Lên phương án phòng chống lụt bão

THÀNH CÔNG 02/07/2018 09:15

Hạn chế thấp nhất thiệt hại trong mùa mưa lũ, nhanh chóng khắc phục sự cố, kịp thời hỗ trợ cứu nạn cứu hộ trong trường hợp khẩn cấp… là những nhiệm vụ được ngành giao thông chuẩn bị cho mùa mưa lũ năm 2018.

Tình trạng sạt lở chia cắt giao thông tiếp tục là thách thức với ngành GTVT trong mùa mưa lũ. Ảnh: THÀNH CÔNG
Tình trạng sạt lở chia cắt giao thông tiếp tục là thách thức với ngành GTVT trong mùa mưa lũ. Ảnh: THÀNH CÔNG

Phát huy kinh nghiệm ứng phó

Mùa mưa lũ năm 2017, với tổng cộng 14 cơn bão và 4 cơn áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, đặc biệt là hoàn lưu bão số 12 đã ảnh hưởng mạnh tới giao thông trên toàn tỉnh. Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT), tình hình lũ, sạt lở đất diễn biến phức tạp đã gây ra nhiều thiệt hại cho ngành giao thông nói riêng và tình hình kinh tế - xã hội địa phương nói chung. Tổng kinh phí khắc phục đảm bảo giao thông bước 1 của 5 tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh lên đến hơn 55 tỷ đồng, các tuyến tỉnh lộ trên 5 tỷ đồng, hơn 1,9 tỷ đồng khắc phục các tuyến đường thủy nội địa. Kinh phí sửa chữa đột xuất và khắc phục bước 2 xấp xỉ 46 tỷ đồng. Theo báo cáo của Sở GTVT, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017 đã được thực hiện tốt, kịp thời khắc phục các vị trí sạt lở gây tắc đường, làm cống tạm, rào chắn, cảnh báo giao thông, phối hợp triển khai nhanh nhất phương án cứu nạn, cứu hộ…

Ông Trần Thanh An - Phó Giám đốc Sở GTVT chia sẻ, dù tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, song nhờ chủ động triển khai các giải pháp linh hoạt trước và trong mùa mưa lũ, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) đã được thực hiện tốt. Kinh nghiệm từ những đợt mưa lũ các năm qua đã được vận dụng để đảm bảo giao thông, hạn chế thấp nhất những thiệt hại, đồng thời khắc phục nhanh các sự cố, kịp thời tìm kiếm cứu nạn. Song song với đó, công tác thông tin, báo cáo của các đơn vị đã cơ bản được thực hiện kịp thời. Ngay cả trong trường hợp khẩn cấp (sự cố ngoài mưa lũ) như vụ tai nạn đường sắt Bắc - Nam xảy ra tại Núi Thành vào tháng 5 vừa qua, ngành GTVT cũng đã kịp thời điều động 50 ô tô chở khách để chuyển tải hành khách từ ga Tam Kỳ đến ga Núi Thành và ngược lại, kịp thời chuyển các phương tiện dự phòng chờ lệnh khi có đột biến về số lượng hành khách để phục vụ…

Tính toán kỹ lưỡng

Mặc dù được đánh giá khá cao về việc thực hiện công tác PCTT&TKCN trong mùa mưa lũ năm 2017, song để chuẩn bị cho một kịch bản hoàn toàn khác, bám sát những diễn biến phức tạp và khó dự lường của thời tiết, Sở GTVT tiếp tục đề xuất những điều chỉnh để chủ động ứng phó. Ông Thái Minh Hoàng - Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 3 (Thanh tra Sở GTVT) chia sẻ, vấn đề tổ chức điều hành đảm bảo giao thông khi xảy ra sự cố thiên tai, mưa lũ là khâu đặc biệt quan trọng. Thanh tra sở đã chủ động xây dựng kế hoạch, kiểm tra các tuyến, đặc biệt là các bến đò chở người, phương tiện… để kịp thời nắm tình hình, nhắc nhở, chấn chỉnh những tồn tại. Những vị trí xung yếu đều được cử lực lượng túc trực, phối hợp chặt chẽ với CSGT đảm bảo an toàn ở những địa điểm nguy cơ xảy ra sạt lở, nước ngập… Tuy nhiên, trong thực tế, tình trạng người dân cố tình sử dụng xe bò, xe kéo để “tăng bo” xe máy qua các vị trí nước ngập vẫn diễn ra tự phát và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. “Ngay như năm 2017 vừa qua, khi mưa lũ xảy ra, người dân Điện Phương (thị xã Điện Bàn) sử dụng hơn 10 chiếc ghe, xuồng tập kết thành bến đò tự phát vận chuyển người, phương tiện qua lại trong khu vực mưa lũ rất mất an toàn. Chúng tôi đã nhắc nhở, yêu cầu người dân trang bị áo phao nhưng khi lực lượng rút đi làm nhiệm vụ nơi khác thì tình trạng này tái diễn. Đây là vấn đề cần khắc phục trong mùa mưa lũ năm nay” - ông Hoàng đề cập.

Tham mưu về công tác chỉ đạo, huy động phương tiện, điều hành vận tải phục vụ công tác PCTT&TKCN, ông Nguyễn Văn Toàn - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái thuộc Sở GTVT đề nghị các địa phương cần nắm chắc đầu mối ở các doanh nghiệp vận tải, đơn vị vận tải để kịp thời điều động khi có tình huống khẩn cấp. “Nếu địa phương nào không điều động ứng cứu kịp, sở có thể kết nối với doanh nghiệp để điều động, ứng biến phù hợp tình hình. Tuy nhiên, phải chủ động thông tin, chỉ đạo doanh nghiệp sớm có kế hoạch bố trí người ứng trực trong khi có bão lũ xảy ra, thường xuyên duy trì liên lạc với địa phương để xử lý tình huống khẩn cấp. Trong trường hợp thiếu người, có thể liên lạc ngay với các trung tâm đào tạo lái xe để giúp đỡ về nhân lực khi có sự cố về thiên tai, mưa lũ” - ông Toàn nêu đề xuất.

Phương châm “4 tại chỗ”

Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện khắc phục hậu quả lũ lụt được nhiều địa phương đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Văn Sỹ - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam nhận định, trong tình huống có thiên tai, cần tập trung lực lượng, phương tiện ở các vị trí trọng yếu để chủ động phòng ngừa, kịp thời khắc phục ngay sau khi sự cố xảy ra. “Trong nhiều trường hợp, việc chủ động lực lượng, phương tiện là yếu tố cốt lõi nhất để xử lý sự cố, đảm bảo giao thông và phục vụ cho việc tìm kiếm cứu nạn. Đặc thù sạt lở ở các tuyến giao thông ngày càng diễn ra nghiêm trọng và phổ biến, do đó việc bố trí lực lượng và phương tiện phải được triển khai sớm, vừa chủ động để ứng phó, vừa không bị chi phối do đường sá sạt lở cô lập. Năm nay, chúng tôi đã có kế hoạch chỉ đạo tập kết máy móc, phương tiện, rọ đá, rào chắn, biển cảnh báo ở các nơi trọng yếu, sẵn sàng nhất để giải quyết khi bị ảnh hưởng bởi mưa lũ” - ông Sỹ cho biết.

Chủ động tính toán, chuẩn bị, xây dựng phương án cụ thể, chi tiết nhất trong tình huống có thiên tai, đồng thời tập trung theo phương châm “4 tại chỗ”, ngành GTVT đang tích cực phát huy kinh nghiệm từ những năm trước, sẵn sàng cho công tác PCTT&TKCN năm 2018. “Trên cơ sở kiến nghị, tham luận của các đơn vị, địa phương, chúng tôi sẽ sớm xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc ứng phó, dự lường tình huống để đảm bảo tốt nhất việc PCTT&TKCN trong mùa mưa lũ năm nay” - ông Trần Thanh An, Phó Giám đốc Sở GTVT nói.

THÀNH CÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lên phương án phòng chống lụt bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO