Lên núi xem lễ khai sơn

VĨNH LỘC 05/01/2014 11:56

Đã thành thông lệ, những ngày đầu tháng giêng hàng năm sau bao bận rộn lo toan ngày tết người dân những làng ven núi thuộc các huyện Quế Sơn, Hiệp Đức lại tụ hội vào rừng bày biện lễ vật làm lễ khai sơn...

Lễ khai sơn là dịp để dân làng tri ân và xin phép các vị thần cai quản núi rừng để mở đầu một mùa lao động mới.                                                                                                         Ảnh: VĨNH LỘC
Lễ khai sơn là dịp để dân làng tri ân và xin phép các vị thần cai quản núi rừng để mở đầu một mùa lao động mới. Ảnh: VĨNH LỘC

Náo nức vào rừng

Những vị bô lão làng Thuận An (Quế Thuận, Hiệp Đức) đã không còn nhớ lễ mở cửa truông (cửa rừng) có từ bao giờ, chỉ biết là khi những cư dân đầu tiên đến định cư trên mảnh đất này rừng vẫn còn nhiều lắm. Rừng như bà mẹ thiên nhiên vĩ đại che chở, cưu mang bao thế hệ người dân qua những thăng trầm, chiến tranh loạn lạc để tồn tại phát triển đến ngày nay. Để tri ân, mồng tám tháng giêng hàng năm cư dân quanh vùng lại sắm sửa lễ vật vào rừng thành kính dâng lên chư vị thần linh như là cách khắc ghi sự bao dung của rừng. Từ chiều hôm trước tất cả gia đình trong làng sắm sửa lễ vật của riêng mình, khi mặt trời còn chưa ló dạng, những trai tráng đã vào rừng phát dọn cỏ dại mở lối đi; các bà các chị cũng tất tả trải bạt, lót lá, chọn vị trí đặt bếp núc, xoong nồi, ai cũng háo hức và thành kính. Chỗ hành lễ là một khoảng trống giữa rừng - nơi có cây đa sần sùi hơn trăm tuổi, chính giữa là một bàn thờ lớn, phía trên thờ tam vị thần hoàng là 3 vị thần cai quản núi, sông, suối, lễ vật gồm hoa quả xôi chè. Phía dưới thờ 10 thiên can và bậc thấp nhất thờ thập nhị địa chi (12 con giáp), lễ cúng ở bàn này kiêng cữ thịt trâu, chó vì là đó những con vật gần gũi với các cư dân miền rừng núi. Phía  ngoài là 2 bàn thờ nhỏ một thờ Tiền minh sư, vị thần hoàng có công khai phá núi rừng, cuối cùng là bàn thờ Bạch hổ Sơn quân vị chúa tể sơn lâm. Lễ cúng gồm thịt sống và một chén huyết tươi, đặc biệt tại bàn này không được thắp đèn chỉ thắp một cây hương (vì cọp sợ ánh sáng). Sau khi lễ vật đã được bày biện xong xuôi, vị chủ lễ đến bàn thờ Tiền minh sư khấn xin được mời các chư tôn thần rừng núi, suối sông, 12 con vật thần đại diện cho 12 con giáp về chứng giám, phù hộ, độ trì cho cư dân quanh vùng lên rừng xuống suối bình an, cây trái quanh năm sai quả tốt tươi. Trong khi vị chủ tế  khấn nguyện, phía sau đám người cũng yên lặng ai cùng tự cầu khấn cho riêng mình.

Không khác nhiều so với lễ mở cửa truông ở Thuận An nhưng lễ khai sơn tại làng Nghi Sơn (Quế Hiệp, Quế Sơn) mùng sáu tháng giêng hàng năm vẫn có những nét riêng độc đáo. Để chuẩn bị cho lễ, gần tháng trước đó 15 phổ hệ, chi tộc trong làng đã cũng ngồi lại họp bầu ra ban nghi lễ và các vị chánh bái, bồi bái, đây là những người có uy tín của làng. Ngày vào lễ dân làng 4 xóm tề tựu về ngôi miếu thiêng trong rừng để làm lễ dâng lên thần, mâm cúng đơn sơ chỉ  gồm xôi chè, hoa quả và tán đường đen. Sau lễ khai sơn, ban nghi lễ rước kiệu với lọng, cờ xí, chiêng trống... quay về nhà thờ làng tiếp tục cúng giỗ tiền hiền tri ân những bậc tiền bối đã khai sơn phá thạch lập ra làng.  

Mong ước an bình

Ông Nguyễn Phú Bác – bô lão làng Thuận An, người có nhiều năm làm chủ tế cho biết, lễ mở của truông có từ rất lâu đời xuất phát từ tín ngưỡng vạn vật hữu linh, cùng tâm thức “Đất có thổ công sông có Hà Bá”. Lễ cúng như là cách ngưỡng vọng của các lưu dân với thế giới siêu nhiên khi đứng giữa chốn rừng thiêng nước độc nên thu hút đông đảo người dân tham gia, tùy điều kiện mà góp nhiều hay ít  miễn thành tâm. “Có người góp tiền, người góp con gà, nải chuối cũng có người chỉ là chai rượu nhạt, tất cả đều được thành tâm đón nhận” - ông Bác nói. Sau khi cúng xong lễ vật được dọn xuống bày biện tại chỗ, mọi người quây quần ăn uống, vui vẻ coi như là dịp gặp mặt đầu năm cùng chúc nhau sức khỏe, công việc làm ăn năm mới thuận lợi hanh thông.

Trước đây, ngay sau khi diễn ra lễ cúng cũng là lúc các trai tráng vào rừng săn thú như là cách “xin lộc” đầu năm của núi rừng. Bây giờ thú rừng đã ít và ý thức săn bắn là việc làm bị nghiêm cấm nên lễ này cũng không còn được khuyến khích. Đặc biệt, thời gian diễn ra lễ cúng phải kết thúc trước 12 giờ trưa vì theo quan niệm qua chiều không được đi vào rừng núi, ngoài ra trong lễ cúng trống chiêng không được sử dụng vì sợ kinh động núi rừng. Ở một số nơi từ 25 tết cũng đã diễn ra lễ cúng Khép ấn (đóng cửa rừng) kể từ ngày này không ai được vào rừng săn bắn, đốn hạ cây... sau lễ mở cửa truông mọi người mới được vào rừng. Đây cũng là cách để rừng "tĩnh" lại, đồng thời cũng là khoảng thời gian để muôn thú giao phối sinh nở.

Ông Trần Đình Trước – làng Nghi Sơn cho rằng, lễ khai sơn thực chất là một tín ngưỡng tâm linh thể hiện ước vọng của dân làng trước thiên nhiên và những đấng cao siêu. Vì thế đến những ngày này ai cũng phải nhỏ nhẹ nhường nhịn nhau còn những vị trong Ban nghi lễ như chánh bái, bồi bái, phục vụ… phải ăn chay để thể hiện lòng thành kính và giữ tâm hồn thanh tịnh, sạch sẽ. “Trước đây ban nghi lễ phải ăn chay ba tháng nay giảm xuống còn 7 ngày, nhiều người ở các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn thời chiến tranh tản cư về làng nay đến ngày lễ cũng về tham gia” - ông Trước cho biết.

Lễ cúng khai sơn, mở cửa truông không chỉ là sự cầu mong bình an hay để người dân tri ân với rừng mà còn là dịp nhắc nhở con cháu hãy biết trân trọng gìn giữ rừng. Thiên nhiên luôn công bằng, hãy biết cho và nhận để duy trì, khai thác nguồn lợi từ rừng mang lại một cách bền vững.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lên núi xem lễ khai sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO