Lê Ngọc Thuận kể chuyện từ gỗ tái chế

VĨNH LỘC 15/12/2022 10:33

(VHQN) - Với niềm đam mê và kiên trì sáng tạo, Lê Ngọc Thuận cùng nghệ nhân làng mộc Kim Bồng đồng điệu biến những thanh gỗ tưởng bỏ đi thành tác phẩm nghệ thuật giá trị.

 

1. Tháng 5 này, Lê Ngọc Thuận sẽ mang đàn “thú cưng” của mình ra Hà Nội tham gia triển lãm mỹ thuật chủ đề “Trại giống”. Chuẩn bị cho sự kiện, thời gian qua anh phác thảo hình mẫu 10 con vật như trâu, ngựa, dê, voi, hổ, báo, gà, chim… và cách điệu chúng sao cho dí dỏm, gần gũi cuộc sống đời thường.

Đặc biệt, trong mỗi tác phẩm anh lồng ghép các biểu tượng văn hóa vùng cao, như con dê đứng trên đỉnh núi, con ngựa mặc áo thổ cẩm, chim bồ câu đậu trên chiếc gùi người Cơ Tu…

“Tôi muốn du khách có cái nhìn khác về miền núi, ở đó không chỉ có rừng xanh, sông suối mà còn nhiều giá trị văn hóa hiện diện trong đời sống. Thông qua mỗi tác phẩm người xem sẽ có cơ hội chạm đến văn hóa miền núi, văn hóa Quảng Nam một cách trọn vẹn nhất” - Lê Ngọc Thuận chia sẻ.

Lê Ngọc Thuận quan niệm, giá trị của tác phẩm mộc mỹ thuật không nằm ở chất liệu gỗ mà là nói được câu chuyện gì trên cây gỗ đó.

Không chuyên nghiệp hay được đào tạo qua trường lớp, nhưng bằng niềm đam mê và sự cảm thụ văn hóa, Lê Ngọc Thuận đã mày mò phác họa các con vật theo cách nghĩ của mình. Hiện thực hóa ý tưởng của anh là các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng. Đây là cách anh muốn làng nghề được hồi sinh, phát triển theo hướng đi mới với các sản phẩm hoàn toàn khác lạ.

Trước dịch Covid-19, Lê Ngọc Thuận được biết đến như là người tiên phong mở lối du lịch cộng đồng và tích cực thúc đẩy phát triển các mô hình du lịch xanh, sinh thái. Trong đó, The Deckhouse An Bang Beach và Coco Casa Việt Nam là nơi trưng bày những sản phẩm tái chế từ các vật liệu bỏ đi.

Lê Ngọc Thuận chia sẻ, ý tưởng về mộc mỹ thuật tái chế được anh nung nấu từ nhiều năm trước nhưng chưa thể thực hiện. Dịch Covid-19 bùng phát, du lịch ngưng trệ nhưng lại trở thành khoảng thời gian quý báu để Thuận “bung” ra làm.

Năm 2020 nhà hàng Coco Casa ra đời trở thành điểm giới thiệu sản phẩm mộc mỹ thuật tái chế. Đầu tiên, chỉ là bàn ghế, hộp đựng đũa, gạt tàn thuốc hay những chiếc tô, đĩa đựng thức ăn; dần dà, thực khách đến nhà hàng được chiêm ngưỡng thêm những hộp đèn, lọ hoa, con vật… Tất cả được làm từ những thanh củi bỏ đi hoặc gỗ cây trồng quanh vùng.

Nhiều sản phẩm của Lê Ngọc Thuận được du khách đặt mua với giá hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng. Riêng bộ sưu tập 10 con vật sắp mang ra Hà Nội tham dự triển lãm, dù chưa hoàn thành nhưng cũng đã có khách gợi ý trả mua vài trăm triệu đồng nhưng Lê Ngọc Thuận chưa có ý định bán.

Anh bảo, muốn giữ lại trưng bày để kể câu chuyện về sự tuần hoàn của vật liệu tái chế, về sự hồi sinh của gỗ qua đôi tay tài hoa người thợ mộc Kim Bồng, từ đó truyền tải năng lượng tích cực cho cộng đồng, du khách về sự phát triển bền vững.

2. Nói vậy, không phải Lê Ngọc Thuận sáng tác chỉ để thỏa mãn đam mê. Anh vẫn bán, nhưng đó là câu chuyện của tương lai. Trước mắt, anh tập trung vào những kế hoạch căn cơ, bền vững hơn như ổn định nhà xưởng, xây dựng mẫu mã, thăm dò thị trường, tìm kiếm đối tác…, chuẩn bị điều kiện tốt nhất để đưa sản phẩm đồng loạt ra thị trường.

Sản phẩm gỗ mỹ thuật tái chế từ ý tưởng của Lê Ngọc Thuận. Ảnh: V.LỘC
Sản phẩm gỗ mỹ thuật tái chế từ ý tưởng của Lê Ngọc Thuận. Ảnh: V.LỘC

Thời gian qua, Thuận tập trung theo đuổi dự án xây dựng Công viên sáng tác bên dòng sông Cổ Cò (phường Cẩm An). Công viên ra đời sẽ là điểm trình diễn, trưng bày tác phẩm nghệ thuật làm từ vật liệu tái chế của các họa sĩ, nhà điêu khắc trong nước.

Lê Ngọc Thuận kỳ vọng đây sẽ là điểm tham quan thú vị và đầu tiên ở Việt Nam về vật liệu tái chế và tuần hoàn rác thải, qua đó giúp thay đổi nhận thức của cộng đồng về du lịch trách nhiệm, sự phát triển bền vững.

Lê Ngọc Thuận ấp ủ tham vọng lớn hơn là mở rộng mô hình du lịch trách nhiệm ra nhiều địa phương khác thông qua hình thức nhượng quyền thương hiệu sản phẩm của mình. Trong đó, mô hình nhà hàng Coco Casa đã được nhượng quyền thương hiệu cho Khu du lịch sinh thái Thác Bản Ba (Tuyên Quang).

Nơi đây sẽ mọc lên một Coco Casa (diện tích 300m2) với kiểu dáng kiến trúc của Coco Casa Hội An, bên trong bài trí và trưng bày sản phẩm tái chế của Lê Ngọc Thuận. Hay, mô hình nhà hàng Deckhouse Hội An đang thương lượng nhượng quyền cho một đối tác ở Nha Trang (Khánh Hòa).

Không ngừng tìm tòi hướng đi mới, Lê Ngọc Thuận miệt mài theo đuổi giấc mơ về du lịch xanh, bền vững. Với vai trò Chủ tịch Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.Hội An, anh càng ý thức hơn sự kết nối và sẻ chia lợi ích cộng đồng. Anh mong du lịch sớm phục hồi và sản phẩm nghệ thuật từ gỗ tái chế có chỗ đứng trên thị trường, góp phần cho làng mộc Kim Bồng sống khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lê Ngọc Thuận kể chuyện từ gỗ tái chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO