Liên hiệp quốc tăng cường bảo vệ nhà báo

NAM VIỆT 17/12/2013 13:38

Theo hãng thông tấn AFP, Pháp và Guatemala vừa đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ các nhà báo, đặc biệt tại các khu vực có xung đột vũ trang.

Tài liệu của các đại sứ Pháp và Guatemala tại Hội đồng Bảo an tập hợp các ý tưởng được đưa ra trong cuộc họp trước đó, có sự tham gia của đại sứ các nước thành viên Hội đồng Bảo an và nhiều nhà lãnh đạo các tổ chức như trưởng công tố Tòa án hình sự quốc tế (ICC) Fatou Bensouda, giám đốc tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) Irina Bokova và tổng thư ký tổ chức Phóng viên Không biên giới Christophe Deloire... Theo thống kê, năm 2012, trên thế giới có 141 nhà báo bị sát hại. từ đầu năm đến nay có thêm 76 nhà báo bị thiệt mạng khi đang tác nghiệp. Bên cạnh đó, rất nhiều người bị bắt cóc ở những nơi được xem là nguy hiểm nhất như xung đột Syria, Somalia, Pakistan, hay ở Brazil và Mexico vì những băng đảng buôn ma túy… Christophe Deloire khẳng định, đây là những thiệt hại rất lớn cho ngành truyền thông quốc tế. Nhà báo, họ là những người góp tiếng nói tự do, dân chủ vì sự phát triển và hòa bình của nhân loại. Thế nhưng, những người hành hung, gây thiệt mạng nhà báo, phóng viên ảnh và quay phim hoạt động ngoài chiến trường thường không phải chịu bất cứ sự trừng phạt nào.

Ông Christophe Deloire, và Tổng thư ký tổ chức phóng viên Không biên giới lên án các hành động bạo lực đối với các nhà báo.
Ông Christophe Deloire, và Tổng thư ký tổ chức phóng viên Không biên giới lên án các hành động bạo lực đối với các nhà báo.

Ông Christophe Deloire đề nghị lập một nhóm chuyên gia độc lập phụ trách kiểm soát việc tuân thủ nghĩa vụ đối với báo chí của các thành viên Liên hiệp quốc. Thậm chí, các đại diện của tổ chức Phóng viên Không biên giới cũng gợi ý Tòa án hình sự quốc tế nên coi hành động tấn công một nhà báo là “tội ác chiến tranh”. Trên thực tế, việc bảo vệ các nhà báo trước mọi hình thức bạo lực đã được ghi trong nhiều thỏa thuận quốc tế như Hiệp ước Genève về đối xử với các thường dân trong các xung đột hay nhiều nghị quyết khác của Liên hiệp quốc. Năm 1997, UNESCO - cơ quan của Liên hiệp quốc được ủy nhiệm trọng trách bảo vệ tự do ngôn luận và tự do báo chí, đã thông qua Nghị quyết số 29 “Lên án bạo lực chống nhà báo”, trong đó nêu rõ: bất cứ hành vi bạo lực thân thể nào chống nhà báo đều bị coi như một tội ác chống xã hội. Tuy nhiên, vẫn không có biện pháp đặc biệt nào để bảo vệ nhà báo. Theo đại sứ Anh Mark Lyall Grant, việc giết hại nhà báo là hình thức kiểm duyệt tàn khốc nhất. Công việc làm báo thời sự vẫn tiếp tục nằm trong số những nghề nguy hiểm nhất thế giới. Khi thế giới càng có nhiều điểm nóng thời sự, những vụ xung đột vũ trang và bạo lực, danh sách nhà báo thương vong khi tác nghiệp ngày càng dài thêm. Bởi vậy, Mark Lyall Grant kêu gọi Liên hiệp quốc tìm kiếm các biện pháp để thực thi tốt hơn các thỏa thuận quốc tế.

Cuối tháng 11 vừa qua, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã chọn ngày 2.11 hằng năm là “Ngày Quốc tế bảo vệ nhà báo”. Ngày này cũng trùng với ngày 2 phóng viên của Đài phát thanh quốc tế Pháp (Radio France internationale, RFI) là Ghislaine Dupont và Claude Veron, bị bắt cóc và giết hại ở thị trấn Kidal, miền bắc Mali. Hội đồng bảo an kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn bạo lực nhằm vào nhà báo cũng như thực thi các hoạt động điều tra công bằng, nhanh chóng và hiệu quả đối với các vụ tấn công nhằm vào các nhân viên của các công ty truyền thông. Đây là lần đầu tiên Đại hội đồng Liên hiệp quốc nắm bắt hồ sơ bảo vệ nhà báo.

 NAM VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liên hiệp quốc tăng cường bảo vệ nhà báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO