“Những người làm phim tài liệu ở QRT rất có nghề”. Đó là nhận xét của thành viên Ban giám khảo thể loại phim tài liệu tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 34 vừa qua. Ở các thể loại khác, người làm truyền hình đất Quảng cũng đã khẳng định được mình.
Xóa khoảng cách
Tham gia liên hoan lần này Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam (QRT) lần đầu tiên đoạt huy chương vàng thể loại phim tài liệu với tác phẩm “Người cộng sự” (nhóm tác giả Vinh Quang, Văn Trường, Ngô Hòa), huy chương bạc cho phim ca nhạc “Tiếng gọi từ đại ngàn” (nhóm tác giả Vinh Quang, Phước Trịnh, Xuân Bá, Ngọc Kết, Ngô Hòa) và 3 bằng khen cho phóng sự “Rừng động” (nhóm tác giả Văn Trường, Trần Đức, Xuân Hiếu), phim chuyên đề - khoa giáo “Phân loại rác thải tại nguồn - bài học từ Hội An” (nhóm tác giả Xuân Lộc – Đình Phương – Quang Phi) và chương trình chuyên đề tiếng dân tộc “Nơi quan tòa thất nghiệp” ( Nguyễn Hải – Tấn Sỹ- Đình Sơn).
Ông Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc, Trưởng đoàn đơn vị QRT tham dự liên hoan cho biết, phim tài liệu “Người cộng sự” là một trong 5 phim tài liệu đoạt huy chương vàng tại liên hoan. Phim được đánh giá có đề tài độc đáo, cách thể hiện chân thật, công phu trong tìm kiếm, tiếp cận tư liệu, tiêu biểu là 69 bức thư Bác Hồ đã gửi cho Phan Bôi - Hoàng Hữu Nam, một chí sĩ cách mạng xứ Quảng song lại rất ít người biết đến. Chỉ có 36 năm tuổi đời (1911 - 1947) nhưng Phan Bôi đã có hơn 20 năm hoạt động cách mạng, trong đó ngót 10 năm bị giam cầm nơi tù ngục. Cuộc đời nhà cách mạng Phan Bôi - Hoàng Hữu Nam gắn liền với Cách mạng Tháng Tám, với lãnh tụ Hồ Chí Minh cho tới khi Chính phủ trở lại chiến khu Việt Bắc.
Nhóm sản xuất chương trình của QRT tác nghiệp chương trình ca nhạc “Tiếng gọi đại ngàn”. Ảnh: V.TRƯỜNG |
Cuộc đời và những đóng góp của Phan Bôi - Hoàng Hữu Nam cho đất nước trong vai trò người cộng sự của Bác Hồ là niềm tự hào cho quê hương xứ Quảng. Phim tài liệu là thể loại khó, trong các kỳ liên hoan, giải cao gần như chỉ thuộc về đài truyền hình trung ương, các đài lớn, các nhà làm phim lão luyện trong nghề. Ông Nguyễn Quang Phóng, Giám đốc Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự Đài THVN, trưởng Ban giám khảo phim tài liệu cho rằng, nhiều tác phẩm của các đài địa phương, trong đó có tác phẩm “Người cộng sự” đã thu hẹp khoảng cách với các đài trung ương, đài lớn và có nhiều cách thể hiện mới, hấp dẫn. Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Văn Hùng - thành viên ban giám khảo thể loại phim tài liệu nói: “Nếu như thể loại phóng sự cần tính phát hiện rõ rệt, thì phim tài liệu cần cách đặt vấn đề mới, có hướng đi riêng với nhân vật của phim. QRT với “Người cộng sự” đã làm được điều này. Trước đó, tại Liên hoan Phim tài liệu truyền hình và phóng sự chuyên đề lần III - 2014 diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh, giải vàng duy nhất ở thể loại phim tài liệu cũng đã thuộc về QRT với tác phẩm “Phong trào Duy tân và bộ ba xứ Quảng”. Điều này càng thêm tin tưởng, những người làm phim tài liệu ở QRT rất “có nghề”.
Thoát khỏi lối mòn
Với huy chương bạc chương trình ca nhạc “Tiếng gọi đại ngàn”, đây cũng lần đầu tiên QRT đoạt giải cao ở thể loại ca múa nhạc. Bởi phim ca nhạc và chương trình ca nhạc đòi hỏi rất nhiều yếu tố mà các đài địa phương rất khó sản xuất để có tác phẩm phát sóng chứ chưa nói đến chuyện “mang chuông đi đánh xứ người”. Theo đạo diễn Vinh Quang (QRT), cái thiếu của các Đài địa phương đó là kinh nghiệm, con người, phương tiện kỹ thuật, và kinh phí sản xuất, để sản xuất phim ca nhạc rất tốn kém, mỗi phim phải đầu tư hàng chục triệu đồng. Vậy trong điều kiện con nhà nghèo, QRT phải làm theo kiểu con nhà nghèo. Và với chương trình ca nhạc “Tiếng gọi đại ngàn” lần này ê-kíp làm phim đã thoát khỏi lối mòn trong phim ca nhạc giới thiệu tác giả, tác phẩm lâu nay vẫn làm. Tác phẩm lần này là một câu chuyện phim sâu lắng, thông qua âm nhạc thật đẹp. Trên nền 5 ca khúc của nhạc sĩ Phan Văn Minh (hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam) viết về miền núi Quảng Nam, chương trình ca nhạc “Tiếng gọi đại ngàn” đã giới thiệu đến người xem những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Nghệ sĩ ưu tú Xuân Đề và ca sĩ Thảo Vân (Đoàn Văn công Quân khu 5) đã hóa thân vào câu chuyện tình lãng mạn của chàng giáo viên miền xuôi với cô gái Cơ Tu xinh đẹp, dịu hiền. Ở đó, người xem được chứng kiến những tập tục ngàn đời về đính ước, cưới xin và lễ hội của đồng bào Cơ Tu. Đặc biệt hơn, qua tác phẩm, khán giả sẽ được nhìn ngắm, thưởng ngoạn những cảnh đẹp kỳ thú và hùng vĩ của dãy Trường Sơn huyền thoại, để càng hiểu và yêu hơn vùng rừng núi biên cương Tổ quốc.
Ở thể loại phóng sự, tác phẩm “Rừng động” đã nói trúng những điểm nóng mang tính thời sự hiện nay vùng rừng núi Quảng Nam. Gần 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, cuộc sống bao đời của các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam một số nơi bị xáo trộn. Không ít hộ nghèo bỗng chốc giàu lên nhờ tiền bồi thường từ các dự án thủy điện, từ đó trở nên xa lạ với truyền thống dân tộc mình. Mâu thuẫn trong gia đình, thôn bản phát sinh theo hướng tiêu cực; vai trò già làng, trưởng bản, người uy tín không được phát huy. Còn hơn cả động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My), với người dân, đây là điềm dữ: rừng đã động. Song bên cạnh đó vẫn có những con người “vượt qua hủ tục”, làm được những điều tốt đẹp. Niềm tin, hy vọng cho đồng bào miền núi Quảng Nam vẫn còn đấy nếu biết rõ nguyên nhân, dần bỏ những cái xấu, nhân lên cái tốt...
Liên hoan truyền hình toàn quốc hằng năm là “sân chơi” nghề nghiệp của người làm truyền hình trong cả nước. Với những người làm truyền hình Quảng Nam, qua mỗi kỳ liên hoan đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, phấn đấu làm tốt hơn công việc của mình. Đặc biệt, đã sản xuất được những tác phẩm báo chí truyền hình có chất lượng cao về vùng đất Quảng Nam địa linh nhân kiệt, đáp ứng đòi hỏi của công chúng và xu thế phát triển của truyền hình trong giai đoạn hiện nay.
VÕ VĂN TRƯỜNG