LTS: Hôm nay 20.10, mô hình Châu ấn thuyền - thuyền Nhật Bản thời Mạc phủ được cấp phép đi ra nước ngoài buôn bán, trong đó có xứ Đàng Trong thời Nguyễn - sẽ cập cảng Đà Nẵng, sau đó được vận chuyển vào Hội An bằng đường bộ để tiến hành lắp đặt các công đoạn cuối cùng. Dự kiến ngày 10.11 tới sẽ khai trương trưng bày mô hình Châu ấn thuyền tại khu vực đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP.Hội An. Dịp này, Báo Quảng Nam giới thiệu bài viết của TS. Trần Đức Anh Sơn về những tư liệu, hiện vật ghi đậm dấu ấn giao thương Việt - Nhật hàng trăm năm trước đang được lưu giữ tại Nhật Bản mà ông cùng các cộng sự đã có cơ hội tiếp cận, sao lưu và nay mong muốn hiến tặng cho các bảo tàng xứ Quảng.
Tranh cuộn “Shuin-sen Kochi toko zukan” (trích đoạn) vẽ cảnh thương nhân Nhật Bản yết kiến quan Tổng trấn tại Dinh trấn Thanh Chiêm (Quảng Nam). Ảnh chụp lại: Trần Đức Anh Sơn. |
ĐẦU thế kỷ XVII, tại Nhật Bản, quyền điều hành đất nước rơi vào tay các shogun (tướng quân) theo thể chế Mạc phủ, thay vì thuộc về Thiên Hoàng như trước đây. Để phát triển nền hải thương Nhật Bản đang hội nhập sâu sắc vào mạng lưới hải thương thế giới trong thời đại thương mại (thế kỷ XVI-XVII), chính quyền Mạc phủ đã ban hành chế độ shuin-sen (châu ấn thuyền), bắt đầu từ năm 1602 kéo dài cho đến năm 1635. Theo đó, Mạc phủ cấp phát shuin-jo (châu ấn trạng), một loại giấy phép thương mại có đóng dấu màu đỏ (shuin: châu ấn) cho các thuyền buôn Nhật Bản đi ra nước ngoài buôn bán. Lịch sử Nhật Bản gọi thời kỳ này là thời kỳ “mậu dịch châu ấn thuyền”.
Ba lần đi Nhật Bản
Theo kết quả nghiên cứu của nhà sử học Nhật Bản Shigeru Ikuta, trong số 354 shuin-jo mà Mạc phủ Tokugawa cấp cho các thương thuyền Nhật Bản ra nước ngoài buôn bán trong khoảng thời gian 1604-1634, có 331 shuin-jo được cấp để đi đến 19 thương cảng thuộc các nước Ðông Nam Á. Trong số đó có 130 shuin-jo cấp đi 6 thương cảng thuộc Ðại Việt và Chămpa, với 86 thương thuyền được cấp đến Hội An. Thời kỳ “mậu dịch châu ấn thuyền” này đã tạo cơ hội cho việc giao thương giữa Nhật Bản với Việt Nam trong các thế kỷ XVII-XVIII, mà nhiều chứng cứ, hiện vật nay vẫn còn được lưu giữ ở Nhật Bản và Việt Nam.
Shuin-jo (châu ấn trạng) do chính quyền Mạc phủ cấp vào năm Khánh Trường thứ 16 (1614), cho phép thuyền buôn Nhật Bản đến buôn bán với Đàng Trong. |
Năm 2013, với sự tài trợ của Quỹ Sumitomo Foundation (Nhật Bản), tôi đã triển khai nghiên cứu đề tài “Quan hệ giữa miền Trung Việt Nam với Nhật Bản từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XVIII”, cùng với các cộng sự là TS. Phan Hải Linh (Đại học Quốc gia Hà Nội) và TS. Phan Thanh Hải (Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế). Trong quá trình thực hiện đề tài này, chúng tôi đã đi đến Nhật Bản 3 lần, trực tiếp khảo sát tại các di tích khảo cổ học ở Sakai, Nagasaki, Fukuoka, Oita, Okinawa…, những thương cảng từng giữ vai trò quan trọng trong thương mại hàng hải giữa Nhật Bản và Việt Nam. Chúng tôi cũng đi đến các văn khố, thư viện, bảo tàng như: Đông Dương văn khố, Thư viện Đại học Tokyo, Thư viện Đại học Keio, Thư viện Đại học nữ Showa, Thư viện Đại học Kansai, Bảo tàng Quốc gia Kyushu, Bảo tàng Lịch sử văn hóa Nagasaki, chùa Jomyo-ji… để tìm kiếm tư liệu, tranh vẽ, đồ bản… liên quan đến thương mại Nhật - Việt trong thời kỳ “mậu dịch châu ấn thuyền”. Chúng tôi đã may mắn tiếp cận và sao lại được nhiều tư liệu quý hiếm về “mậu dịch châu ấn thuyền” đang lưu giữ ở những nơi này, có những tài liệu, hiện vật đã được công nhận là “Tài sản văn hóa quan trọng” của Nhật Bản.
Tiếp cận và sao lưu
Kể chuyện bằng tranh cuộn |
Trong số tư liệu chúng tôi tiếp cận, có thể kể đến bức tranh “Thác kiến Quan Thế Âm Bồ Tát tượng” thế kỷ XVII. Bức tranh này vốn từ chùa Ngũ Hành Sơn ở Quảng Nam, đã được chúa Nguyễn tặng cho thương nhân dòng họ Chaya - một dòng họ thương nhân nổi tiếng của Nhật Bản vào thời kỳ Edo - từng sang làm ăn buôn bán ở Đàng Trong, nhằm ghi nhận những đóng góp của dòng họ này với quan hệ giao thương Nhật - Việt thời chúa Nguyễn. Bức tranh này hiện đang được thờ ở chùa Jomyo-ji (thành phố Nagoya, tỉnh Aichi). Hay bức tranh “Annan to kaisen gaku” vẽ trên gỗ (68,7cm x 79,8cm) do họa sĩ Hisikawa Magobei vẽ năm 1647, miêu tả châu ấn thuyền Nhật Bản đến mua bán với Đàng Trong vào thế kỷ XVII. Bức tranh hiện được lưu giữ tại đền Himure Hachimangu ở tỉnh Shiga và được Chính phủ Nhật Bản công nhận là “Tài sản văn hóa quan trọng” của quốc gia. Ngoài ra, còn có bức tranh “Suetsugu sen e ma utsushi” vẽ trên giấy (153cm x 186cm), niên đại vào thế kỷ XIX, ở Bảo tàng Lịch sử văn hóa Nagasaki. Bức tranh miêu tả thương thuyền shuin-sen, trên đó có ghi tên 16 thương nhân Nhật Bản từng đến buôn bán ở Hội An vào thế kỷ XVII. Bức tranh màu vẽ voi, thế kỷ XIX. Tại thư viện Đại học Kansai lưu giữ bức tranh miêu tả một trong hai con voi được tướng quân Tokugawa Yoshimune mua từ Quảng Nam đưa về Nhật Bản vào năm 1728.
Khi đến Bảo tàng Lịch sử văn hóa Nagaski, chúng tôi có dịp tiếp cận hiện vật là chiếc gương soi khung gỗ (38,6cm x 34,5cm) đặt trong chiếc hộp sơn mài thếp vàng, thế kỷ XVII. Đây là kỷ vật của quận chúa Anio - Công Nữ Ngọc Hoa, vợ của thương nhân Araki Sotaro, mang từ Việt Nam sang để dùng trong thời gian bà sống ở Nhật Bản. Công Nữ Ngọc Hoa có lẽ là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên sang làm dâu xứ Phù Tang, khi được chúa Nguyễn gả cho thương nhân Araki Sotaro năm 1619. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tiếp cận, sao chụp được 4 shuin-jo do chính quyền Mạc phủ cấp vào các năm 1604 (2 tờ), 1605 và 1614; sưu tập gồm 2 bản giao kèo về việc thu mua hàng hóa cho các thuyền buôn Nhật Bản, do các thương nhân người Nhật ký kết với các đầu mối người Đàng Trong vào các năm 1617 và 1633; tờ danh mục các quà tặng của chính quyền Đàng Trong gửi chính quyền Nhật Bản vào năm 1632; sưu tập gồm 4 bức thư có niên đại vào thế kỷ XVII, là thư từ trao đổi của các thành viên trong dòng họ Kadoya (một dòng họ doanh nhân nổi tiếng ở Nhật Bản vào thời kỳ Edo) liên quan đến hoạt động buôn bán giữa Nhật Bản với Đàng Trong vào thế kỷ XVI-XVII.
Hiến tặng bản sao tư liệu
Một số tư liệu, hiện vật mà chúng tôi giới thiệu trong bài viết này đã được các nhà nghiên cứu Nhật Bản và Việt Nam khảo cứu, công bố trong nhiều công trình nghiên cứu trước đây, cũng như đã được đưa ra trưng bày ở một vài cuộc triển lãm tại Nhật Bản, đặc biệt là cuộc triển lãm “The Great Story of Vietnam” do Bảo tàng Quốc gia Kyushu thực hiện từ ngày 14.6 đến 6.9.2013. Đó là những sử liệu giá trị, cũng là những kỷ vật ghi nhận mối quan hệ bang giao, thương mại và giao lưu văn hóa giữa Nhật Bản với Đàng Trong trong lịch sử… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tư liệu và hiện vật đang được lưu trữ rất nghiêm ngặt trong các thư viện, văn khố, hoặc được thờ tự ở những nơi tôn nghiêm nên ít người có cơ hội tiếp cận khảo cứu.
Với bài viết này, thông qua Báo Quảng Nam, tôi muốn giới thiệu những tư liệu, hiện vật đã tiếp cận được với người dân xứ Quảng, nơi từng là cửa ngõ quan trọng bậc nhất trong mạng lưới hải thương Nhật - Việt vào các thế kỷ XVII-XVIII. Đồng thời bày tỏ mong muốn hiến tặng bản sao các tư liệu, hiện vật này cho Bảo tàng Quảng Nam và Bảo tàng Lịch sử văn hóa Hội An để đưa ra trưng bày, nhằm giúp cho công chúng và du khách hiểu rõ thêm về mối quan hệ mật thiết giữa Nhật Bản và Việt Nam vào thời kỳ “mậu dịch châu ấn thuyền”.
TRẦN ĐỨC ANH SƠN