Lên vùng cao mua... tóc

VĂN HÀO 30/05/2014 09:31

Không hình thành “chợ tóc” như các địa phương miền núi phía bắc, nhưng những người phụ nữ vùng cao của tỉnh cũng đã bán tóc khi có người tìm đến tận nhà mua.    

Theo chân người mua tóc


Với dụng cụ hành nghề rất đơn giản: kéo, lược và dao tỉa, anh Hiền (trú tại TP.Đà Nẵng) dẫn chúng tôi ngược lên các xã vùng cao của huyện Nam Giang, Đông Giang đi mua tóc! Chiếc xe máy leo dốc, anh bắt đầu rao: “Ai bán tóc dài không” suốt dọc đường. Anh kể với chúng tôi: “Trên ni chừ phụ nữ mô cũng cột tóc đuôi gà hết trơn. Hồi trước mua dễ lắm nhưng chừ khó hơn nhiều rồi. Nhiều người ở miền Bắc cũng lặn lội vô đây mua tóc khiến mặt hàng này ngày càng hiếm”.

Lặn lội một ngày ở vùng cao, anh Hiền mua được hơn 2 ký tóc.
Lặn lội một ngày ở vùng cao, anh Hiền mua được hơn 2 ký tóc.

Tới Nam Giang, ghé thăm nhà “bạn hàng” là chị Clâu S. ở xã Tà Pơơ, anh Hiền tặc lưỡi: “Chờ thêm một tháng nữa tui lên cắt một lần luôn thể hỉ, chứ chừ tóc còn hơi ngắn và chưa được dày lắm. Nếu có ai vô hỏi mua thì đừng có cắt bán nghe, nhớ để cho tui đó”. Đoạn, chị S. gật đầu rồi bảo, cách đây vài ngày cũng có 2 phụ nữ quê Vĩnh Phúc vô xóm này hỏi mua tóc, cũng có một vài người cắt bán. Với người có “thâm niên” đi mua tóc hàng chục năm như anh Hiền, công việc này cần phải tạo được “bạn hàng bền vững” để việc mua bán nhanh, gọn. Chú tâm quan sát, bắt gặp bất kỳ phụ nữ nào đi rừng, đi rẫy về mà có mái tóc dài là anh Hiền tới bắt chuyện rồi đề cập việc bán tóc. “Ở dưới xuôi khó mua, chỉ lên vùng cao mới dễ. Nhưng quan trọng là cách nói chuyện, thuyết phục làm răng để người ta chịu bán tóc cho mình” - anh Hiền tiếp lời.

Để theo “nghề” này, anh Hiền phải học nghề cắt tóc nữ. Theo anh, có hai cách lấy tóc chủ yếu, đó là cắt hết tóc từ ngang cổ và tỉa tóc sát gốc. Nếu tỉa sát gốc thì sợi tóc lấy được sẽ dài hơn. Nếu lọn tóc nào dài khoảng 30cm thì giá từ 300 - 500 nghìn đồng; còn tóc dài hơn thì giá trên dưới 700 nghìn đồng. Tất nhiên, đó chỉ là “giá sàn”, vì còn phải tùy thuộc vào chất lượng tóc xấu, đẹp.

Sau đó tóc được đem về trau chuốt lại và bán ở các thành phố lớn như Đà Nẵng, Hà Nội, Hồ Chí Minh... “Hiện nay nhu cầu nối tóc ngày càng cao, vì thế, lượng tóc tiêu thụ cũng nhiều hơn. Ngoài ra, tôi còn bỏ hàng cho các đại lý để họ xuất bán ra nước ngoài nhằm phục vụ trong lĩnh vực thời trang, điện ảnh; giá trung bình từ 3 - 4 triệu đồng/ký tóc” - anh Hiền cho hay.

Được giá là bán

“Việc mua bán tóc không chỉ diễn ra ở xã Ma Cooih mà còn phổ biến ở nhiều địa phương khác của huyện Đông Giang. Thông thường, người bán tóc chủ yếu là phụ nữ luống tuổi. Chúng tôi vẫn đang tuyên truyền, nhất là cho các thiếu nữ bản địa không nên cắt tóc vô tội vạ để bán lấy tiền, vì nó dễ phát sinh những hệ lụy ảnh hưởng đến chuyện học hành, công việc”.
(Chủ tịch UBND xã Ma Cooih - ông Nguyễn Tài)

Qua Đông Giang, bóng chiều ngả sau dãy núi Pachepalanh, thấp thoáng dáng những phụ nữ Cơ Tu gùi củi về làng. Vẫn cái “điệp khúc” cũ, anh Hiền vồn vã tới bắt chuyện. Cái lý lẽ của người mua tóc rất dễ làm phụ nữ xiêu lòng, đặc biệt phụ nữ Cơ Tu vốn không chăm chút thời trang. “Cái gì chứ tóc cắt đi rồi thì nó dài ra lại ngay thôi. Họ tới mua. Mình bán. Ở làng này, nhiều người bán tóc lắm vì được tiền…” - đưa tay vuốt mái tóc cụt ngủn, chị Bhríu Giôi (43 tuổi, xã Ma Cooih, Đông Giang) nói không chút tiếc nuối. Rồi chị Giôi kể tiếp, mới hôm trước tết, một phụ nữ quê ở Nam Định tới hỏi mua tóc với giá 450 nghìn đồng. Không chút đắn đo, chị bán luôn. “Hồi trước khi chưa có người tới hỏi mua, tui vẫn thường cắt bỏ tóc để khỏi luộm thuộm. Trời nắng, khó chịu. Bữa ni thì chịu khó “nuôi” cho dài thêm một chút rồi bán cho họ lấy tiền” – chị nói.

Anh Hiền ghé nhà chị Alăng Nh. đang lúc chị giặt giũ bên suối. “Chao ôi! Tóc đẹp quá hỉ. Mà để chi dài ri rồi mỗi khi đi rẫy quấn tóc mần răng. Bán đi hỉ” – người mua chào ngọt. Lần lữa, thuyết phục, cuối cùng chốt giá là 600 nghìn đồng. Chị Nh. gật đầu vì theo chị, đây là giá mời cao nhất mà chị nhận được từ những người đi buôn tóc dạo. Kết thúc cuộc mua bán, anh Hiền không quên dặn dò: “Tui lên đây chủ yếu là để tạo bạn hàng thôi, chứ lọn tóc này giá như vậy là lỗ vốn rồi. Nhớ mặt tui để lần sau tui còn lên mua nữa hỉ”.

Chạng vạng. Quay về trên những con đường đất, giọng trọ trẹ gốc Huế của anh Hiền vẫn cứ lanh lảnh: “Ai bán tóc dài không?…”

VĂN HÀO

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lên vùng cao mua... tóc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO