(QNO) - Liên hiệp quốc vừa thông qua một khuôn khổ toàn cầu mới, vạch ra lộ trình giảm thiểu rủi ro đối với môi trường do các loại hóa chất và chất thải gây ra.
Tại Hội nghị quốc tế về quản lý hóa chất lần thứ 5 do Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) tổ chức ở thành phố Bonn của Đức vào cuối tuần qua, chính phủ các nước, các công ty, tổ chức phi chính phủ đã thông qua lộ trình mới hay Khuôn khổ toàn cầu về hóa chất nhằm giảm thiểu rủi ro môi trường từ hóa chất và chất thải. Đây là một phần trong nỗ lực quản lý việc tiếp xúc với hóa chất gây hại.
Lộ trình đặt ra 28 mục tiêu và hướng dẫn cụ thể cho các lĩnh vực quan trọng trong toàn bộ vòng đời của hóa chất, từ sản xuất đến chất thải, bao gồm ngăn chặn buôn bán trái phép hóa chất và chất thải, thiết lập luật pháp quốc gia và loại bỏ dần thuốc trừ sâu có độ nguy hiểm cao trong nông nghiệp vào năm 2035.
Cạnh đó, lộ trình kêu gọi chuyển đổi sang các giải pháp thay thế hóa chất an toàn, bền vững hơn, quản lý hóa chất có trách nhiệm trong các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe, đồng thời tiếp cận nhiều hơn với thông tin về rủi ro liên quan của các hóa chất khác nhau.
Bà Inger Andersen - Giám đốc điều hành UNEP phát biểu: "Mọi người trên hành tinh này đều có thể sống và làm việc mà không sợ bị bệnh hoặc chết vì tiếp xúc với hóa chất. Thiên nhiên, không bị ô nhiễm, sẽ có thể hỗ trợ nhân loại trong nhiều thiên niên kỷ tới. Đây là lý do tại sao khuôn khổ này mang lại tầm nhìn về một hành tinh không bị tổn hại bởi hóa chất và chất thải, vì một tương lai an toàn, lành mạnh và bền vững".
Do đó, người đứng đầu UNEP kêu gọi các chính phủ, ngành công nghiệp hóa chất và tất cả mọi người liên quan vượt lên trên những gì đã được thống nhất để bảo vệ con người và hành tinh mà tất cả chúng ta phụ thuộc.
Hội nghị cũng thông qua Tuyên bố Bonn, trong đó cam kết "ngăn chặn tiếp xúc với các hóa chất độc hại và loại bỏ dần những chất độc hại nhất khi thích hợp, đồng thời tăng cường quản lý an toàn các hóa chất đó khi cần thiết".
Đức cam kết chi 20 triệu euro để thực hiện khuôn khổ này do UNEP quản lý trong khi một số quốc gia cam kết loại bỏ dần những hóa chất độc hại nhất trong vòng 12 năm tới.
Trong những năm qua, một số nghiên cứu nhấn mạnh mối liên hệ đáng kể giữa việc tiếp xúc với hóa chất và tác động bất lợi của nó đối với sức khỏe con người, chưa kể đến những chất có hại tồn tại trong môi trường trong nhiều năm dẫn đến suy thoái hệ sinh thái và mất đa dạng sinh học.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm hóa chất trực tiếp vào không khí, đất, nước và nơi làm việc gây ra 2 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu.