Tác phẩm, tác giả

Lịch sử chữ quốc ngữ

LÊ QUÂN 07/07/2024 11:37

Ấn bản tiếng Việt “Lịch sử chữ quốc ngữ, 1615 - 1919” chính thức có mặt tại Việt Nam đúng dịp kỷ niệm 400 năm (1624 - 2024) giáo sĩ Alexandre de Rhodes và Maiorica đến Việt Nam.

441943842_122200128620018911_7061678324390817532_n.jpg
TS.Phạm Thị Kiều Ly và tác phẩm "Lịch sử chữ quốc ngữ 1615 - 1919". Ảnh: Omega Plus Books

Đây là một tác phẩm dựa vào nguồn tư liệu phong phú về lịch sử hình thành và phát triển của chữ quốc ngữ.

Tác phẩm gồm 6 chương: Quá trình mô tả các ngôn ngữ trên thế giới; Phiên âm tiếng Đàng Trong bằng chữ La-tinh (1615-1631); Phiên âm tiếng Đàng Ngoài bằng chữ La-tinh; Hệ thống nguyên âm trong Dictionarium (Từ điển) của de Rhodes (1651) và chuẩn hóa chính tả; Chữ quốc ngữ thời kỳ Hội Thừa sai Paris (1658-1858); Chữ quốc ngữ thời thuộc địa.

Trên trang cá nhân của mình, TS.Phạm Thị Kiều Ly - tác giả cuốn sách, chia sẻ: “Cuốn sách này bắt nguồn từ luận án tiến sĩ của tôi bảo vệ ở Đại học Sorbonne Nouvelle năm 2018.

Sau khi bảo vệ, tôi đã tiếp tục chỉnh lý, bổ sung và cập nhật và bản thảo đó đã được NXB Les Indes Savantes xuất bản năm 2022 tại Pháp. Không chỉ cảm thấy vinh dự và hạnh phúc, tôi còn không khỏi bồi hồi xúc động khi đọc bản thảo bằng tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ của tôi.

Cho dù có nói và viết tiếng Pháp tốt đến đâu, việc được đọc công trình của mình bằng tiếng mẹ đẻ vẫn khiến tôi rất cảm động. Cuốn sách này trước tiên là dành cho người Việt, bởi nó viết về lịch sử chữ viết mà chúng ta tuy vẫn dùng hằng ngày nhưng lại ít khi đặt câu hỏi về nguồn gốc của nó”.

Được biết, luận án này đã được trao giải thưởng luận án xuất sắc năm 2020 của GIS Asie (Groupement d’intérêt scientifique Études asiatiques - Nhóm nghiên cứu khoa học về châu Á).

Sau khi bảo vệ, tác giả đã tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung luận án và xuất bản ở Pháp năm 2022 dưới tựa đề “Histoire de l’écriture romanisée du vietnamien (1615-1919)”. Năm 2024, ấn bản tiếng Việt của công trình “Lịch sử chữ quốc ngữ, 1615-1919” chính thức được xuất bản.

“Theo các thông tin của vương quốc Đàng Trong do Fernandes de Costa, thương nhân Bồ Đào Nha cung cấp, thì một nhóm nhà truyền giáo (…) đã lên các tàu buôn rồi cập cảng Tourane (nay là Cửa Hàn) ngày 18/1/1615.

Sau một thời gian, họ ở lại thương cảng Faifo, là nơi tàu thuyền Bồ Đào Nha, Ý thường xuyên ghé lại và là nơi người Nhật, người Hoa và người Việt cùng chung sống và buôn bán”. Như vậy, theo tác giả, lấy cột mốc năm 1615, khi ba Cha dòng Tên đầu tiên đến xây dựng nhà thờ (cư sở) đầu tiên ở Faifo (Hội An) được xem là mở đầu cho niên đại lịch sử chữ quốc ngữ.

Cùng với việc chỉ ra những mốc thời gian quan trọng như chữ La-tinh đầu tiên xuất hiện trong văn bản năm 1617, hay “hội nghị” đầu tiên về chữ quốc ngữ của các Thừa sai ở Macao (Trung Quốc) năm 1630, TS.Phạm Thị Kiều Ly còn góp phần phục dựng khá chi tiết thời kỳ đầu tạo ra chữ quốc ngữ nhờ việc sưu tầm và phân tích số lượng lớn các văn bản viết tay...

TS.Phạm Thị Kiều Ly chia sẻ với truyền thông khi cuốn sách ra mắt vào cuối tháng 6 này, sở dĩ bà chọn mốc kết thúc là năm 1919 vì đây là năm cuối cùng tổ chức khoa thi hội ở kinh đô Huế, đánh dấu sự kết thúc của việc cần thiết phải thông thạo chữ Hán, bên cạnh chữ quốc ngữ trong triều đình.

“Lựa chọn mốc này vì tôi và thầy mình - giáo sư Dan Savatovsky không chỉ muốn nghiên cứu về lịch sử của chữ viết mà còn cả lịch sử mang tính xã hội của việc thực hành viết và đọc” - theo chia sẻ của TS.Phạm Thị Kiều Ly.

Hiểu hơn về nguồn cội chữ viết của mình, hay cũng đồng thời có thêm những thông tin về lịch sử của một giai đoạn đất nước là những gì tác phẩm mang lại.

Như phần kết cuốn sách, tác giả viết: “Thành công của chữ quốc ngữ là chưa từng có trong khu vực chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, trên thực tế nó là thành quả của hai ý chí song song: ý chí của tầng lớp thực dân Pháp muốn học tiếng Việt dễ hơn và muốn xích hai nền văn hóa Việt - Pháp lại gần với nhau, và ý chí của tầng lớp sĩ phu Việt Nam, coi chữ quốc ngữ là một công cụ đấu tranh chống nạn mù chữ và phổ biến khả năng đọc viết (mà ngày nay chúng ta gọi là văn hiến)”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lịch sử chữ quốc ngữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO