“Lên đường với trái tim trần trụi” là bộ sách gồm 2 tập: “Tôi là một con lừa” và “Con đường Hồi giáo” của Nguyễn Phương Mai, do Công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành. Có lẽ, nhờ “lên đường với trái tim trần trụi” nên Phương Mai luôn có cái nhìn mới mẻ, khách quan, đa chiều, thể hiện qua từng con chữ, từng trang viết.
Du lịch Ả rập Xê út. Ảnh: Internet |
Nguyễn Phương Mai, cô gái Hà Nội sinh năm 1976, từ bỏ vị trí Thư ký Tòa soạn báo Hoa học trò ở tuổi 24 để du học; sau đó làm giảng viên Khoa Kinh tế Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam (Hà Lan). Muốn làm “hòn đá lăn không bám rêu”, cô đã đặt chân đến gần 80 quốc gia trên thế giới bằng “trái tim trần trụi”. Còn vì sao trần trụi, Phương Mai trải lòng: “Trước mỗi lúc lên đường, tôi cố gắng trút bỏ mọi định kiến, mọi hình dung. Tôi dốc cạn để đầu óc trống rỗng, không mong chờ, không phán đoán. Tôi liều mạng để trái tim mình rộng mở, trần trụi. Và tôi lên đường như một tờ giấy trắng, với niềm khát khao được phủ kín, được lấp đầy, được đổi thay”.
Một con lừa cá tính
Phương Mai tự bạch: “Rốt cuộc, tôi là một con lừa. Một con lừa không những ưa nặng mà còn tự tìm cách đâm đầu vào vũng nước để được công nhận là một con lừa có cá tính”. Đi, để biết vũng nước nào nông, sâu. Cô bắt đầu chuyến đi dài gấp 2,5 lần vòng xích đạo với một chiếc ba lô nặng 11kg. Sau đó, cô đã kịp bỏ việc một lần nữa để “đâm đầu” vào Trung Đông “kéo dài từ điểm châu Phi nối với châu Âu, vắt qua hướng Đông, dích dắc qua 20 quốc gia Hồi giáo ầm ì cả tiếng súng nội chiến lẫn tiếng hát thanh bình gọi cầu kinh suốt mùa xuân Ả Rập” (Rốt cuộc, tôi là một con lừa).
Bộ sách “Lên đường với trái tim trần trụi”. |
Phương Mai đi và chia sẻ trải nghiệm của mình qua từng chuyến phiêu lưu. Chuyến đi bụi lần đầu của cô kéo dài 1 năm, qua 23 nước. “Mỗi đất nước đặt chân qua lại như những đợt sóng trào của cảm xúc vui buồn, của sự kiện may rủi, của vô vàn sắc thái lịch sử” (Hành trình qua 23 nước: lần đầu con lừa đi bụi). Độc giả sẽ thót tim với 60m rơi tự do trong thung lũng, nhưng với Phương Mai thì: “Cảm giác sợ hãi thay bằng sững sờ, ngạc nhiên và sung sướng”; hay ở độ cao 160m, cô chạm rìa thác Maletsunyane và dần bị nuốt vào trong màn khói nước mù mịt. “Tay chân tê liệt nhưng trái tim nhảy múa hân hoan”. Và rồi cô “vẫn sẽ tiếp tục trải nghiệm những đỉnh cao, chỉ có điều đã tự biết chẳng nên lấy đó làm niềm tự hào” (Đỉnh cao không ngọt ngào).
Ngang qua “mùa xuân Ả Rập”
Như điều đọng lại sau chuyến đi dọc dài Trung Đông - nơi mà các chiến binh Hồi giáo chiếm được thành phố nào thì Nguyễn Phương Mai đặt chân đến thành phố ấy, là sự hiếu khách đến gần như “hoang đường” của người bản xứ và sự khác biệt khủng khiếp về văn hóa giữa những quốc gia Trung Đông. Chẳng hạn đất nước và con người Yemen, theo cảm nhận của Phương Mai: “Có một điều gì đó rất đặc biệt trong tính cách người Yemen, một sự dịu thuần mà du khách phải ở lại lâu mới có thể nhận ra, mới có thể hiểu rằng đối với người Yemen, vũ khí không nhất thiết đi liền với bạo lực”. Và cô tự nhận: “Hầu như mọi suy đoán của tôi về Yemen đều sai, hoặc trở nên vô cùng phức tạp bởi rất nhiều tầng ý nghĩa so với sự quan sát hời hợt bên ngoài” (Yemen - Bước qua đêm dài).
Trên dặm dài “Con đường Hồi giáo”, Nguyễn Phương Mai đã nếm trải bằng hết “Mùa xuân Ả Rập”. Đó là một “mùa xuân” không có hoa mà đầy những toan tính chính trị, đầy bạo lực, bất ổn và hiểm nguy rình rập. Cô ghét thuật ngữ “Mùa xuân Ả Rập” từ ngày đặt chân đến Tunisia. “Nó bắt đầu bằng một tiếng kêu thống thiết từ khô cằn cát sỏi ở Sidi Bouzid, nó hóa thành một dòng sông tràn qua sa mạc giãy nóng Trung Đông. Con tạo xoay vần, dòng sông đáng lẽ mang nặng phù sa bị biến thành một cơn lũ cuồng nộ, cuốn phăng đi cả mùa màng đang chờ ngày gặt hái” (Nơi dòng sông bắt đầu).
“Lên đường với trái tim trần trụi” thật ra là một món quà cho những ai muốn tìm hiểu, khám phá văn hóa thế giới; cho những ai yêu thích và đặc biệt là với những “tín đồ” của chủ nghĩa xê dịch. Đạo diễn Lê Hoàng nhận xét: “Phương Mai không già, và tôi có cảm giác với kiểu đi này, cô sẽ không già cho đến chết”. Và như vậy, độc giả vẫn còn hy vọng tiếp tục đọc những câu chuyện đậm hơi thở cuộc sống sau những chuyến đi của cô.
CHÂU NỮ