(QNO) - Đại Việt dưới thời trị vì của vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) là thời kỳ hoàng kim của đất nước; dân trí được mở mang, dân khí chấn hưng, thuần phong mỹ tục nở rộ. Sử Việt - 12 khúc tráng ca đã ghi rằng, vua là đại diện của sự ấm no và an lành, của thái bình và thịnh trị. Nhắc đến ngài là nhắc đến một dòng suối mát phủ lấy trang sử xanh của dân tộc.
Trong nhiều di sản của vua Lê Thánh Tông để lại cho hậu thế, phải kể đến chủ trương: “Với dân, mọi việc lợi nên làm, mọi mối hại nên bỏ”; trong đó ông luôn răn dạy các quan, lại dưới quyền rằng họ phải có nhiệm vụ: làm cho dân cường, làm cho dân giàu, làm cho dân biết lễ nghĩa, làm cho dân tin; chính chủ trương này đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng đất nước Đại Việt thái bình, vinh quang và kiêu hãnh nhất.
Nhân kỷ niệm 579 năm ngày sinh của Minh quân Lê Thánh Tông (20.7.1442 - 20.7.2021), bài viết này giúp chúng ta hiểu hơn về một vị vua đã suốt đời vì dân qua 38 năm trị vì.
Làm cho dân cường là một tiêu chuẩn để nhận xét, đánh giá năng lực của quan, lại trong các kỳ sơ khảo, thông khảo dưới thời vua Lê Thánh Tông. Vấn đề này, khi nghiên cứu Quốc triều Hình luật (Bộ luật Hồng Đức), dễ dàng nhận thấy có rất nhiều quy định liên quan đến lợi ích của người dân.
Ông cho rằng, chăm nom đến sức khỏe của người dân cũng là cách làm cho dân cường, nước thịnh: “Những phu thợ đang làm việc, những quân lính đang ở trại hoặc theo quân đội ra đánh giặc... hay sai đi việc quan, khi có tật bệnh mà quan chủ ty không xin cấp thuốc thang cứu chữa, thì xử phạt 40 roi; nếu vì ốm không chữa mà chết thì xử phạt 80 trượng...” (Điều 572).
Hoặc ở điều 294, ông đưa ra những quy định rất nghiêm: nếu quan lại trái lệnh có thể phải xử tội biếm hay bãi chức: "Trong kinh thành hay phường, ngõ làng, xóm cỏ kẻ đau ốm mà không ai nuôi nấng, nằm ở đường sá, cầu, điếm, chùa, quán thì xã quan ở đó phải dựng lều lên mà giữ gìn săn sóc, cho họ cơm cháo, thuốc men, cốt sao cứu cho họ sống, không được bỏ mặc cho họ rên rỉ khốn khổ. Nếu không may mà họ chết thì phải trình quan trên và tùy điều điền kiện mà chôn cất, không được để lộ thi hài; nếu trái lệnh này thì quan phường, xã phải tội biếm hay bãi bãi chức...".
Nhà vua còn lo rất xa và có chủ trương rất cụ thể để phòng, chống dịch bệnh ở các địa phương nhằm chăm lo sức khỏe, bảo vệ tính mạng của người dân: “Từ nay về sau, phủ nào có dịch lệ thì cho phép các quan bản xứ lấy tiền thuế mua thuốc chữa cho dân”.
Các nhà nghiên cứu sử xưa kể rằng, một hôm trời rét, vua Lê Thánh Tông đi tuần du ngoại thành, bỗng gặp một cụ già mặc áo rách, đang run cầm cập. Sẵn lòng nhân từ, vua liền cởi áo long bào đang mặc định đưa cho cụ già mặc. Quan hộ giá vội can ngăn. Nhà vua khoát tay nói: “Trẫm biết rồi, trẫm thương dân như chính thương con của trẫm”. Thế rồi, nhà vua liền truyền lệnh mở kho phát chăn chiếu, đồ mặc ấm cùng với lương thực cho dân nghèo khó, cùng các cụ già neo đơn.
Xác định trách nhiệm của nhà nước nhằm đảm bảo đời sống tối thiểu cho nhóm xã hội yếu thế, đối với dân chúng, vua Lê Thánh Tông chủ trương “kính thiên ái dân”. Đây là hai yếu tố luôn đi song hành với nhau và luôn được nhà vua đưa vào nghĩa vụ tự “tu thân, tề gia, trị quốc”. Điều này đã phần nào hạn chế được sự chuyên quyền, độc đoán, thúc đẩy ông đưa ra những chính sách tích cực trong cai trị, đáp ứng yêu cầu chính đáng của dân chúng.
Ông quan niệm đế vương phải nuôi dưỡng bằng lòng dân, để đức trùm khắp tám phương, để dân sống no đủ, không còn đói rét, lưu vong nữa. Thương yêu dân là trách nhiệm của quan lại, mọi việc lợi nên làm cho dân, mọi mối hại nên bỏ. Theo đó, suốt những năm trị vì đất nước, nhà vua cho triển khai nhiều chủ trương, biện pháp để chấn hưng nông nghiệp như chuyên môn hóa các cơ quan quản lý; đặt ra chức quan mới: Quan hà đê là chức quan chăm lo việc đắp đê, bảo vệ đê, giữ nước để tưới tiêu ruộng đồng và phòng, chống bão, lũ lụt.
Nhằm khích lệ sản xuất nông nghiệp, mùa Xuân, tháng Giêng năm 1473, vua thân cày ruộng tịch điền và đốc suất các quan cày, khiến dân chúng tích cực noi theo. Chính sách trọng nông đã thu hút, quy tụ nhân dân bị ly tán đi các nơi trong thời kỳ chiến tranh nay kéo nhau trở về quê cha đất tổ sinh sống; lòng dân trăm họ được quy tụ về một mối. Công việc khai hoang, phục hóa, ngọt hóa đồng ruộng trở thành phong trào rộng lớn trong toàn vương quốc. Đất canh tác không ngừng tăng lên, khắp chốn nông thôn rộn rã tiếng cười, tiếng hát, tiếng thoi đưa dệt lụa; lúa khoai ngoài đồng không sợ bị lấy trộm; đêm đêm nằm ngủ, nhà nhà không phải đóng cửa cài then; giết người, cướp của vắng bóng.
Không chỉ trọng nông, nhà vua còn có quan điểm cách tân táo bạo và hành động đúng về mở mang giao lưu, khuyến khích thương nghiệp. Theo các sử liệu, ông đã chủ trương, trong dân gian hễ có dân là có chợ để lưu thông hàng hóa, mở đường giao dịch cho dân. Các xã chưa có chợ có thể lập thêm chợ mới. Những ngày họp chợ mới không được trùng với ngày họp chợ cũ hay trước ngày họp chợ cũ để tránh tình trạng tranh giành khách hàng của nhau.
Về đường lối chính trị, vua Lê Thánh Tông kết hợp chặt chẽ giữa đức trị và pháp trị, làm nguyên tắc trị nước cơ bản thể hiện thống nhất, xuyên suốt trong tất cả các lĩnh vực của xã hội, từ kinh tế đến chính trị, văn hóa, xã hội.
Dùng đức để thu phục lòng người, dùng lễ nghĩa để sửa tốt lòng dân, dạy cho dân biết và nuôi dưỡng thuần phong, mỹ tục là những điều mà vua Lê Thánh Tông thường đem ra huấn dụ cho các quan lại trong toàn vương quốc, ông không nói suông, ông khuyến khích và bắt buộc mọi quan lại phải làm đúng. Ai làm đúng thì được thăng thưởng. Ai không làm thì bị ông trị tội.
Ất Tỵ năm thứ 16 (1485), ngày 26.11, định lệnh trọng lễ nghĩa, khuyến nông tang, vua dụ các quan Thừa, Hiến, các quan phủ, huyện, châu các xứ trong nước rằng: "Lễ nghĩa để sửa tốt lòng dân, nông tang để có đủ cơm áo, hai việc cần kíp ấy của chính sự là chức trách của các thú mục. Trẫm từ khi lên ngôi đến giờ, phàm những phép dạy dân nên phong tục tốt, những việc dấy tiện trừ hại, không cái gì là không nói ra trong lời huấn dụ để bọn các người theo thế mà làm...". [trích Đại Việt Sử ký toàn thư]. Đoạn sử liệu này cho thấy rõ trong suốt thời gian trị vì cùa mình. Lê Thánh Tông kiên trì và nhất quán thực hiện đường lối mà theo cách nói ngày nay là nâng cao đời sống vật chất phải luôn đi đôi với việc năng cao đời sống tinh thần, ông hoàn toàn đúng khi nói rằng, hai việc đó là việc cần kíp của chính sự. [trích Lê Thánh Tông – Vị vua anh minh, nhà cách tân vĩ đại, Lê Đức Tiết].
Dưới thời trị vì của Lê Thánh Tông, các quy định có nội dung khuyến khích các đức tính hoà hiếu, lòng tôn kính, sự biết ơn và trừng trị nghiêm khắc các hành vi bất hiếu, bất mục, bất kính rất được quan tâm, như: “Lăng nhục ông bà, cha mẹ thì bị lưu châu ngoài, đánh thì xử lưu châu xa, đánh bị thương thì xử tội giảo...” (Điều 475) (xử giảo cũng là tội tử hình bằng hình thức treo cổ, được xem là nặng hơn tội bị chém), hoặc: "đánh anh, chị, cậu, dì, ông bà, cha mẹ vợ thì xử tội đồ làm khao đinh, đánh bị thương thì xử tội đồ làm tội phường binh... đánh chết thì xử tội chém...'' (Điều 477).
Hiếu thảo, thuận hoà, tôn kính người trên, độ lượng, yêu thương kẻ dưới là những đức tính rất được xã hội Việt Nam khuyến khích, ca ngợi. Trong cuộc sống hàng ngày, những đức tính đó làm cho con người gần gũi, gắn bó với nhau chặt chẽ hơn. Đó là chất keo đặc biệt làm cho gia đình, xã hội thành những tập thể có sự đoàn kết dân tộc vững mạnh mà tổ tiên Việt Nam đã bao lần sử dụng nó để đương đầu thắng lợi với mọi hiểm hoạ từ bên ngoài ập đến.
Có lẽ do hiểu thấu và sâu sắc vấn đề này mà vua Lê Thánh Tông, thông qua Bộ luật Hồng Đức đã định ra những điều luật nhằm khuyến khích tính vị tha, lòng nhân hậu và trừng trị răn đe những thói xấu độc ác, cô độc, hẹp hòi của con người vị kỷ hiện còn tồn tại khá nhiều trong xã hội lúc bấy giờ.
Trong lời tựa sách "Phủ biên tạp lục", một công trình sử học - địa chí về vùng đất Đàng trong dưới thời các Chúa Nguyễn, nhà bác học Lê Quý Đôn có viết rằng: “Kẻ sĩ ra làm quan thi hành chính trị, có phải chỉ ung dung ở chốn miếu đường, bàn bạc văn nhã và tỏ ra đức vọng thôi đâu. Có khi phải tuần xét biên giới mà chịu trách nhiệm một phương thì cũng phải nghĩ làm sao để vỗ về binh nông, dấy lợi trừ hại, tuyên bố giáo hóa, dời đổi phong tục, hết khả năng tâm lực mà làm việc chức phận nên làm để thỏa lòng bề trên ban ơn dân chúng... Âu Dương Tu đời Tống nói rằng: trị dân không hỏi quan lại có tài giỏi hay không, hễ dân cho tiện tức là quan lại giỏi”.
Với vua Lê Thánh Tông, năm 1470 đi kinh lý, thấy đồng ruộng nước nhiều, lúa chiêm bát ngát, ngài phấn khởi đọc bài thơ: “Lúa chiêm xuân khoảnh xanh xanh/ Nuôi dân là phải lấy ăn làm đầu/ Đầu thôn mấy cụ bảo nhau/ Rằng so năm ngoái hoa màu nay hơn”. Quan điểm cai trị và làm cho Dân tin của nhà vua khá rõ trong ý thơ “Nuôi dân là phải lấy ăn làm đầu”, không để cho dân đói rét, lấy niềm vui được mùa của dân làm niềm vui của mình.
Chính vì ý thức như thế nên nhà vua lập ra nhà Tế sinh nuôi những người nghèo đơn độc, đau yếu không ai chăm sóc và nơi nào dân bị dịch bệnh thì phải cứu chữa ngay. Do đó, đời sống nhân dân dưới đời vua Lê Thánh Tông khá sung túc. Sau khi đi thị sát khắp mọi miền đất nước, nhìn thấy người dân sống trong thanh bình, ngài cất tiếng thơ sảng khoái: Đất nhiều cá muối dân no đủ, Ruộng ít hoa màu thuế nhẹ nhàng. Hoà bình hưởng mãi dân vui vẻ, Hơn bốn mươi năm sống dễ dàng.
Để làm cho dân tin, nhà vua yêu cầu các quan, lại phải tuân thủ kỷ luật, chuyên cần với việc nước, việc dân. Nghĩa vụ này đòi hỏi quan lại phải tận tâm, tận lực hoàn thành công việc thuộc chức trách được giao, không tùy tiện nghỉ việc, ra đến công đường phải ăn mặc chỉnh tề, nói năng đúng phép. Quan lại không làm hết phận sự, dùng dằng, lần chần không làm những việc cần kíp, không làm việc đáng phải làm, nhờ người, thuê người làm thay (Điều 25, 38; chương Vi chế) thiếu tinh thần trách nhiệm đều bị phạt, nếu để xảy ra hậu quả xấu thì bị phạt nặng. (Điều 8, 35; chương Cấm vệ, Điều 59, 82; chương Vi chế).
Gắn liền với nghĩa vụ này là các quy định cấm trễ nải, trốn tránh nhiệm vụ đều bị trừng phạt, đối với việc quan trọng hoặc để ra hậu quả xấu, làm tổn hại của nhân công, của công thì bị phạt nặng hơn. Tự vua Lê Thánh Tông đã từng nói: "Chính tại an dân nghĩa kỵ thâm" (chính trị là ở chỗ yên dân, nghĩa ấy thật sâu sắc). Thực hiên an dân là phải: "Nội minh ngoại phủ hồi thiên lực/ Hậu lạc tiên ưu tế thế tâm" (Đạo làm tôi - Thần tiết), nghĩa là "Yên bên trong, vỗ về bên ngoài, sức có thể kéo trời/ Lo trước, vui sau lòng giúp đời là như vậy".
Ông còn quy định, quan lại phải chịu trách nhiệm về việc làm của cấp dưới. Các quan lại không phải chỉ chịu trách nhiệm về việc làm của mình mà còn phải chịu trách nhiệm về việc làm của người dưới quyền. “Các quan giám lâm, quan chủ ty biết thuộc viên phạm tội mà không phát giác xử biếm hai tư” (Điều 61; chương Vi chế). Các quan lại không biết, biết mà làm ngơ hoặc dung túng cấp dưới làm điều sai trái đều bị phạt: “Những người giữ cửa quan mượn người khác giữ thay… người chủ tướng không biết việc ấy bị phạt tiền 15 quan, biết mà làm ngơ phạt tiền 50 quan” (Điều 24; chương Vệ cấm). Đồng thời, cấm quan, lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn sách nhiễu nhân dân: “Những quan thu thuế, không theo ngạch đã định mà thu, lại giấu bớt số thuế thì cũng coi như tội giấu đồ vật công; nếu thu thêm thuế để làm của riêng thì tội cũng như thế, lại phải bồi thường gấp đôi số thuế lạm thu trả lại cho dân” (Điều 110; chương Vi chế).
Cấm kết bè đảng, cấm các quan cùng làm việc mâu thuẫn với nhau. Ông cho rằng, người làm quan phải lấy việc công làm trọng, quan cùng một triều phải hết lòng phò vua giúp nước. Sự liên hệ, phối hợp hoạt động giữa các quan lại tạo nên sức mạnh của chính quyền, sự bền vững của triều đại. Việc kết bè đảng, mâu thuẫn giữa các quan đều dẫn đến tranh giành quyền lực, phân tán quyền lực của vua, lạm quyền, lộng quyền, mưu lợi cá nhân, bỏ bê việc nước, gây mầm phản loạn tất phải bị cấm. Những trường hợp kết bè đảng giữa các quan đại thần hoặc ở vùng biên trấn được coi là nguy hiểm hơn đều bị trị tội nặng: “Những vị đại thần và các quan văn võ đối với các nhà không phải họ hàng, anh em và người thuộc hạ của mình mà không có việc gì cần, lại cứ hay đi lại để họp đảng, uống rượu, hay dùng tài vật để kết giao… thì coi như có âm mưu phản nghịch, theo sự tình nặng nhẹ mà định tội” (Điều 108; chương Vi chế).
Thời vua Lê Thánh Tông rất chú trọng chấn chỉnh hoạt động của quan lại, ai vi phạm đều bị phạt. Bộ luật Hồng Đức có 722 điều, trong đó có đến 172 điều (25%) quy định về những tội phạm của quan lại. Không chỉ có những điều quy định xử phạt những hành vi phạm tội của bản thân quan lại mà còn có cả những điều xử phạt quan lại không biết, không xử lý các hành vi sai phạm của cấp dưới như: không ngăn ngừa xử lý các hành vi phạm tội của thuộc hạ, vì lười biếng, vô cảm mà không tổ chức cứu giúp dân khi bị thiên tai, thú dữ gây hại, hoặc trong hạt có trộm cướp mà không trình báo, không tổ chức vây bắt..
Để ngăn ngừa tham nhũng, lạm dụng chức quyền, vua đặt ra 5 điều cấm đối với quan lại: cấm lấy vợ là người địa phương nơi trị nhậm; cấm kết làm thông gia, tậu ruộng vườn tại địa phương nơi trị nhậm; cấm lấy người địa phương làm cấp phó cho mình; cấm cha con, chú cháu, anh em đồng thời làm quan ở xã, cùng cơ quan; cấm đưa quan về trị nhậm tại bản quán.
Lê Thánh Tông không phải là người đầu tiên đưa ra quan điểm “trăm quan là nguồn gốc của trị loạn” nhưng ông là người thấu hiểu sâu sắc nguyên lý cội rễ của quan điểm đó. Ông là người đi tiên phong trong viêc đem quan điểm đó vận dụng vào thực tiễn một cách sáng tạo và có hiệu quả tạo nên một bộ máy quan, lại đủ đức, đủ tài giúp vua trị nước an dân.
Đánh giá về vua Lê Thánh Tông, Đại việt Sử ký toàn thư ghi nhận: "Triệu dân vỗ yên, trăm việc chấn chỉnh, văn giáo rộng ban, vũ công đại định". Ông là một tài năng xuất sắc trên nhiều lĩnh vực, một con người có ý chí, nghị lực cao, có cá tính mạnh mẽ và quyết đoán. Tên tuổi và sự nghiệp của ông đã đi vào lịch sử như một vị "Minh quân", một hoàng đế văn võ kiêm toàn... như các học giả Ngô Sĩ Liên và Phan Huy Chú đã đánh giá.