Lén lút tận thu vàng sa khoáng

NG.TRẦN 04/06/2020 13:31

Một khu vực ở ven sông Tranh, thuộc xã Phước Gia (Hiệp Đức) đã bị cày nát loang lỗ để lấy vàng sa khoáng. Điều đáng nói, phạm vi diện tích này đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho một doanh nghiệp hoạt động khai thác cát sạn làm vật liệu xây dựng thông thường.

Hệ thống sàng lọc quặng vàng sa khoáng tập kết ở khu vực sông Tranh. Ảnh: T.N
Hệ thống sàng lọc quặng vàng sa khoáng tập kết ở khu vực sông Tranh. Ảnh: T.N

Từ thông tin bạn đọc, chúng tôi đã có mặt tại địa bàn xã Phước Gia. Con sông Tranh ngăn cách một bên là thôn 5, xã Tiên Lãnh (Tiên Phước) và bên kia thuộc địa bàn xã Phước Gia. Từ bên này sông của xã Tiên Lãnh, đã nhìn thấy rõ hình ảnh tận thu khoáng sản quy mô lớn. Dọc ven sông Tranh, những mỏ cát sạn lộ thiên hình thành các hố sâu hoắm, biến dạng địa hình, do máy móc bới đất sạn để tinh lọc vàng sa khoáng. Tuy chưa ảnh hưởng lớn đến vùng canh tác đất nà ven sông, nhưng nhiều người dân tỏ ra lo lắng.

Một người dân ở thôn 5 (xã Tiên Lãnh) cho biết, mùa khô hạn này việc khai thác cát sạn kết hợp tận thu vàng sa khoáng lòng sông chưa tác động gì nhiều, nhưng nếu vào mùa mưa lũ thì thiệt hại sẽ rất nghiêm trọng do quá trình hoạt động làm thay đổi dòng chảy, hiện trạng địa hình, nguy cơ gây xói lở đất màu luôn hiện hữu. “Đã từng xảy ra sự đôi co qua lại giữa người dân và một đơn vị được phép khai thác cát sạn lòng sông. Dân cản trở thì phía công ty nói họ có giấy phép hợp pháp, được phê duyệt đánh giá tác động môi trường” -  ông H., người dân thôn 5, xã Tiên Lãnh nói.

Điều làm cho nhiều người dân phản ứng gay gắt với cách tổ chức lấy khoáng sản là đơn vị đã khai thác lấn sâu về phía địa bàn xã Tiên Lãnh, dù giấy phép chỉ được tận thu cát sạn  lưu vực sông Tranh thuộc xã Phước Gia. Tại hiện trường, chúng tôi ghi nhận phương tiện máy móc tập kết vừa vận chuyển cát ra bên ngoài, vừa thực hiện quy trình tuyển quặng vàng. Hai máy xúc không ngừng đào bới để đưa đất, đá lên đầu sàn lọc, một vòi nước  được bơm xịt vào để đất đá trôi xuống, còn vàng sa khoáng nặng hơn sẽ đọng lại trên hệ thống máng. Khi phát hiện chúng tôi chụp ảnh, nhóm người đã tắt động cơ, gấp rút dời máy móc, thiết bị đào đãi vàng đưa đi nơi khác. Địa điểm này cách trụ sở UBND xã Phước Gia khoảng 1km.

Công ty nào được phép khai thác khoáng sản ở khu vực sông Tranh? Qua hồ sơ thu thập được, ngày 17.7.2019, UBND tỉnh đã cho phép cho Công ty TNHH MTV Khang Hưng Quảng Nam khai thác khoáng sản cát, sỏi, cuội làm vật liệu xây dựng thông thường tại bãi Bà Thiên (xã Phước Gia), diện tích khu vực khai thác là 2ha; thời gian khai thác 3 năm 5 tháng kể từ ngày ký giấy phép. Vị trí, tọa độ ghi trong giấy phép là địa điểm người dân địa phương phản ảnh với báo chí. 

Để cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản, dĩ nhiên các ngành chức năng của tỉnh, nhất là Sở Tài nguyên - môi trường đã rà soát thận trọng báo cáo đánh giá tác động môi trường và đưa ra những điều kiện ràng buộc cụ thể với doanh nghiệp. Điểm đáng lưu ý là nội dung ghi trong giấy phép yêu cầu chỉ hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi, cuội vào ban ngày. Trường hợp khoáng sản tại khu vực được phép khai thác có thể sử dụng vào mục đích có giá trị cao hơn làm vật liệu xây dựng thông thường hoặc nếu phát hiện thêm khoáng sản khác thì phải báo ngay bằng văn bản cho UBND huyện, tỉnh và Sở Tài nguyên - môi trường để xem xét, giải quyết, xử lý.  Việc tranh thủ vơ vét vàng sa khoáng trong phạm vi đã cấp phép khai thác khoáng sản cát sạn làm vật liệu xây dựng thông thường là trái với quy định của Luật Khoáng sản. Thế nhưng, đại diện lãnh đạo UBND xã Phước Gia cho rằng, địa phương phối hợp với Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Hiệp Đức thường xuyên kiểm tra, giám sát và chỉ thừa nhận hệ thống máy móc tập kết tại hiện trường là để sàng lọc cát, sỏi thông thường (!).

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lén lút tận thu vàng sa khoáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO