Liên hiệp quốc khuyến nghị ngăn ngừa H7N9

QUỐC HƯNG (tổng hợp) 08/04/2013 08:54

Trước diễn biến phức tạp của vi rút cúm gia cầm H7N9 đang diễn ra tại Trung Quốc, Tổ chức Lương Nông (FAO) của Liên hiệp quốc vừa công bố danh sách kiến nghị nhằm ngăn chặn sự lây lan của loại vi rút này.

TỔ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định, các nghiên cứu mới nhất cho thấy vi rút cúm A/H7N9 có trên chim bồ câu và chưa có bằng chứng nào về sự lây lan từ người sang người nhưng có nguy cơ gây tử vong cao, tương đương với vi rút cúm H5N1. Loại vi rút này lây lan qua đường không khí, đường hô hấp, môi trường. Hiện chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc đặc trị nên phác đồ điều trị cúm này vẫn chủ yếu bằng thuốc chống cúm Tamiflu. Cũng theo nhiều chuyên gia y tế, người dân không nên chủ quan nhưng cũng không quá lo lắng vì bệnh này có thể phòng tránh được.

Trung Quốc nâng cao việc kiểm soát gia cầm nhằm hạn chế vi rút A/H7N9. (Ảnh: EPA)
Trung Quốc nâng cao việc kiểm soát gia cầm nhằm hạn chế vi rút A/H7N9. (Ảnh: EPA)

Theo khuyến nghị của FAO, người dân cần tăng cường ý thức vệ sinh nghiêm ngặt như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cũng như nuôi gia cầm cách xa khu vực sinh sống của gia đình cũng như cảnh báo sự tiếp xúc trực tiếp với động vật mắc bệnh có thể gây nguy cơ cho người. Mọi người nên thực hiện ăn chín, uống sôi và không nên ăn thịt động vật bị bệnh cũng như không dùng động vật bị bệnh làm thức ăn cho các động vật khác. Cần tiêu hủy những động vật bị bệnh nếu xác định động vật đó là nguồn gốc gây nguy hại cho sức khỏe con người. Ngoài ra, nhất thiết phải thông báo ngay cho chính quyền những dấu hiệu bị bệnh hoặc tình trạng chết đột ngột, không rõ nguyên nhân của các loài gia cầm, chim nuôi, chim hoang dã hoặc các động vật khác để nhà chức trách có các biện pháp xử lý an toàn và ngăn chặn vi rút lây lan.

Trong khi đó, nhiều nước và lãnh thổ, đặc biệt có biên giới sát Trung Quốc hoặc có công dân sinh sống tại Trung Quốc đều lên tiếng kêu gọi công dân của mình cảnh giác cao độ với H7N9. Tổng lãnh sự quán Nhật Bản ở thành phố Thượng Hải, nơi có khoảng 60 nghìn người Nhật Bản sinh sống và làm việc, đã lên tiếng cảnh báo công dân nước này giữ gìn vệ sinh cá nhân. Đồng thời, đăng lời cảnh báo chính thức trên trang chủ của mình “Đề nghị các công dân không tiếp xúc với gia súc hoặc gia cầm tại các khu chợ bán gia cầm sống, cần đeo khẩu trang ở những nơi đông người. Trong trường hợp xuất hiện các biểu hiện khó thở, sốt cao cần lập tức đến các cơ sở y tế…”.

Mặc dù chưa có báo cáo về các trường hợp mắc cúm gia cầm H7N9 nhưng Đài Loan đã đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ đối với dịch cúm gia cầm H7N9. Theo đó, các nhân viên y tế sân bay theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của du khách, đặc biệt là những du khách đến từ đại lục; tăng cường kiểm tra đối với các du khách có dấu hiệu sốt và tìm hiểu về lịch trình mà họ đã thực hiện; thành lập một trung tâm chỉ huy đặc biệt đối với cúm gia cầm H7N9 nhằm theo dõi chặt chẽ tình hình và liệt cúm gia cầm H7N9 vào danh sách căn bệnh phải khai báo, tăng cường vệ sinh các trang trại trên đảo...

Tại Thượng Hải, nơi ghi nhận 4 trường hợp tử vong vì nhiễm vi rút H7N9, chính quyền thành phố hiện đã tạm thời đóng cửa và ban hành lệnh cấm buôn bán gia cầm tại tất cả các chợ trong thành phố. Việc nhập gia cầm từ các tỉnh thành khác vào Thượng Hải cũng bị cấm cũng như sẽ tiếp tục thực hiện thêm các biện pháp kiểm tra chặt chẽ để đề phòng dịch bệnh có thể lây lan.

 QUỐC HƯNG (tổng hợp)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liên hiệp quốc khuyến nghị ngăn ngừa H7N9
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO