(QNO) - Nuôi, cấy trai nước ngọt lấy ngọc là kỹ thuật mới, tương đối phức tạp, thế nhưng lão nông Huỳnh Đăng Khôi (63 tuổi, xã Bình Lâm, Hiệp Đức) vẫn quyết tâm nuôi thử nghiệm.
Ông Huỳnh Đăng Khôi trước đây là giám đốc một công ty vận tải tại TP.Hồ Chí Minh. Sau đó về quê hương Quảng Nam làm trang trại, sống cuộc sống nhẹ nhàng, không bon chen.
Yêu thích công việc nhà nông, cùng sự cần cù và quyết tâm, ông Khôi tìm ra cách biến một vùng đồi hoang ở xã Bình Lâm - nơi được xem “chó ăn đá, gà ăn sỏi” có thể sinh ra tiền tỷ. Ông trồng quế, trồng cây ăn quả, đào ao thả cá làm khu du lịch sinh thái. Hiện ông sở hữu đồi quế 20 nghìn cây gần 20 năm tuổi, phía dưới là hồ nước mênh mông, bốn bề cây trái sai quả quanh năm.
Chưa bằng lòng với cơ ngơi đang có, ông Khôi tiếp tục thử sức với mô hình kinh tế mới và cũng khá táo bạo: nuôi trai lấy ngọc trong nước ngọt.
“Tình cờ xem ti vi tôi thấy người ta nuôi trai lấy ngọc trong nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thiết nghĩ, tại sao người ta làm được mà mình lại không thử. Thế rồi tôi lên mạng xã hội học hỏi kinh nghiệm nuôi và bắt đầu xây dựng mô hình trên hồ với diện tích mặt nước gần 3ha” - ông Khôi chia sẻ.
Cuối tháng 1.2020, ông ra Bắc mua hơn 2.000 con trai giống với giá 80 nghìn đồng/con. Ông cho biết, để có được viên ngọc trai nước ngọt, ban đầu phải tìm được loài trai xanh cánh mỏng và trai đen cánh dày. Hai loại trai này có tuổi thọ cao, sức sống bền, khi trưởng thành có kích cỡ lớn 20 - 35cm, trọng lượng khoảng 2kg/con.
Cũng theo ông, thời gian nuôi thả trai cấy ngọc khoảng 24 tháng, cũng có thể kéo dài hơn vì còn tùy thuộc vào chất lượng nguồn nước ao nuôi và nhiệt độ thời tiết từng năm. “Kỹ thuật ghép ngọc trai rất quan trọng, quyết định đến sự thành bại của mô hình. Theo đó, cấy ghép và nuôi dưỡng làm sao để trai không đào thải nhân, tỷ lệ trai ngậm nhân cao” - ông Khôi cho biết.
Ngoài sản phẩm chính là ngọc, vỏ trai còn được tận dụng làm đồ thủ công mỹ nghệ. Thịt trai dùng làm thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, loài trai sống ở tầng đáy bể nuôi có thể kết hợp với các loài thủy sản khác để tận dụng tầng nước mặt, làm sạch nguồn nước.
“Đây là mô hình nuôi trai lấy ngọc đầu tiên ở Quảng Nam. Nếu nuôi thử nghiệm thành công, sau khi trừ chi phí, tổng lợi nhuận trên 1ha ao nuôi có thể đạt hơn 200 triệu đồng/năm và kỳ vọng sẽ là hướng phát triển kinh tế mới” - ông Khôi tâm sự.