(QNO) - Đây là lời cảnh báo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra ngày 1.12, trước thềm Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) diễn ra từ ngày 2.12 tại Tây Ban Nha.
Những tác động tàn phá của tình trạng ấm lên toàn cầu đe dọa loài người là sự đáp trả của thiên nhiên khi bị tấn công.
Đây là lời cảnh báo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra ngày 1/12, trước thềm Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) diễn ra từ ngày 2/12 tại Tây Ban Nha.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc chỉ rõ loài người đã có chiến tranh với hành tinh trong nhiều năm qua, và giờ đây hành tinh này đang chống trả.
Ông Guterres cảnh báo loài người đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu và đang tiến gần tới “điểm không thể cứu vãn” trong cuộc khủng hoảng này.
Trích dẫn một báo cáo của Liên hợp quốc công bố ngày 26/11 vừa qua, Tổng Thư ký Giterres nêu rõ nhiệt độ toàn cầu trong 5 năm qua được ghi nhận ở mức ấm kỷ lục, trong đó năm 2019 là năm nóng thứ hai chưa từng thấy.
Các trận thiên tai liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu xảy ra thường xuyên hơn, với mức độ nghiêm trọng hơn và có sức tàn phá khủng khiếp hơn.
Sự ấm lên toàn cầu gây nguy cơ đối với sức khỏe loài người và an toàn thực phẩm, trong khi tình trạng ô nhiễm không khí được coi là nguyên nhân dẫn tới 7 triệu trường hợp tử vong ở các ca sinh non mỗi năm.
Tuần trước, một báo cáo của Chương trình môi trường của Liên hợp quốc cho rằng cần phải giảm 7,6% lượng khí CO2 phát thải ra môi trường mỗi năm trong vòng 10 năm tới thì mới có thể kìm hãm sự tăng nhiệt toàn cầu ở dưỡi ngưỡng 1,5 độ C theo mục tiêu đặt ra trong Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu.
Tổng Thư ký Guterres cho rằng mục tiêu 1,5 độ C là có thể đạt được, song điều này đã bị bỏ lỡ. Ông thẳng thắn chỉ trích các quốc gia có lượng khí thải lớn nhất thế giới đã không nỗ lực hết mình trong cuộc chiến này.
Những cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh những cam kết về khí hậu chưa được thực thi đúng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong khi các nước có lượng khí phát thải lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Brazil “mập mờ” về việc thực hiện các cam kết về khí hậu trong ngắn hạn.
Trong bối cảnh này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá các nước Liên minh châu Âu (EU) nắm giữ vai trò chủ chốt và là nền tảng trong các cuộc đàm phán hướng tới việc loại bỏ hoàn toàn carbon.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu mới được bầu, bà Ursula von der Leyen, đang cố gắng thúc đẩy toàn khối hướng tới mục tiêu đưa lượng khí phát thải về 0 vào năm 2050. Một số nước thành viên EU như Ba Lan và Hungary phản đối mục tiêu này.
Cùng ngày, tổ chức Oxfam cho biết thời tiết khắc nghiệt và các vụ cháy rừng nghiêm trọng đã khiến hơn 20 triệu người phải rời bỏ nhà cửa trong 10 năm qua và tình trạng này sẽ ngày càng trầm trọng nếu lãnh đạo các nước không có hành động ngăn chặn các mối đe dọa do tình trạng biến đổi khí hậu.
Oxfam chỉ rõ các trường hợp sơ tán chủ yếu là do bão lũ và cháy rừng xảy ra theo mùa. Số người phải sơ tán do nguyên nhân này cao gấp 3 lần số người phải sơ tán do xung đột.
Báo cáo của Oxfam chỉ rõ trong số 10 quốc gia có tỷ lệ dâm số phải đi sơ tán cao nhất, 7 quốc gia thuộc nhóm đảo quốc đang phát triển, phần lớn ở Thái Bình Dương và Caribe.
Khoảng 80% số người phải rời bỏ nhà cửa do thiên tai trong 1 thập kỷ qua là ở các nước châu Á, trong đó Philippines và Sri Lanka chiếm phần lớn.
Theo Oxfam, tình trạng thiên tai xảy ra chồng chéo và liên tiếp khiến nhiều nước nghèo – những nước ghi nhận số người phải sơ tán nhiều nhất – khó có thể phục hồi kịp thời trước khi phải đối mặt với những trận thiên tai khác.