Lên chùa cầu may

H.N.D 29/06/2019 09:58

Một trường THPT ở Thanh Hóa tổ chức cho gần 500 học sinh lên chùa cầu may trước kỳ thi THPT quốc gia. Lý do được nhà trường đưa ra là “giải tỏa phần nào tâm lý áp lực cho các em”. 

Một bài báo còn mô tả theo lối cổ xúy, phấn khích với hành động này của nhà trường và học sinh. Thử vào google tìm xem, có cả 1001 cách bày sĩ tử cầu may trước mùa thi, có cả bài khấn cầu may, rồi những địa chỉ đền/chùa được cho là thiêng cho việc này. Thử nhìn bức ảnh được đăng tải trên tờ báo mạng đó, sẽ thấy những cái cúi đầu của hàng trăm học sinh khi cúng bái Phật - những cái cúi đầu nhẫn nại. Thật khó để hình dung ở đó là sự thành kính chiêm bái Phật hay lời lầm rầm khấn vái cầu xin điểm cao và lọt qua cửa ải thi cử. Tôi không lạm bàn về niềm tin tôn giáo ở đây. Nhưng dắt cả trăm học sinh đi cầu may cho chuyện đỗ đạt, nghe ra giống thời lều chõng đi thi cách cả trăm năm chứ không phải thời đại công nghệ 4.0 bây giờ.

Lên chùa cầu may, cầu tự, cầu lộc, cầu phước hay cầu gì đi nữa là điều của mỗi người, không ai có quyền bảo rằng nên hay không nên, là hiểu hay không hiểu về đạo, vì cái đó tùy duyên mỗi người. Cũng như Phật tại tâm hay Niết bàn tại thế hay phải tìm kiếm ở đâu thì cũng không ai buộc ai phải theo cách hiểu cơn ngộ của ai. Nhưng, nhìn cái “khâu tổ chức” để cho hàng trăm học sinh lên chùa cầu may đó, ngẫm qua câu nói để đời của cụ Phan Châu Trinh “Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh” thì có thể hiểu rằng, đường chúng ta đi còn xa lắm.

Cải cách giáo dục từ đổi mới sách giáo khoa, đổi mới thi THPT và các loại hình thi cử khác, càng đổi càng rối, chẳng đem lại hiệu quả gì ngoài việc ngốn ngân sách nhà nước và làm cho học sinh, phụ huynh đứt hơi vì chạy theo. “Học để thi” – đích mòn vẹt trong suy nghĩ đó của bao nhiêu thế hệ học trò, đến bây giờ vẫn chưa dứt ra được. Nó khiến cho học trò đi theo lối từ chương, giáo trình soạn sẵn, cung cúc nghe theo đến phi lý. Rồi gian lận thi cử. Hàng chục điểm chứ không phải từng chút phếch phẩy của mỗi câu đáp án. Nó khiến học trò dù ngay cả học giỏi cũng phải nghĩ đến sự cầu may. Bởi cái may mắn, cái xui rủi không còn phụ thuộc vào kiến thức có được nữa. Đâu thể nào trách cứ học trò, khi những bài học được khai mở từ ngày thơ bé qua chuyện cổ tích, cứ hễ gặp khó khăn, ngồi khóc là có Bụt hiện lên cứu giúp.

Thêm một tin gây sốc: 668 học sinh ở Khánh Hòa bị điểm 0 toán khi thi vào lớp 10. Liệu Bụt nào, Phật nào cứu được? Thần may mắn ở đâu chạy đến kịp? Hàng trăm điểm 0 mà ngay cả giáo viên ở đó cũng không hiểu vì sao, vì họ cho rằng đề thi là vừa sức, phù hợp. Hệ thống giáo dục, xã hội, cha mẹ - chúng ta đã làm chi đời các em? Ai cũng có thể bảo, việc dạy việc học là thiêng liêng, học đường là nơi con người ta được khai tâm, khai trí; nhưng hình như học không còn là phương tiện mà đã là mục đích, nên càng ngày xót xa ở lĩnh vực giáo dục càng nhiều hơn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lên chùa cầu may
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO