Liêm chính

ĐIỆN NAM 07/08/2016 06:25

Gần đây hay nghe thấy nhiều người nhắc lại hai chữ “liêm chính”.

Khi đọc thông tin về các vụ bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ nháo nhào, có nhà nghiên cứu chỉ ra hiện tượng “lợi ích nhóm” rồi đề xuất giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ “liêm chính”.

Từ các đại án làm thất thoát ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, đến việc “tham nhũng vặt” ở bệnh viện, ở thôn xã cũng đặt ra vấn đề đạo đức cán bộ khi tính “liêm chính” bị bỏ qua.

Mới đây, nhắc các công trình xây dựng trái phép, các nhà máy gây ô nhiễm, các vụ phá rừng... đều ít nhiều liên quan đến cơ quan công quyền, những người có chức có quyền bị nghi vấn không “liêm chính”.

Vậy “liêm chính” có phải là câu chuyện mới mẻ? Không, cũ lắm rồi.

Người không rành nho học, không đọc sách xưa, cũng biết ca dao tục ngữ của ông bà mình để lại nhiều lời khuyên về tính liêm chính, chẳng hạn: “đói cho sạch, rách cho thơm”, hay “cây ngay không sợ chết đứng”...

Những ai võ vẽ dăm ba chữ nho với nền học cũ đều nhớ Khổng Tử đã gay gắt phê phán rằng “người mà không liêm thì không bằng súc vật”. Cách đây 2600 năm, Quản Trọng khi làm tể tướng nước Tề đã áp dụng 4 chữ “ lễ, nghĩa, liêm, sỉ” để làm quốc sách chấn hưng tinh thần đạo đức trị quốc an dân. Quản Tử nói: “Lễ, nghĩa, liêm, sỉ là tứ duy (tức 4 đầu dây) của một nước. Bốn đầu dây ấy nếu không giương lên được thì nước sẽ diệt vong”, “nếu không liêm thì của gì cũng lấy, nếu không sỉ thì việc gì cũng làm”. Đồng quan điểm này, Mạnh Tử cho rằng, nếu không giữ liêm mà “ai cũng tham lợi thì nước sẽ nguy”.

Còn cán bộ ngày nay, học qua nhiều lớp bồi dưỡng chính trị, chắc nhớ câu nằm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Hồ Chí Minh giải thích rõ: Liêm là  “luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân”; “không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân”, phải “trong sạch, không tham lam”; còn chính “nghĩa là không tà, thẳng thắn, đứng đắn”. Đối với mình: không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát huy điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân. Đối với người: không nịnh hót người trên, không xem khinh người dưới, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết thật thà, không dối trá, lừa lọc. Đối với việc: để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà. Chữ “chính” là thước đo để biết người thiện kẻ ác, làm việc chính là thiện, làm việc tà là ác.

Rõ ràng vấn đề “liêm chính” không mới mẻ gì nữa nhưng sao lại đặt ra vào lúc này với tần suất nhắc nhở cao độ? Bởi, tệ tham nhũng đã làm băng hoại đạo đức, đe dọa tới sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ, như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng đã chỉ ra.  Bởi, hiện trạng tham nhũng đã phổ biến ở nước ta, từ “phong bì và nền công nghiệp phong bì” đến “làm luật”, cho đến “công nghệ bôi trơn”... làm dư luận xã hội bức xúc. Chính vì thực trạng này mà xếp hạng Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam đứng thứ 112/168 quốc gia và vùng lãnh thổ (số liệu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố vào đầu năm 2016). Đáng lưu ý, Việt Nam không có cải thiện về điểm số CPI trong 4 năm liên tiếp (kể từ năm 2012) và tiếp tục nằm trong nhóm các nước mà tham nhũng ở khu vực công được cho là nghiêm trọng.

Đã đến mức như vậy nên dễ hiểu cam kết của Chính phủ mới là xây dựng một nhà nước “kiến tạo” và “liêm chính”. Đó là vấn đề không mới nhưng không bao giờ cũ. Bởi ai cũng có thể định nghĩa được hai chữ liêm chính là gì nhưng không phải ai cũng đều muốn thực hành, vì lòng tham vô đáy, vì không ít quan chức vẫn theo thói đời “thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ”...

ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liêm chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO