Lên vùng cao lừa đảo

NGUYỄN DƯƠNG 21/12/2018 07:04

Lợi dụng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao nhẹ dạ cả tin, nhiều đối tượng đã tìm đến Phước Sơn, thuyết phục họ tham gia “công ty”. Tuy nhiên, sau khi yêu cầu người dân nộp một khoản tiền khá lớn gọi là “học phí”, những kẻ lừa gạt cho họ “ngồi chơi xơi nước” đến khi nào chán thì về...

Anh Hồ Văn Triều là nạn nhân bị lừa lấy 15 triệu đồng. Ảnh: N.D
Anh Hồ Văn Triều là nạn nhân bị lừa lấy 15 triệu đồng. Ảnh: N.D

Chiêu trò bán hàng đa cấp

Vừa qua, UBND huyện Phước Sơn đã có văn bản đề nghị Công an huyện vào cuộc điều tra, xác minh việc gần đây có nhiều người trên địa bàn huyện đi học nghề ở những công ty không rõ địa chỉ, sau đó phải nộp một số tiền lớn học phí nhưng đến nay lại không có việc làm, trở về quê hương. Những trường hợp này tập trung chủ yếu tại xã Phước Năng. Theo báo cáo của UBND xã Phước Năng, thời gian qua, một số người trẻ trên địa bàn xã đã đăng ký theo học nghề thực phẩm chức năng với các công ty ở Huế và Đà Nẵng. Tuy nhiên, sau khi đóng học phí 20 - 30 triệu đồng/người, họ không được giải quyết việc làm và trở về quê hương. “Những người lên liên hệ với thanh niên ở địa phương, không thông qua chính quyền nên chúng tôi không thể nắm bắt được. Chỉ đến khi những học viên trở về nhà, chúng tôi mới biết được” - ông Phạm Văn Phước, Chủ tịch UBND xã Phước Năng cho hay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng này diễn ra ở xã Phước Năng từ năm 2015 đến nay. Anh Hồ Văn Triều (25 tuổi, thôn 2 xã Phước Năng) cho biết, anh được một người bạn tên Danh ở xã Phước Chánh giới thiệu xuống làm việc tại một công ty tên là Lô Hội ở TP. Đà Nẵng với hứa hẹn mức lương khởi điểm là 4 triệu đồng/tháng, sau đó tăng dần theo thời gian. “Tuy nhiên, khi đến đây làm việc, công ty yêu cầu tôi phải trải qua một khóa tập huấn kỹ năng như kỹ năng bán hàng; bán hàng qua trung gian; kỹ năng mềm trong giao tiếp... Sau đó, họ đưa cho tôi một thùng hàng với các sản phẩm của công ty, bảo là đưa về dùng thử và giới thiệu cho anh em bạn bè. Phí cho những sản phẩm này là 15 triệu đồng” - anh Triều kể.

Cũng theo anh Triều, công ty hứa hẹn nếu giới thiệu được anh em, bạn bè vào làm tại công ty, anh Triều sẽ nhận được tiền hoa hồng cho những trường hợp này. Mỗi người vào đóng 10 triệu đồng cho công ty, anh Triều sẽ được trả hoa hồng 2,5 triệu đồng. “Mình giới thiệu được 5 người ở cùng xã, có 3 người đã nộp tiền nhưng đến nay mình vẫn không nhận được đồng tiền hoa hồng nào. Qua 3 tháng làm việc, biết bị lừa nên mình nghỉ việc” - anh Triều cho hay. Cũng ở xã Phước Năng, hai vợ chồng trẻ ở thôn 4 là anh Hồ Văn Thể (28 tuổi) và chị Hồ Thị Ngọc (22 tuổi) đã sập bẫy với chiêu lừa tương tự. “Cưới nhau xong, hai vợ chồng rời quê để kiếm ít tiền làm ăn. Họ bảo nộp vào 10 triệu đồng, tin lời nên vợ chồng mình vay mượn khắp nơi để nộp. Qua 3 tháng chẳng làm gì, chỉ học mấy lớp đào tạo kỹ năng bán hàng nên hai vợ chồng đành phải về nhà” - anh Thể nói. Được biết, nhiều người đã bán trâu, bò, thóc, thậm chí cả rẫy keo để lấy tiền nộp vào công ty, mong nhận được mức lương như họ đã hứa. Sau khi nộp tiền cho công ty, họ mới nhận ra mình đã bị lừa. Đến nay, nhiều trường hợp phải bỏ xứ đi làm ăn xa, kiếm tiền về trang trải nợ nần cũ.

Công ty “ma”

Theo thống kê của UBND xã Phước Năng, mới đây đã có thêm 9 trường hợp trên địa bàn xã “dính” phải chiêu trò lừa đảo này. Người nộp tiền nhiều nhất là trường hợp bà Hồ Thị Nguyên ở thôn 3 với 27 triệu đồng; bà Hồ Thị Thạch ở thôn 1 với 20 triệu đồng; còn lại các trường hợp khác từ 10 triệu đồng trở lên. “Hiện nay, những người đã trở về nhà hầu hết đều đi nơi khác tìm kiếm việc làm. Vẫn còn một số trường hợp đang bám trụ tại các công ty này để mong thu hồi vốn. Chúng tôi đã lấy số điện thoại để liên hệ phía công ty nhưng không tìm được địa chỉ cụ thể. Họ còn nói giọng rất thách thức” - ông Phạm Văn Phước cho biết thêm. Theo điều tra ban đầu của Công an xã Phước Năng, những công ty này tuyển dụng người bán thực phẩm chức năng ở Huế và TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên, địa chỉ ở đâu thì không thể nắm rõ. Trong quá trình đi học hay hợp đồng lao động đều không có các giấy tờ liên quan đến công ty.

Theo trí nhớ của anh Hồ Văn Triều, cuối năm 2015, anh được giới thiệu vào Công ty Lô Hội ở TP.Đà Nẵng. “Tuy nhiên, trụ sở công ty nằm ở đâu thì tôi không hề biết. Vì suốt thời gian ở đó, tôi chỉ được người của công ty thông báo tập huấn tại địa điểm nào, thời gian bao nhiêu ngày thông qua điện thoại. Nên giờ có muốn tìm công ty cũng chịu, không biết ở đâu” - anh Triều nói. Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, sau khi nhận được báo cáo của UBND xã Phước Năng, UBND huyện đã có văn bản gửi Công an huyện và Phòng LĐ-TB&XH vào cuộc để xác minh làm rõ. “Theo tường trình của người dân, không riêng gì ở Phước Năng mà ở những xã khác chắc chắn cũng có. Vì vậy, cần mở rộng điều tra, thống kê cụ thể để kịp thời xử lý” - ông Hà cho biết.  Ông Nguyễn Giới - Trưởng Công an huyện Phước Sơn cho hay, đã cử cán bộ điều tra đi xác minh sự việc. “Trước mắt, phải nắm rõ lại tất cả thông tin từ những người đã từng tham gia những công ty này. Sau đó mới có thể tiến hành điều tra địa chỉ cụ thể ở đâu rồi mới có cách can thiệp” - ông Giới nói.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lên vùng cao lừa đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO