Liên kết đào tạo nguồn nhân lực

NGUYỄN THANH BÌNH 22/03/2017 08:40

Để thực hiện được vai trò “Trung tâm giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ” của vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung, Đà Nẵng cần phải có sự liên kết đào tạo giữa các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo nghề (ĐH,CĐ,CSĐTN) và các doanh nghiệp trong vùng.

Đào tạo còn bất cập

Thế giới đã bước vào thời kỳ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0), trong đó tri thức là nguồn lực quan trọng nhất thay vì công cụ sản xuất và nguồn vốn như trước. Đó là những cơ sở quan trọng để các địa phương, các trường ĐH, CĐ, CSĐTN tại TP.Đà Nẵng và miền Trung đổi mới và phát triển nhằm cung cấp nguồn nhân lực (NNL), nhất là NNL chất lượng cao cho khu vực và cả nước. TP.Đà Nẵng và 4 tỉnh thuộc vùng KTTĐ miền Trung đã hình thành và phát triển hệ thống các trường ĐH lớn, chất lượng cao như: ĐH Đà Nẵng , ĐH Huế. Các tỉnh thành khác đều có các trường ĐH, CĐ công lập như: CĐ Nghề Đà Nẵng (Bộ LĐ-TB&XH), Cơ sở Trường ĐH Nội vụ Hà Nội tại miền Trung (Bộ Nội vụ), ĐH Tài chính - Kế toán Quảng Ngãi (Bộ Tài chính), v.v. Ngoài ra, có nhiều ĐH lớn ngoài công lập như: ĐH Duy Tân, ĐH FPT, ĐH Đông Á… Trong đó, Trường ĐH Đà Nẵng lớn nhất với 9 thành viên, hàng năm tuyển sinh bình quân gần 12.000 sinh viên (SV) hệ chính quy ĐH, CĐ, 1.000 học viên cao học... Trong số 1.479 cán bộ giảng dạy của ĐH Đà Nẵng có 387 tiến sĩ, tiến sĩ khoa học và 10 thạc sĩ, đa số giảng viên trẻ đều đào tạo từ các nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật, Pháp, Đức…

Lễ ký kết hợp tác đào tạo. Ảnh: N.T.B
Lễ ký kết hợp tác đào tạo. Ảnh: N.T.B

Hàng năm, riêng hệ thống 24 trường ĐH, CĐ và 55 CSĐTN trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã thu hút hơn 70.000 SV các trường ĐH, 35.000 SV CĐ và Trung cấp nghề.  Tuy nhiên, hệ thống đào tạo NNL Đà Nẵng bộc lộ nhiều bất cập như mạng lưới cơ sở đào tạo chưa được quy hoạch đồng bộ, một số cơ sở đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu về quy mô, năng lực, chất lượng; cơ cấu đào tạo còn bất hợp lý, chưa thích ứng kịp thời với  nhu cầu xã hội (tỷ lệ SV tốt nghiệp ra trường thất nghiệp còn cao); nhất là sự liên kết trong đào tạo giữa các tỉnh thành trong vùng, giữa nhà trường với các nhà tuyển dụng chưa chặt chẽ. Nhiều ngành đào tạo giống nhau giữa các trường, giữa các địa phương dẫn đến dư thừa nguồn cung. Trong khi nhà tuyển dụng lại khó khăn trong việc tìm kiếm, tuyển dụng NNL cao ở một số ngành chuyên nghiệp.

Liên kết đào tạo

GS-TS. Trần Văn Nam - Giám đốc Trường ĐH Đà Nẵng cho rằng, để Đà Nẵng thực hiện được vai trò “trung tâm giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ” của vùng KTTĐ miền Trung, cần phải tăng cường hợp tác, liên kết đào tạo NNL giữa các trường ĐH, CĐ, CSĐTN và các doanh nghiệp (DN) cả khu vực. Giải pháp liên kết đào tạo này vừa có ý nghĩa quyết định, vừa là yêu cầu cấp bách tạo động lực quan trọng cho kinh tế - xã hội của Đà Nẵng và khu vực miền Trung phát triển bền vững. Với vị thế của trường ĐH vùng, ĐH Đà Nẵng sẽ tăng cường hợp tác trong liên kết đào tạo với các trường ĐH có uy tín trong vùng (như ĐH Huế, ĐH Quy Nhơn,…), phát huy thế mạnh của từng trường thành viên để đào tạo NNL cao cho từng địa phương và khu vực. Chú trọng việc trao đổi chuyên môn, thẩm định và công nhận chương trình đào tạo giữa các trường, hình thành đội ngũ giảng viên chung, giỏi về chuyên môn để mời thính giảng các trường ĐH khu vực. Đồng thời tăng cường sử dụng nguồn lực chung về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trang thiết bị giữa các trường.

Đặc biệt, cần gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nhu cầu dự báo, đồng thời liên kết đào tạo theo địa chỉ. Trường ĐH Đà Nẵng từng có kinh nghiệm trong đào tạo NNL theo đơn đặt hàng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Công ty ô tô Trường Hải và được đánh giá cao về năng lực của đội ngũ cử nhân, kỹ sư do nhà trường đào tạo. Ngày 5.3 vừa qua, tại Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) đã khởi động cuộc thi “Dynamic - Sinh viên nhà Doanh nghiệp tương lai 2017” thu hút gần 500 SV khối ngành kinh tế của ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng tham gia. Đây là cuộc thi do ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh  cùng  PepsiCo Việt Nam tổ chức từ năm 1996 đến nay, tạo cầu nối SV - nhà trường - doanh nghiệp - cộng đồng. Hay chương trình “Ngày hội Việc làm” tại ĐH Duy Tân (từ năm 2006 đến nay) đã thu hút hơn 300 DN tham gia, cung ứng hơn 5.000 hồ sơ nhân sự/năm, góp phần giải quyết việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp, cải thiện hiệu quả  hợp tác giữa cơ sở đào tạo với DN.

Ngoài ra, liên kết đào tạo giữa các DN với các trường ĐH, CĐ, CSĐTN trong khu vực là hết sức cần thiết. Điểm yếu lớn nhất của giáo dục ĐH hiện nay là SV ra trường không thể làm việc được ngay do thiếu kỹ năng thực hành nghề nghiệp. Nguyên nhân chính là khối lượng thực hành, thực tập trong chương trình đào tạo ít, SV đi thực tập tốt nghiệp lại không hiệu quả. Để khắc phục được điều đó, chỉ có sự hỗ trợ của DN, cơ sở sản xuất trong việc tạo điều kiện thực hành, thực tập cho SV. Bên cạnh kỹ năng thì ngoại ngữ được xem là tấm vé thông hành dẫn SV đến các cơ hội việc làm trong và ngoài nước. Do đó, các trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), ĐH Đông Á đã chú trọng kỹ năng tiếng Anh, tiếng Nhật chính từ những hoạt động giao lưu SV quốc tế với ĐH PLXH Tokyo hằng năm, Lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nhật tại Hội An hay gần đây là Tuần lễ giao lưu SV Việt - Hàn tại Đà Nẵng. Trong hợp tác quốc tế,  ĐH Đà Nẵng đã triển khai đào tạo theo chương trình quốc tế về các lĩnh vực như tin học công nghiệp, công nghệ phần mềm, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật viễn thông…

NGUYỄN THANH BÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liên kết đào tạo nguồn nhân lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO