Lệch cán cân trong phát triển rừng bền vững

HỮU PHÚC 15/08/2021 07:34

Phát triển rừng trồng trở thành kinh tế chủ lực của nhiều địa phương, góp phần đáng kể vào mục tiêu giảm nghèo. Thế nhưng, vì hạn chế quy hoạch 3 loại rừng và một thời thu hút tràn lan nhà máy chế biến dăm gỗ, nhiều nơi chạy theo lợi nhuận trước mắt, ồ ạt mở rộng diện tích rừng trồng bất chấp cảnh báo rủi ro từ thị trường. Hệ lụy là suốt thời gian dài, kinh tế rừng “ăn non” và tồn tại nghịch lý là độ che phủ rừng mỗi năm tăng, song chức năng phòng hộ giảm.

Đời sống khó khăn, người dân không thoát ly với rừng trồng gỗ nhỏ. Ảnh: H.P
Đời sống khó khăn, người dân không thoát ly với rừng trồng gỗ nhỏ. Ảnh: H.P

MẤT CÂN ĐỐI

Nhiều khu vực miền núi tồn tại nghịch lý vùng trồng rừng nguyên liệu càng rộng lớn bao nhiêu thì rừng có chức năng bảo vệ môi trường có xu hướng giảm bấy nhiêu.

Theo công bố hiện trạng rừng của tỉnh năm 2020, diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong quy hoạch 3 loại rừng là 729.757ha. Tổng diện tích có rừng 593.584ha (gồm rừng đặc dụng 129.352ha, rừng phòng hộ 279.837ha và rừng sản xuất 184.395ha).

Còn diện tích chưa có rừng 136.173ha (rừng đặc dụng 10.543ha, rừng phòng hộ 35.975ha, rừng sản xuất 89.654ha); diện tích nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng 43.989ha.

Đáng chú ý, trong Quyết định số 120 ngày 11.1.2017 của UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và phát triển rừng tỉnh giai đoạn 2011 – 2020, diện tích rừng phòng hộ 315.812,5ha (so với quy hoạch cũ năm 2013 giảm 11.828,7ha).

Trong khi đó, rừng sản xuất điều chỉnh quy hoạch lên 274.048,5ha (tăng 15.315ha so với quy hoạch cũ). Trước đây, do chủ trương mở rộng diện tích rừng trồng nên chất lượng của rừng tự nhiên tiếp tục giảm.

Với rừng trồng sản xuất, hầu như nông dân tự bỏ vốn đầu tư, chăm sóc, bảo vệ. Sở NN&PTNT cho biết, toàn bộ diện tích đất có rừng thuộc quy hoạch phòng hộ, đặc dụng và diện tích rừng tự nhiên thuộc quy hoạch sản xuất trên địa bàn tỉnh được giao khoán bảo vệ. Giai đoạn 2016 - 2020 có hơn 2,3 triệu lượt héc ta rừng tự nhiên được giao khoán bảo vệ chủ yếu dựa vào nguồn thu dịch vụ môi trường rừng. 

Giai đoạn này, diện tích trồng rừng mới ước đạt 24.286ha. Trong đó, trồng rừng đặc dụng, phòng hộ là 1.752ha, chiếm tỷ lệ nhỏ so với trồng rừng sản xuất là 22.534ha. Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn tỉnh được thực hiện thông qua các dự án trồng rừng thay thế.

Trồng rừng phòng hộ từ nguồn sách nhà nước đạt tỷ lệ thấp do suất đầu tư thấp (khoảng 30 triệu đồng/ha cho 1 năm trồng và 3 năm chăm sóc); quỹ đất trồng lại tập trung ở các vị trí xung yếu, địa hình hiểm trở, xa khu dân cư, đường giao thông.

Nhiều dự án mở đường giao thông, phát triển du lịch, thủy điện… đang và sẽ đầu tư ở vùng tây chắc chắn sẽ tác động vào rừng tự nhiên, làm giảm chức năng phòng hộ ở khu vực đầu nguồn.

“Làn sóng” trồng keo nguyên liệu tiếp tục lén lút lấn sang những “khu rừng cấm” đã làm cho nhiều địa phương lúng túng giải quyết câu chuyện phát triển hài hòa giữa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái.

THIẾU BỀN VỮNG

Kinh tế rừng trồng phát triển lẹt đẹt dưới tiềm năng bởi sự đơn điệu trong thiết kế chủng loại cây trồng và các “cỗ máy” tiếp tay cho tình trạng “bán non” rừng trồng.

Hộ ông Lê Ngọc Ân, ở khối phố Tân Bình (Hiệp Đức) bên khu rừng bị thiệt hại trong cơn bão cuối năm 2020. Ảnh: H.P
Hộ ông Lê Ngọc Ân, ở khối phố Tân Bình (Hiệp Đức) bên khu rừng bị thiệt hại trong cơn bão cuối năm 2020. Ảnh: H.P

“Độc tôn” cây keo

Các núi đồi thấp ở khu vực trung du, miền núi bây giờ bất tận màu xanh của rừng keo. Cây keo “thống lĩnh” các chủng loại cây trồng, chiếm tỷ lệ hơn 90% diện tích cây trồng nguyên liệu hiện nay. Một tỷ lệ thuận là trước đây khi nhiều địa phương xác định keo là cây trồng chủ lực, thì từ đó các nhà máy chế biến dăm gỗ đua nhau mọc lên.

Không khó để lý giải vì sao nhiều cây trồng bản địa có giá trị kinh tế lẫn tác dụng bảo vệ đất, môi trường sinh thái như lim xanh, xẹt, giổi, gáo vàng, sao đen, ươi, huỳnh đàn… phần lớn người dân không mặn mà đầu tư. Cái chính là họ không đủ kiên nhẫn chờ đợi hơn 10 năm, thậm chí cả vài chục năm mới thu hoạch các loại cây bản địa đó.

Thừa nhà máy chế biến, thiếu nguyên liệu

Theo Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh có 27 công ty đã và đang đầu tư ở lĩnh vực chế biến gỗ. Trong số này, có 13 nhà máy sản xuất dăm gỗ đưa vào hoạt động, 2 nhà máy có hợp phần dăm gỗ đang đầu tư xây dựng. Công suất thiết kế khoảng 800.000 tấn thành phần/năm (tương đương với khoảng 1,6 triệu tấn gỗ nguyên liệu/năm); trong khi sản lượng gỗ rừng trồng của tỉnh khoảng 1 - 1,5 triệu tấn gỗ nguyên liệu/năm, không đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động.

“Trung thành” với giống keo, không cần biết xuất xứ nguồn gốc là thực trạng chung hiện nay ở vùng trồng nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến dăm gỗ. Năng suất và giá trị kinh tế thấp trên đơn vị diện tích canh tác, nhưng người nông dân hiện nay vẫn không thoát ly với cây keo.

Năng suất gỗ bình quân 70 - 83m3/ha chu kỳ trồng 5 năm với sản phẩm cung ứng chủ yếu là nguyên liệu băm dăm và gỗ nhỏ. Sau 5 năm, 1ha rừng đạt năng suất trung bình khoảng 65 - 80 tấn keo, mỗi tấn keo hiện nay có giá hơn 1 triệu đồng.

Sở NN&PTNT thống kê, Quảng Nam có hơn 150.000ha rừng sản xuất, hàng năm bình quân khai thác 12.000 - 16.000ha, cây keo gần như độc tôn. Giai đoạn 2016 - 2020, trồng 31 triệu cây phân tán tại các vườn nhà, vườn rừng, triền đê, ven sông suối, gấp 3 lần kế hoạch, chủ yếu vẫn là cây keo. Riêng 9 huyện miền núi bình quân mỗi năm khai thác 9.000ha rừng trồng tập trung và 2,2 triệu cây phân tán với tổng sản lượng hơn 854.000m3, cho doanh thu 854 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hơn 500 tỷ đồng.

Khó ràng buộc nhà máy chế biến dăm gỗ

Các nhà máy chế biến dăm gỗ không khó tính trong khâu thu mua các loại gỗ rừng trồng nên người dân cũng dễ dãi mua cây giống trôi nổi trên thị trường. Trong số 181 vườn ươm kinh doanh cây giống trên địa bàn thì chỉ có 56 vườn ươm đạt chuẩn, 125 vườn ươm không có giấy phép đăng ký kinh doanh, phát triển tự phát.

Bình quân hàng năm các vườn ươm sản xuất hơn 50 triệu cây giống chủ yếu keo, lim xanh, sao đen, lát hoa nhưng nguồn cây giống từ nơi khác và không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lại lưu thông trên thị trường với số lượng lớn.

Nhà máy chế biến gỗ MDF của Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam (tại xã Quế Thọ, Hiệp Đức) nhiều năm nay vẫn chưa đạt công suất tối đa 130.000m3 sản phẩm/năm. Nhà máy này chế biến các loại sản phẩm ván ép, ván ghép thanh, ván MDF, có thời điểm gặp khó khăn trong mua gỗ rừng trồng để chế biến.

Trước đây, các huyện trung du mạnh ai nấy thu hút đầu tư các nhà máy chế biến dăm gỗ. Điều này dẫn đến thực trạng các nhà máy chế biến sâu sau này như Nhà máy chế biến gỗ MDF lâm vào cuộc “khủng hoảng thiếu” nguyên liệu. Nguyên nhân bắt nguồn từ nhà máy dăm gỗ hút hết gỗ rừng trồng chu kỳ ngắn.

Vì vậy, từ năm 2019, ngành nông nghiệp đã dứt khoát từ chối nhiều dự án nhà máy sản xuất nguyên liệu giấy không phù hợp với phát triển lâm nghiệp bền vững. Điển hình, tỉnh dừng đầu tư dự án nhà máy dăm gỗ tại thôn Ngọc Thạch, xã Đại Hồng (Đại Lộc) hay nhà máy sản xuất nguyên liệu giấy Bình An Phú Chu Lai (Núi Thành).

 Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lê Tự Tuấn khẳng định, trước đây tỉnh không thu hút loại hình đầu tư mặt hàng dăm gỗ vì lo ngại mất cân đối cung và cầu nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng phục vụ chế biến sâu. Tuy nhiên, khi Luật Đầu tư có hiệu lực, thì theo quy định rất khó cấm doanh nghiệp sản xuất chế biến dăm gỗ được.

Đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất

Theo các địa phương miền núi, mỗi nông hộ có vài héc ta đất lâm nghiệp mà khuyến khích họ trồng rừng gỗ lớn, hay chuyển hóa từ chu kỳ 5 - 7 năm kéo dài tối thiểu 10 năm rất khó. Không có nguồn thu ổn định khác, họ chỉ thích trồng rừng chu kỳ ngắn ngày vì nó có thể trang trải cuộc sống hàng ngày.

Nhưng lý do nữa là người nông dân rất sợ rủi ro thiệt hại cây trồng do gió bão thất thường. Trong khi đó, doanh nghiệp liên kết với người dân trồng rừng gỗ lớn, hay hợp tác tham gia đầu tư trồng rừng theo chuỗi giá trị sản xuất hiện nay còn rất hạn chế.

Hộ ông Lê Ngọc Ân (Hiệp Đức) có 14ha đất rừng. Cơn bão cuối năm 2020 quét qua khu rừng trồng gần 4 năm tuổi của gia đình làm thiệt hại nhiều diện tích. Theo ông, năm 2019, gia đình ông liên kết với Công ty CP Đầu tư và phát triển lâm nghiệp Quảng Nam (Hiệp Đức) trồng 3ha rừng trồng gỗ lớn.

Giải thích vì sao gia đình ông cũng như nhiều nông hộ khác không liên kết hết diện tích trồng rừng gỗ lớn với công ty, ông Ân cho biết, phần lớn người trồng rừng ở đây đều có cuộc sống khó khăn, nên nếu hợp tác trồng hết rừng gỗ lớn chù kỳ khai thác ít nhất 10 năm thì họ sẽ không có tiền trang trải cuộc sống. “Cơn bão vừa qua gây thiệt hại quá lớn với cây keo, khiến tôi chần chừ có nên trồng rừng gỗ lớn hay không” - ông Ân băn khoăn.

Hiện nay Công ty CP đầu tư và phát triển lâm nghiệp Quảng Nam ký kết hợp đồng với 333 hộ dân trồng 710ha rừng và chuyển hóa rừng sang kinh doanh gỗ lớn với diện tích 1.500ha trên địa bàn các huyện Hiệp Đức, Tiên Phước và Phước Sơn. 

 Từ Quyết định số 38, ngày 3.1.2019 của Thủ tướng Chính phủ, theo kế hoạch trước đây giai đoạn 2019 – 2020, tỉnh sẽ trồng 10.000ha rừng trồng gỗ lớn. Thế nhưng, một số địa phương triển khai rất chậm.

Như năm 2019 cả tỉnh chỉ có 75 hộ đăng ký trồng rừng gỗ lớn theo chính sách hỗ trợ của ngân sách tỉnh với diện tích hơn 345ha (chỉ bằng 29,4% so với kế hoạch năm), có 3/6 huyện không thực hiện kế hoạch. Theo Sở NN&PTNT, liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp bị đứt gãy do các doanh nghiệp rất khó thuê đất của người dân để trồng rừng.

CẢNH BÁO TRỒNG KEO TỰ PHÁT

Vì quá say sưa mở rộng diện tích vùng nguyên liệu keo mà nhiều khu vực rừng nghèo, suy kiệt hệ sinh thái có xu hướng tăng.

 

Chức năng  phòng hộ kém

Sở NN&PTNT đánh giá, trồng rừng phục vụ chế biến nguyên liệu giấy thông thường hiệu quả kinh tế thấp và đi ngược với xu thế phát triển lâm nghiệp bền vững. Liên tiếp xảy ra các vụ thảm họa sạt lở đất ở các xã vùng cao của huyện Nam Trà My và Phước Sơn cuối năm 2020, với hiện trạng chủ yếu là đất trống, một phần diện tích rừng keo chung quanh hoặc rừng nghèo, rừng suy kiệt. Rừng keo trồng 5 - 7 năm thì khả năng cống chịu sạt lở, lũ quét rất kém, không bảo vệ được đất trước nguy cơ sạt trượt.

Thời gian qua, hệ sinh thái đang có xu hướng nghèo đi từ hiện trường khu vực trồng rừng thay thế . Hiện nay, nhiều địa phương miền núi, chủ rừng rất lúng túng tìm quỹ đất để trồng rừng thay thế, bằng chứng là một số công trình, dự án bất đắc dĩ phải chuyển địa bàn “trả nợ rừng” do địa phương không tìm ra quỹ đất trồng rừng thay thế.

Mới đây, tại Tiểu khu 689, xã Phước Kim (Phước Sơn), Ban Quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn đã thuê một đơn vị thi công dọn đất chuẩn bị trồng rừng bằng cách đốt thực bì thiêu rụi gần 20ha được quy hoạch chức năng phòng hộ. Một số nơi xuất hiện hiện tượng lợi dụng phá rừng tự nhiên để… trồng rừng thay thế.

Lợi trước, hại sau

Nhiều năm nay, Quảng Nam không thu hút đầu tư nhà máy dăm gỗ, nhưng thực tế vẫn tồn tại tình trạng mất cân đối giữa vùng nguyên liệu rừng trồng và năng lực chế biến. Mâu thuẫn ở chỗ các địa phương có diện tích trồng nguyên liệu lớn lại hạn chế về năng lực chế biến sâu bởi nơi đây xây dựng nhiều “cỗ máy” nghiền nát gỗ rừng trồng để xuất khẩu dăm gỗ. Trồng rừng chu kỳ 5 năm khai thác và thu hút đầu tư nhà máy dăm gỗ cho thấy hiệu quả kinh tế thấp và phát triển không bền vững.

Các chuyên gia lâm nghiệp thừa nhận, cây keo chỉ đem lợi ích trước mắt, nhưng mang hại về sau vì không giữ được đất. Trồng keo trên đồi núi nguy cơ sạt lở sẽ nặng hơn.

Cây keo hấp dẫn người dân vùng cao do có sự “tiếp tay” từ các nhà máy chế biến dăm gỗ. Các nhà máy này có thể mua tất cả rừng trồng lớn nhỏ các loại. Để trang trải cuộc sống hàng ngày, người dân có thể bán non rừng keo. Nguy hại hơn, một số nơi lén lút chặt phá gỗ, lấn chiếm đất rừng để lấy tư liệu sản xuất.

Do không có quy hoạch chi tiết vùng trồng, nên thời gian qua các địa phương trồng keo không theo định hướng quy hoạch. Khi vùng nguyên liệu keo không được quy hoạch bài bản, dẫn đến nguồn lực đất đai khai thác và sử dụng lãng phí, kém hiệu quả.

Trồng keo theo chu kỳ ngắn ngày vừa cho giá trị kinh tế thấp trên đơn vị diện tích canh tác, vừa không bảo vệ được môi trường. Theo ông Lê Minh Hưng - nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, đầu tư các nhà máy chế biến dăm gỗ sẽ hạn chế việc tạo nguồn nguyên liệu gỗ lớn cho ngành chế biến sâu, vốn đem lại giá trị gia tăng cao hơn dăm gỗ.

KHÓ TÌM ĐẤT, DOANH NGHIỆP BỎ ĐẦU TƯ

Không tìm ra quỹ đất liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất, doanh nghiệp phải tự rút lui đầu tư.

Tại thôn A Sờ, xã Mà Cooih (Đông Giang) có hai dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư nhưng chính quyền tỉnh ra văn bản chấm dứt hiệu lực và thu hồi quyết định đầu tư. Đó là khu sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp công nghệ cao và dự án đầu tư nhà máy sản xuất ván công nghiệp, viên nén năng lượng của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Đông Giang với tổng diện tích 19ha.

Với 2 dự án này, doanh nghiệp đã ký quỹ vườn ươm cam kết thực hiện dự án; họp dân đánh giá tác động môi trường, xã hội; cắm mốc bồi thường giải phóng mặt bằng; kiểm đếm tài sản trên đất trong vùng dự án; thiết kế quy hoạch chi tiết 1/500. 

Một dự án khác cũng do Công ty TNHH MTV Hào Hưng Đông Giang làm chủ đầu tư là dự án trồng rừng kinh tế công nghệ cao và thiết lập mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất lâm nghiệp, với quy mô diện tích 1.094ha.

Theo nhu cầu của doanh nghiệp, Đông Giang cần có vùng lõi với diện tích lên đến hơn 1.000ha tại các xã A Rooi, Mà Cooih, Za Hung, Kà Dăng, Tà Lu, Sông Kôn, Jơ Ngây và thị trấn Prao thuộc quy hoạch rừng sản xuất. Tuy nhiên, theo UBND huyện Đông Giang, phần lớn diện tích đất này của người dân sử dụng, hiện trạng đang trồng keo và nương rẫy, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp 1/10.000.

Giải thích về việc UBND tỉnh chấm dứt đầu tư các dự án đầu tư lâm nghiệp trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang Hồ Quang Minh cho biết, để có được vùng lõi theo mô hình liên kết chuỗi giá trị sản xuất thì công ty phải mua lại toàn bộ diện tích của người dân.

Theo tính toán, để mua lại hơn 1.000ha thì nguồn kinh phí khoảng 300 tỷ đồng, vì vậy phương án này không khả thi đối với nguồn lực tài chính của công ty, nên nhà đầu tư sẽ không chủ động được nguồn nguyên liệu. “Ở  miền núi, việc liên kết theo chuỗi sản xuất giữa doanh nghiệp với người dân gặp khó khăn, địa phương không có đủ diện tích để giao, hoặc cho doanh nghiệp thuê. Doanh nghiệp tính toán không hiệu quả nên dừng đầu tư” - ông Minh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lệch cán cân trong phát triển rừng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO