Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt

LÝ ĐỢI 27/02/2022 07:34

Có thể gọi cuốn biên khảo “Chuyện trà” của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức là lược sử đầu tiên và xuyên suốt về chuyện uống nước chè/trà của người Việt suốt cả nghìn năm qua.

Sách của Trần Quang Đức.
Sách của Trần Quang Đức.

Cũng như cuốn sách rất nổi tiếng “Ngàn năm áo mũ” (năm 2013), trong cuốn mới này, Trần Quang Đức (sinh 1985, Hải Phòng) đã làm được cuộc xâu chuỗi linh hoạt, với nhiều tham cứu, để mang đến cái nhìn mở rộng ra chuyện uống nước chè/trà của cả Trung Quốc, Đông Á và nhiều nước khác trên thế giới.

Sự ưu tư nhỏ, mà không nhỏ

Trong “Vũ trung tùy bút”, Phạm Đình Hổ viết: “Ta thường muốn kén chọn những thiếu niên tuấn tú […] đem tiền bạc mà sang Trung Hoa. Người qua lò gốm sứ […] kẻ đến hiệu lụa là, ăn ở cùng người, học nghề khôn khéo. Hoặc đi tới các tỉnh Mân, Dương, Chiết, Kinh, lựa mua trà thuốc, xem xét thổ nghi, học tinh rồi về, mỗi người mỗi nghiệp...”. Nay qua “Chuyện trà”, tuy không trực tiếp bày tỏ, nhưng có thể thấy Trần Quang Đức cũng chia sẻ nỗi ưu tư này. Tuy anh hoan hỷ với việc uống chè/trà một cách mộc mạc, bình dân, nhưng trong sâu xa, cũng muốn Việt Nam có thể kiện toàn thêm về lịch sử, học thuật, khoa học, thẩm mỹ, độ tinh xảo và nghệ thuật, để ngang tầm trà đạo. Mà đâu chỉ riêng gì trà, nhiều ngành nghề khác cũng cần phải như vậy.

“Xét chung tư liệu trà Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 trở về trước, ngoài đoạn mô tả khá chi tiết của Phạm Đình Hổ trong “Vũ trung tùy bút”, “Quần thư tham khảo về lối uống trà Tàu ở ta giai đoạn cuối Lê” (thế kỷ 18), cơ bản không có tư liệu cổ nào viết riêng về trà... Điều này không phải do chiến tranh hỏa hoạn gây nên, tôi cho là do tự thân trí thức Việt trước đây không có nhu cầu viết mà thôi” - Trần Quang Đức viết trong lời nói đầu của “Chuyện trà”.

Cuốn sách này có vô số điểm nổi bật, mới mẻ, nhưng nếu nhìn từ tâm thế đọc của nhiều người Việt, có lẽ có hai ưu điểm lớn và một ưu tư nhỏ.

Về học thuật, cũng như ở khía cạnh tâm lý đời sống, do thấy trà quá có lịch sử bề thế, lâu đời tại Trung Quốc, nên đã có không ít suy nghĩ cho rằng “trà” là từ Hán Việt, vốn có trước, sau đó mới biến âm để sinh ra “chè”, là từ thuần Việt. Trong chương Văn tự kỳ khu, khảo về tên gọi trà, Trần Quang Đức chứng minh rằng suy nghĩ/phát ngôn này là chưa chính xác, vì từ 茶, từ xa xưa đã đọc là trà, hoặc là chè, tùy ngữ cảnh.

Trần Quang Đức khẳng định: “Cách gọi trà trong các ngôn ngữ trên thế giới hiện nay hầu hết bắt nguồn từ âm đọc cha và té, xuất phát ở hai vùng phương ngữ Quảng Đông và Mân Nam (Phúc Kiến) của Trung Quốc. […].

Như vậy, tên gọi trà theo tiếng Latin là thea, tiếng Pháp là thé, tiếng Anh là tea… đều bắt nguồn từ âm đọc té trong tiếng Mân Nam, có mối dây mơ rễ má với âm đọc chè trong tiếng Việt. Bởi tiếng té hay chè đều bảo lưu âm đọc cổ của trà từ trước thế kỷ 6. Còn lại, trà hay cha, chá, ja… là âm đọc phái sinh khi nguyên âm e chuyển thành a trong quá trình biến đổi ngữ âm, phát sinh trong nội bộ tiếng Hán”.

Tác giá Trần Quang Đức.
Tác giá Trần Quang Đức.

Từ truy nguồn cây trà và nguồn gốc tên gọi xa xưa, Trần Quang Đức đi đến kết luận: “Trà và chè trước đây vẫn được dùng lẫn, sách vở ghi lại rất nhiều. Cứ lấy định nghĩa về trà, chè trong “Đại Nam quấc âm tự vị”, từ điển tiếng Việt đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ xuất bản năm 1895 là đủ biết...

Một trong những sự khác biệt cơ bản giữa chúng, xét từ góc độ ngôn ngữ học, nằm ở chỗ: trà được coi là âm đọc chữ Hán trên sách vở, dùng để đọc các văn bản quan phương thời phong kiến, là âm Hán Việt, hình thành trong khoảng thế kỷ 8 - 9; còn chè thuộc lớp từ vựng cổ Hán Việt, đi vào tiếng Việt trước đời Đường (602 - 907) qua con đường khẩu ngữ, sử dụng trong đời thường. Ta có cảm giác từ trà trang trọng, tao nhã, còn từ chè mộc mạc, bình dân là vì vậy”.

 Ưu điểm lớn thứ hai của “Chuyện trà” là không lấy cách uống trà/trà đạo ở bất kỳ nước nào làm trung tâm để phán xét các nước còn lại. Sách này truy xét, lần giở từ sách vở, thi ca cho đến đời sống thực tế để chỉ ra rằng cách uống nào cũng có điều thoải mái, ý vị, thậm chí quan niệm, triết lý riêng của nó. Trà đá vỉa hè, hoặc trà chuyên nước rót phong lưu, hoặc công phu trà đạo… xét đến cùng, đều có cái lý, cái tình, cái sự của nó và không thể nào so sánh.

Những luận giải của Trần Quang Đức qua “Chuyện trà” đem đến cho bạn đọc nhiều thú vị, như khi nhấp một ngụm trà, dư âm để lại còn đa tầng hơn lúc ban đầu là vậy.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO