“Em Tư và Nhi ở nóc Ông Bích đã hai ngày vắng học, mình lên đó hỏi xem tình hình thế nào nhé!”. Vừa xong buổi học chiều, cô giáo Nguyễn Thị Kim Thái “báo cáo” nhanh với hiệu trưởng, rồi vội vã lên đường tìm học trò. Mùa mưa, đường núi trơn trượt, hành trình đưa học trò trở lại lớp của cô Thái in đầy dấu chân bùn đất...
Ở Trường Mầm non Họa My (xã Trà Vân, Nam Trà My), câu chuyện về các cô giáo phải lặn lội đường rừng đến từng nóc nhà của người Ca Dong để tìm học trò chừng như đã quá quen thuộc với đồng bào địa phương. Bất kể ngày nắng hay mưa, hễ học trò nghỉ học, các cô giáo chủ nhiệm lại băng rừng, thực hiện nhiệm vụ “dân vận”, duy trì sĩ số học sinh đến lớp. Hơn 16 năm cắm bản, cô Thái nói, công việc “gõ cửa” từng nhà để đón học sinh trở lại trường đã quá quen thuộc với mình và nhiều đồng nghiệp khác ở huyện Nam Trà My. Vì thế, suốt nhiều năm, các cô đã “giữ chân” không biết bao nhiêu lớp học trò vùng cao, mà kể ra, bây giờ có em đã trưởng thành, đang cùng viết tiếp câu chuyện đẹp dưới chân núi Ngọc Linh huyền thoại.
Vào tận nhà đón trò đến lớp
Mưa vẫn dầm dề theo bước chân của cô Thái đến nhà học trò. Dù đã có thông báo tập trung trước ngày khai giảng, nhưng Hồ Văn Tư và Hồ Thị Kim Nhi (5 tuổi, cùng trú nóc Ông Bích, xã Trà Vân) vẫn vắng mặt nên cô Thái tiếp tục đến nhà vận động, tìm hiểu nguyên nhân. Nóc Ông Bích, cách xa điểm trường chưa đầy 5 cây số, nhưng nằm cheo leo trên đỉnh núi. Sau nhiều ngày mưa lớn, con đường trơn trượt, đi lại khó khăn vô cùng.
Có khách, những cô cậu học trò Ca Dong rụt rè đứng nép mình sau tấm phên nhà sàn, rồi chạy thật nhanh vào bên trong. Hồ Thị Kim Nhi cũng không ngoại lệ, dù trước đó đã rất mạnh dạn vòng tay chào cô giáo. Căn nhà lụp xụp, nơi gia đình Nhi ở rộng chưa đầy 30m2. Chỉ có 3 mẹ con Nhi ở nhà. Nhiều ngày nay, ba Nhi theo chân một vài thanh niên trong nóc xuống Tăk Pỏ làm công kiếm tiền trang trải cuộc sống. Mẹ vừa sinh em nhỏ, không có người đưa đón, Nhi đành phải nghỉ học ở nhà. “Ngày mai nếu ba về, mẹ nhớ nói ba đưa Nhi đến trường tập trung chuẩn bị cho ngày khai giảng nhé!” - cô Thái vỗ nhẹ vào vai chị Phấn (mẹ em Nhi) căn dặn, rồi quay sang chải tóc cho học trò của mình, trước lúc rời đến những căn nhà khác.
Cô Thái nói với chúng tôi, bây giờ khi cuộc sống của đồng bào đã dần đổi khác, câu chuyện vận động đưa trẻ đến trường cũng đỡ phần vất vả. Chừng 16 năm trở về trước, lúc cô Thái vừa mới ra trường, những nóc làng của người Ca Dong ở Nam Trà My khi ấy đều nằm biệt lập dưới tán rừng già. Không đường, không điện, sau Tết Nguyên đán hoặc đầu năm học mới, các cô giáo đều phải chủ động băng rừng để “dắt” học trò trở lại trường học tập. Vất vả không tưởng. Mỗi chuyến đi, có khi kéo dài vài ba ngày trời. Dù rất kinh nghiệm chọn buổi chiều để lên nóc - thời điểm bà con trở về nhà sau việc nương rẫy, nhưng cũng lắm lúc các cô giáo không thể tiếp cận được học trò. Bởi, có thời điểm các em đều theo cha mẹ lên rừng, lên rẫy. “Thế là phải chờ, hoặc vài ngày sau tiếp tục đến nóc. Nhưng chúng tôi quyết tâm, bằng mọi giá phải đưa được học sinh trở lại trường” - cô Thái tâm sự.
Chắp cánh “ước mơ con chữ”
Công tác “dân vận khéo” trong trường học
Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - ông Hồ Quang Bửu nói, câu chuyện vận động học sinh đến lớp của các thầy cô ở địa phương lâu nay được xem như chủ trương lồng ghép công tác “dân vận khéo” trong trường học. Công việc này được triển khai ở hầu hết bậc học, bên cạnh giúp duy trì sĩ số học sinh đảm bảo ổn định, còn góp phần ngăn tình trạng học sinh có ý định bỏ học, cũng như nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, cũng theo ông Bửu, qua rà soát, hiện nay ở một số địa phương kinh tế phát triển như Trà Linh và các vùng lân cận, ý thức của người dân đã dần tiến bộ. Vì thế, việc vận động đưa trẻ đến trường không còn khó khăn như trước, thậm chí nhiều phụ huynh còn tự giác đưa đón con đi học, rất chu đáo.
Chúng tôi lắng nghe câu chuyện của các cô giáo ở Trường Mầm non Họa My về quá trình vận động, tuyên truyền đưa học sinh trở lại lớp, mà hình dung, con chữ với học trò Ca Dong thật sự được chắp cánh bằng mồ hôi, công sức và cả tấm lòng của những “người mẹ hiền” không quản nắng mưa, sớm tối. Tôi không nói ngoa. Nhìn vào Khe Chữ là thấy rõ. Cho đến bây giờ, khi cuộc sống người làng đã ổn định, trường lớp được khang trang, các cô giáo ở Trường Mầm non Họa My vẫn “bám” theo bước chân học trò để dạy dỗ. Như cô Hồ Thị Ngọ, lúc thời điểm tinh thần người làng Khe Chữ bấn loạn sau sự cố “họa núi đè” vào cuối năm 2017, chính cô Ngọ là người đầu tiên khăn gói đi theo học trò, giúp ngăn việc học tập bị gián đoạn giữa chừng. Năm ngoái, tôi trở lại Khe Chữ, gặp cô Ngọ, thấy cô cười nhiều hơn lần gặp trước, mà thầm mừng.
Hay câu chuyện cô Thái, nhờ có thời gian gần 4 năm “cắm bản” ở nóc Ông Dũ, rồi hơn chục năm lẻ luân chuyển địa điểm công tác, nên nói khá sõi tiếng Ca Dong. Lợi thế từ giao tiếp, đã giúp cô Thái thuyết phục thành công nhiều phụ huynh “khó tính”, do chưa nhận thức đúng đắn về chuyện học tập của con trẻ. Quanh năm lam lũ với đồi nương, với cánh rẫy, cái lợi trước mắt là có gạo ăn, có sắn luộc trở nên cần thiết với họ lúc bấy giờ. Việc học hành, vì thế cũng ít được quan tâm. Để hoàn thành nhiệm vụ, có lúc các cô phải nhờ đến sự giúp sức của già làng, trưởng nóc phối hợp tuyên truyền, vận động, tìm mọi cách để đưa trẻ đến trường. Năm ngoái, trong lúc đến vận động, do người nhà của em Phạm Du Kiên (cùng nóc Ông Bích) đều đi rẫy, nên cô Thái đã đón Kiên trở lại trường ngăn việc vắng học dài ngày. “Bây giờ thì Kiên đã học lớp 1, mỗi lần gặp cô cũng đều chào lễ phép nên mình rất vui” - cô Thái kể lại chuyện cũ.
Cô Nguyễn Thị Huệ - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, khó khăn nhất của các cô khi đi vận động là trúng dịp mùa rẫy, thường kéo dài theo từng chu kỳ từ phát dọn, chọc tỉa, cho đến thu hoạch. Khi ấy, dân làng Ca Dong đều ở rừng, ở rẫy. Trẻ con theo chân cha mẹ nên ở hẳn duông (nhà rẫy). Tại các nóc không có sóng điện thoại, phương án duy nhất chính là vào tận rẫy để đưa các em trở lại trường. Nhưng ở vùng cao, thời tiết thất thường, có khi học sinh đang đi học, gặp phải trời mưa, ướt quần ướt áo nên quay về giữa chừng. Thế là các cô lại phải đến để vận động. Miệt mài với công việc, sau một chặng đường nhìn lại, nhiều năm trở lại đây, Trường Mầm non Họa My luôn giữ vững thành tích duy trì sĩ số học sinh đến lớp ở mức ổn định.
Gian khó không thể nào kể hết, dài như con suối gập ghềnh đá. Nhưng có một điều thật kỳ diệu, thẳm sâu trong từng ánh mắt của các cô, luôn hiện hữu màu xanh của núi theo ước mơ thắp sáng buôn làng của học trò Ca Dong...