thác và tạo điểm nhấn cho các chuỗi hoạt động của lễ hội. Đây là dịp hội tụ sắc màu văn hóa, cơ hội để quảng bá, giới thiệu và truyền nối cho các thế hệ trẻ biết trân quý những nét đẹp truyền thống của cha ông.
|
Nghi thức cúng thần linh trong lễ hội ăn mừng lúa mới của đồng bào Bh’noong ở huyện Phước Sơn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Rực rỡ sắc màu văn hóa
Theo ông Palăng Bưng - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang, đến với lễ hội lần thứ 19 này, địa phương chọn tái hiện trích đoạn nghi thức cúng trong lễ hội khai năm tạ ơn rừng. Đây là phong tục truyền thống của đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang, nhằm tôn vinh giá trị truyền thống của lễ hội tạ ơn mẹ rừng, để nhắc nhớ con cháu về “món quà” thiên nhiên mà thần rừng đã ban tặng. Mặc dù thời gian tái hiện khá ngắn, nhưng các già làng đều cố gắng thực hiện đúng theo các bước nghi thức cúng thần rừng của lễ hội truyền thống, khiến nhiều du khách thích thú. “Thông qua trích đoạn lễ hội khai năm tạ ơn rừng, chúng tôi mong muốn giới thiệu đến người xem nét văn hóa đặc trưng của đồng bào mình. Bởi không chỉ đơn thuần là lễ tạ ơn, trích đoạn này còn mang ý nghĩa nhân văn khác, giáo dục con cháu thế hệ sau biết yêu quý và chung tay gìn giữ môi trường rừng tự nhiên” - ông Bưng cho biết thêm.
Khác với kỳ hội trước tham gia tái hiện lễ cưới truyền thống, năm nay Phước Sơn mang đến lễ hội một không gian ấm cúng trong phần trích đoạn lễ ăn mừng lúa mới của đồng bào Bh’noong ở địa phương. Thông qua các nghi thức cúng thần lúa, thần sông, thần suối…, sau khi thu hoạch lúa mùa trên nương rẫy, các già làng và nghệ nhân Bh’noong đã “dựng” nên một lễ hội khá nguyên bản, thuần túy về một chương trình tổng thể của lễ hội ăn mừng lúa mới đầy màu sắc văn hóa. Ông Nguyễn Thế Thọ - Trưởng phòng VH-TT huyện Phước Sơn cho hay, không giống như một số đồng bào miền núi khác, trong lễ hội năm mừng lúa mới của đồng bào Bh’noong, phụ nữ trong gia đình chính là người đại diện để làm lễ cúng thần linh. Bởi đồng bào Bh’noong quan niệm, mặc dù đàn ông trụ cột, nhưng mọi hoạt động “gần gũi” với công việc nương rẫy, với thần lúa đều do phụ nữ đảm nhận. Vì thế, phụ nữ có vai trò rất lớn trong gia đình, nhất là trong việc cúng tế ăn mừng lúa mới hàng năm.
Quảng bá và truyền nối
Hôm qua 23.7, cùng với đồng bào huyện Nam Giang, rất nhiều du khách đã tìm đến không gian trưng bày và trình diễn ẩm thực truyền thống của đồng bào miền núi Quảng Nam. Mỗi địa phương đều có một điểm riêng biệt, khá đặc trưng về văn hóa ẩm thực, khiến du khách thích thú sau mỗi lần được mời thưởng thức. Tại không gian trưng bày ẩm thực của huyện Nam Giang, cùng với các món ăn truyền thống, dân dã quen thuộc, năm nay địa phương còn sưu tầm và chế biến nhiều món ẩm thực khá độc đáo, lần đầu tiên xuất hiện trong dịp lễ hội vùng cao như: thịt dơi nướng ống lồ ô, món kiến đỏ, láp thịt gà… Ông Bh’nướch Dũng, thành viên trong đội chế biến ẩm thực huyện Nam Giang chia sẻ, không chỉ mong muốn giới thiệu và quảng bá những món ẩm thực truyền thống của đồng bào Cơ Tu đến với du khách, địa phương còn hướng đến việc sưu tầm các món ăn dân dã đang dần mất đi trong bữa ăn đời thường của đồng bào, nhằm tạo thành sản phẩm độc đáo phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng vùng cao sau này.
Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL bày tỏ sự ngạc nhiên và thích thú sau khi tham quan các gian trưng bày ẩm thực. Không gian lễ hội lần này cho thấy sự sáng tạo trong cách bài trí từng món ăn theo ý tưởng mới rất độc đáo và ấn tượng. Đó là những cặp bánh sừng trâu được xếp theo hình ngọn núi; những cọng rau rừng mô phỏng nhà truyền thống; hay các món ăn, thức uống được sử dụng bằng những cây nứa, cây lồ ô khá đặc trưng. “Hầu hết gian trưng bày và trình diễn ẩm thực của đồng bào 9 huyện miền núi đều được chuẩn bị chu đáo, với đa dạng món ăn hấp dẫn. Từ đó, đã cho thấy sự khéo léo, tinh tế trong văn hóa ẩm thực của các tộc người vùng cao Quảng Nam. Thông qua chương trình lễ hội lần này, chúng tôi cũng mong muốn và kỳ vọng sẽ là cơ hội để quảng bá, giới thiệu, bảo tồn những nét văn hóa độc đáo về ẩm thực truyền thống; đồng thời cũng nhằm giáo dục và truyền nối những tinh hoa trong văn hóa ẩm thực đối với các thế hệ trẻ của miền núi” - ông Cường nói.
ALĂNG NGƯỚC