Liên hiệp quốc thông qua hiệp định lịch sử về biển

NAM VIỆT 20/06/2023 17:09

(QNO) - Đêm qua 19/6 (giờ Việt Nam), 193 quốc gia thành viên của Liên hiệp quốc chính thức thông qua thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm bảo vệ đa dạng sinh học biển hay còn gọi "Hiệp định về biển". 

 
 Hệ sinh thái biển. Ảnh: Gettyimages

Đại dương - huyết mạch của hành tinh

Đây là một trong 5 điểm chính mà Liên hiệp quốc lý giải tại sao hiệp định về bảo vệ đại dương lại rất quan trọng đối với nhân loại. 

Trong khi các quốc gia chịu trách nhiệm bảo tồn và sử dụng bền vững các tuyến đường thủy thuộc quyền tài phán quốc gia, hiệp định nói trên cho phép lập ra không gian bảo tồn mới ở biển để bảo vệ ít nhất 30% diện tích đại dương trước năm 2030.

Hiệp định bao gồm 75 điều khoản nhằm bảo vệ, chăm sóc và đảm bảo sử dụng có trách nhiệm môi trường biển, duy trì tính toàn vẹn của hệ sinh thái đại dương và bảo tồn giá trị vốn có của đa dạng sinh học biển.

Giúp đại dương sạch hơn

Hóa chất độc hại và hàng triệu tấn rác nhựa đang tràn vào các hệ sinh thái ven biển, giết chết hoặc làm tổn thương cá, rùa biển, chim biển và động vật có vú sống ở biển, đồng thời xâm nhập vào chuỗi thức ăn mà con người tiêu thụ.

Ước tính của Liên hiệp quốc, đến năm 2050, lượng nhựa ở biển có thể nhiều hơn cá trừ khi thế giới hành động.

Do đó, hiệp định nhằm tăng cường khả năng phục hồi và bao gồm các điều khoản dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền cũng như dựa trên các cơ chế giải quyết tranh chấp.

Hiệp định bắt buộc phải có nghiên cứu tác động môi trường biển khơi đối với mọi hoạt động của con người như đánh bắt hải sản, khai thác mỏ dưới lòng biển. 

 
Hội nghị liên chính phủ của Liên hiệp quốc  thông qua hiệp định về biển vào ngày 19/6/2023. Ảnh: EFE 

Hơn 1/3 trữ lượng cá toàn cầu đang bị khai thác quá mức. Do đó, hiệp định nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển bao gồm việc phát triển và tăng cường năng lực thể chế và các cơ chế hoặc khung pháp lý quốc gia, tăng cường hợp tác giữa các tổ chức biển khu vực và các tổ chức quản lý nghề cá khu vực.

Giảm nhiệt độ đại dương

Sự nóng lên toàn cầu đang đẩy nhiệt độ đại dương tăng lên, gây ra những cơn bão dữ dội và thường xuyên hơn, mực nước biển dâng cao và quá trình nhiễm mặn của các vùng đất và tầng ngậm nước ven biển.

Hiệp định đưa ra hướng dẫn bao gồm thông qua cách tiếp cận tổng hợp để quản lý đại dương, xây dựng khả năng phục hồi của hệ sinh thái, giải quyết các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và  a-xít hóa đại dương, đồng thời duy trì và khôi phục tính toàn vẹn của hệ sinh thái.

Hiệp định cũng công nhận các quyền và kiến thức truyền thống của người dân bản địa và cộng đồng địa phương, quyền tự do nghiên cứu khoa học và nhu cầu chia sẻ lợi ích một cách công bằng và hợp lý.

Góp phần hiện thực hóa chương trình nghị sự 2030

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc. Ảnh: AP
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres. Ảnh: AP

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cho rằng, hiệp định rất quan trọng để giải quyết các mối đe dọa mà đại dương đang phải đối mặt, cũng như để đạt được mục tiêu liên quan đến đại dương, ngăn chặn và giảm đáng kể các loại ô nhiễm biển vào năm 2025, đồng thời chấm dứt đánh bắt quá mức thông qua các kế hoạch quản lý dựa trên cơ sở khoa học, khôi phục nguồn lợi cá trong thời gian ngắn nhất có thể.

"Đại dương là nguồn sống của trái đất. Việc hiệp định về biển được thông qua tiếp thêm sức sống và hy vọng cho đại dương" - Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh. Do đó, ông Guterres kêu gọi các quốc gia nhanh chóng ký và phê chuẩn hiệp định sớm nhất có thể nhằm giải quyết các mối đe dọa đối với đại dương. 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liên hiệp quốc thông qua hiệp định lịch sử về biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO