Lệch

K. SON 15/01/2017 10:36

Quyển sách cũ do chính người bạn thân mà lão rất trân trọng, lặn lội tìm khắp các nhà sách, ghi dòng chữ “thân tặng”, đã trở thành phương tiện làm sạch cho những lần đại tiện của anh em nhà vợ.

Lão cầm cuốn sách chỉ còn mỗi cái bìa cứng, có lẽ cứng quá nên chúng mới chừa lại, nghe cổ họng khô khốc, đuôi con mắt giật liên hồi.

- Thiếu gì giấy báo, sao lại lấy sách của tao! – lão gầm lên.

Mụ vợ hét lại:

- Cái đồ sách cũ ấy quý chỗ nào mà ông chửi tụi nó, mai tui nói nó đi mua lại cho ông mười quyển chịu chưa?

- Ừ, mười quyển, trăm quyển - lão lầm bầm - đồ con buôn; chỉ đủ cho vợ nghe thấy.

Đó là chuyện của 20 năm về trước, khi cầu tiêu còn là những hố đào ngoài trời, được che quanh bằng những tấm phên tre, che trên bằng tranh cắt ngoài núi về phơi khô đánh thành tấm.

Giờ nhà vệ sinh được xây kín, sạch sẽ, con gái bảo chọn loại ngồi bệt, chứ đừng chọn loại ngồi xổm không tốt cho ba, chân giò yếu rồi. Bây giờ lão đi đại tiện mà cứ như đi nghỉ ngơi, ngồi thoải mái, đọc xong tờ báo, có cả cái vòi nước tự động, cứ bấm nút là sạch sẽ, chẳng cần dùng đến cái tay, không cần xé sách, xé báo, rồi bấm nút xả, biến mất như chưa từng xuất hiện. Nó còn xịt cái mùi dầu thơm gì đó để át đi cái mùi ô uế. Quả thật là tiện lợi, lúc đầu lão không hưởng ứng lắm nhưng mà là tấm là lòng của đứa con gái, lão cũng tập quen dần.

Vậy mà lão vẫn cứ nhớ dai nhách cái cuốn sách chỉ còn mỗi bìa ấy, mụ vợ lâu lâu lại phát ngán vì cái giọng khinh khỉnh của lão, mụ lảm nhảm bóng gió “chắc của con bồ ông nên ông mới tiếc như rứa”.

Ngày xưa họ nói vợ chồng lão là đôi đũa lệch, vợ đẹp lại lanh lợi thế kia sao lại ở với cái gã dở người, tài cán thế nào mà coi trời bằng vung.

Lão cười: ừ, lệch thật.

Đã lệch thì phải kê, mà nhìn quanh trong nhà có chỗ nào là không kê đâu, nhà nền đất sao mà bằng phẳng được, vả lại cái bàn, cái giường tre, không gãy cái chân phải thì cũng nghiêng cái chân trái, lão cứ phải chắp vá, đóng bên này, kê bên kia cho có chỗ cho mấy đứa con nó ngồi ăn, nó ngồi viết chữ, rồi nó ngủ nữa.

Ở cái vùng đất mà nhà nhà đào vàng, người người đãi vàng, ai cũng giàu có phất lên, nhà cao cửa rộng thì lão vẫn cứ quanh quẩn bên mấy con gà, cái vườn rau nuôi mấy đứa ăn học. Lão nhìn nước sông màu xanh đang dần biến thành vàng đục, rồi đỏ chạch, cá tôm nổi trắng sông mà xót, tụi nó xả cyanua xuống thì thứ chi còn, người còn không sống nổi nữa là. Cây cối xung quanh cũng cứ trơ cành lá, cái mỏ vàng này khai thác từ thời Pháp đến giờ vẫn còn bòn.

Phía công ty dưới sự cho phép của nhà nước thì cho xây dựng cả một xí nghiệp khai thác mỏ có công nghệ hiện đại, còn dân ở đây cứ dựng lều ở các bãi quanh mỏ, tự đào hầm, đánh mìn lấy đá để xay rồi khò khử lấy vàng, có người thì hứng phần nước thải từ trong nhà máy ra sông mà chạy máng thủy ngân để lọc kiếm vàng bổi. Luật cấm, nhưng người có chức năng không bắt bớ gì được họ, vì họ đông và là dân bản xứ, rành núi rừng khe ngách hơn các cán bộ; vả lại cũng giả lơ cho họ có cái mà nuôi gia đình, dân giàu thì xã đỡ lo. Chết vùi thây vì sụp lở núi, trôi sông khi lũ kéo về, núi này lấp bao mạng người rồi không rõ, lão không làm vàng nhưng lúc nào cũng là người khâm liệm cho mấy cái xác chết đã thối rữa vì giấc mơ vàng, dù không phải là nghề, không nhận một cắt bạc từ thân nhân của người xấu số. Mỗi lần đưa người ta xuống huyệt xong là lão về bị bệnh nằm mấy ngày liền, vợ phải chăm sóc thuốc thang, người ta bảo “đồ điên”, lão chỉ im lặng.

Những cái chết vì vàng ngày càng nhiều lên đến nỗi người ta không còn nhớ hết, lão luôn có một cuốn sổ tay nhỏ ghi chép lại một số điểm đáng nhớ của những người mà lão đã tiễn một đoạn cuối rời khỏi bể khổ trần ai. Cái chết của gia đình vợ chồng thằng Dũng và đứa con trai làm lão thấy đau đến xé lòng. Vợ chồng nó tuổi chưa đầy 40 mà đã có ba mặt con, đứa lớn 16 tuổi, đứa nhỏ 14, một đứa mới lên 5 tuổi. Hai vợ chồng chỉ có hơn nửa sào ruộng, mùa màng thất bát chẳng có đủ cơm nuôi mấy miệng ăn. Hồi trước thì đi đốn củi trên rừng để bỏ cho mấy bà buôn ngoài xóm chợ đổi lấy gạo lấy mắm, mấy năm gần đây rừng cũng kiệt, chỉ còn là đồi trọc thì củi để nấu trong nhà cũng hiếm lấy đâu ra mà bán nữa. Nghe lời mấy người làm vàng về trúng lắm, xây nhà xây cửa, mua sắm tiện nghi, rồi có của ăn của để, vợ chồng nó cũng ham.

Vậy là hai vợ chồng gửi hai đứa nhỏ ở với bà ngoại, dẫn theo thằng lớn vào trong vùng ngách núi gần mỏ vàng dựng lều để đãi máng thủy ngân, một thời gian đầu cũng kiếm ngày được vài trăm ngàn, gấp mấy lần làm ruộng đốn củi. Rồi mùa mưa đến, nước sông dâng cao, lũ quét từ trên núi cao xuống, đồi trọc chẳng còn đủ sức giữ chân cơn lũ điên cuồng đổ ập từ thượng nguồn, cuốn phăng cái lều của ba người nhà nó và một số lều khác quanh đó nữa. Nhiều người biết chắc mùa mưa nguy hiểm nên đã về gần hết, số còn lại cứ ráng thêm vài hôm kiếm ít tiền. Người dân phải mất ba ngày ba đêm tìm kiếm ròng rã mới vớt được mấy cái xác đã dần thối rữa. Hai đứa nhỏ được làng trẻ S.O.S vào làm thủ tục với chính quyền địa phương để nhận nuôi, dù chúng sẽ được chăm lo nhưng còn đâu nữa hơi ấm của cha của mẹ, mỗi lần có việc đi ngang qua mái nhà sập sệ của họ, lão nghe nhức buốt trong mình.

Ở cái làng này, nhà lão bị coi là khác người. Mẹ vợ chửi:

- Bầy con to ngồng ngồng, không cho đi làm đi ăn với thiên hạ, suốt ngày cắm đầu học với viết, nghèo kiết xác không có ăn, học làm cái gì, đồ sĩ diện hão. Thấy nhà người ta không? Xe chạy đến tận cửa, ti vi, đầu đĩa không thiếu thứ gì, bếp ga cơm điện, còn nhà chúng mày có cái gì, đến áo quần cho con mặc cũng không đủ.

Buổi chiều đi học về, mấy đứa con nghe bà ngoại chửi, về níu chân lão: “Ba cho tụi con nghỉ học phụ ba đi”

Lão bắt cả 4 đứa nằm xếp lớp rồi quất roi mây vào mông:

- Chúng mày giết tao xong rồi muốn làm gì thì làm.

Ai thấy cảnh đó cũng không dám nói thêm lời nào, mụ vợ lẳng lặng vào bếp lặt mớ rau lang mới cắt ngoài vườn vào để làm bữa cơm tối. Đợi lúc không ai dám nhìn vào nữa, lão đỡ bốn đứa con dậy, lấy dầu xoa xoa cái mông bị vết lằn đỏ của từng đứa, tụi nó khóc thút thít, lão ôm cả bốn đứa vào lòng. “Ba ơi, tụi con không có đau”. Hai giọt nước nóng hổi ứa ra từ khóe mắt sâu, lăn từ từ xuống đôi gò má nhô cao, chẳng đủ ướt da mặt nhăn nheo rám nắng.

Nhà giờ chỉ còn hai vợ chồng, vợ lão vẫn là con buôn, nhưng mà bán rau, bán cá, bán gà giùm cho lão, lão vẫn đẩy mạnh chăn nuôi, sản xuất. Bạn với lão là lũ gà con ngày nào cũng chiêm chiếp mấy cái mỏ vàng xinh xắn, ngửa cổ đợi lão cho ăn. Lũ gà lớn thì quen hơi, mỗi lần lão vác cuốc đi đào đất, xới luống ngoài vườn là rủ nhau kéo đến quanh chân làm lão chẳng làm được, lão hay la như la con, “tụi bây tránh ra cho ba làm chớ” là bọn gà từ từ tản ra, đi tìm mồi trên những luống lão đã xới xong, mẹ gà gặp cái ụ mối nào là “túc túc” gọi con rồi giang cái cánh rộng ra che chắn không cho bọn gà lớn lại gần giành phần.

Căn nhà nhỏ ấm áp, sạch sẽ được mấy anh em nó xây lên, lâu lâu tụi nó lại dắt mấy đứa cháu nội cháu ngoại về, lão nheo nheo mắt nhìn tụi nhỏ tha hồ hái cam hái quýt, cười lanh lảnh khắp vườn.

Vợ ở lâu với lão rồi cũng đâm ra… dở người, cũng siêng đọc sách báo, nghe radio chung với lão. Đứa con gái nói sắp tới con mua cái máy tính, thêm cái 3G, có webcam nữa để cho ba nói chuyện với tụi con. Lão thấy mình bắt đầu cũng thích công nghệ.

Mà mùa xuân hình như đâu đó cũng sắp ghé đến cùng lão, lão chờ một cái tết đoàn viên, lão lại nấu bánh chưng bánh tét cho tụi nó gói vào Nam mà ăn, cho là có vị quê.

Đuôi con mắt lão nheo nheo cười, có tia nắng nhẹ trong tuổi xế chiều.

K. SON

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lệch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO