Từ sau vụ tàn phá rừng đặc dụng khu vực Bà Nà - Núi Chúa (khu vực giáp ranh giữ huyện Đông Giang và Hòa Vang (TP.Đà Nẵng), lực lượng chức năng 2 địa phương bắt tay bảo vệ rừng, nhờ vậy đã ngăn chặn hiệu quả nạn xâm hại tài nguyên.
Quảng Nam và Đà Nẵng bắt tay giữ rừng vùng giáp ranh. Trong ảnh: Tuần tra chung trong rừng phòng hộ Sông Kôn (Đông Giang), khu vực giáp ranh với rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa (Đà Nẵng). |
Tuần tra chung
Từ năm 2016, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đã xây dựng quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh. Ranh giới giữa huyện Đông Giang, Đại Lộc và Hòa Vang có nhiều diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ nên cơ quan kiểm lâm của 2 địa phương đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc ký kết quy chế phối hợp chia sẻ thông tin, tuần tra, truy quét, phòng chống cháy rừng chung. Đáng chú ý, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2 (Đội KLCĐ&PCCCR số 2) thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với các hạt kiểm lâm vùng giáp ranh tổ chức 6 đợt tuần tra, truy quét, phá hủy 10 máy nổ, 3 giàn máng đãi vàng, 8 lán trại, đẩy đuổi hàng trăm lượt người ra khỏi rừng. Còn Hạt Kiểm lâm Bắc Quảng Nam phối hợp với Hạt Kiểm lâm Hòa Vang tuần tra và bắt giữ 5 vụ vận chuyển lâm sản trái phép; tổ chức 6 đợt kiểm tra, truy quét trong rừng ở xã Đại Nghĩa, Đại Hiệp (Đại Lộc) giáp ranh huyện Hòa Vang. Theo Hạt Kiểm lâm Bắc Quảng Nam, các xưởng cưa xẻ gỗ ở hai xã Đại Hiệp và Hòa Khương, một thời gọi là “xưởng trá hình” núp bóng tiêu thụ gỗ lậu đã được hai đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát. Hiện nay không còn điểm nóng về tình trạng mua bán gỗ trái phép tại vùng giáp ranh khu vực này.
Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm Đông Giang - Tây Giang cùng Hạt Kiểm lâm Hòa Vang tổ chức 14 đợt truy quét lâm khoáng sản trái phép, phối hợp Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông thuộc Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa tổ chức 7 đợt truy quét. Theo đó, phá dỡ 5 lán trại, xử lý 4 vụ vi phạm khai thác gỗ trái phép. Đồng thời lực lượng kiểm lâm của Đông Giang - Tây Giang và Hòa Vang cũng thường xuyên phối hợp kiểm tra kiểm soát, ngăn ngừa các phương tiện ô tô, mô tô vận chuyển gỗ trái phép trên tuyến quốc lộ 14G giữa huyện Đông Giang và Hòa Vang. Giữa năm 2017, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng hai địa phương Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đã phát hiện tại tiểu khu 54 (khu vực làng Dốc Kiền) có 0,8m3 gỗ tự nhiên cất giấu trái phép nên bàn giao cho lực lượng chức năng huyện Đông Giang xử lý. Việc chuyển Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông (thuộc Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa) để bàn giao đất lại cho huyện Đông Giang quản lý đã được thực hiện. Riêng việc xử lý đối với cây trồng (cao su, keo lá tràm) trên đất chồng lấn giữa huyện Đông Giang và TP.Đà Nẵng đang được xem xét, xử lý...
Xử lý các vướng mắc
Qua 2 năm thực hiện quy chế phối hợp, Đội KLCĐ&PCCCR số 2 Quảng Nam đã cùng các hạt kiểm lâm vùng giáp ranh phát hiện 19 vụ vi phạm, phương tiện tạm giữ gồm 3 ô tô, mô tô và gần 28m3 gỗ tròn các loại… Hạt Kiểm lâm Bắc Quảng Nam phối hợp với Hạt Kiểm lâm Hòa Vang đón chặn và xử lý 5 vụ vận chuyển lâm sản trái phép; tịch thu gần 3m3 gỗ, tạm giữ 4 phương tiện tham gia vận chuyển gỗ trái phép. Cơ quan chức năng 2 địa phương khởi tố 2 vụ án khai thác rừng trái phép tại các khu vực vùng giáp ranh với 22 đối tượng vi phạm, đã tiến hành xét xử, thi hành án đối với 21 đối tượng (còn 1 đối tượng đã bỏ trốn, các cơ quan đang tiến hành truy nã tội phạm). Tại hội nghị sơ kết đánh giá công tác phối hợp của cơ quan kiểm lâm của Quảng Nam và Đà Nẵng cuối tuần qua, 2 địa phương đề xuất, hội nghị sơ kết cuối năm 2019 cùng hợp nhất quy chế phối hợp giữa 3 Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Vườn Quốc gia Bạch Mã. |
Theo ông Trần Viết Phương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng, lực lượng kiểm lâm 2 địa phương đã có nhiều thông tin kịp thời, chính xác, phối hợp đồng bộ trong truy quét lâm, khoáng sản nên hạn chế được tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Điểm sáng là tình hình vi phạm về khai thác, vận chuyển lâm sản vùng giáp ranh Bà Nà - Núi Chúa và Sông Kôn, Đại Lộc - Hòa Vang, xưởng cưa trá hình được kiểm soát. Đối tượng chuyên sử dụng xe máy để vận chuyển gỗ giảm đáng kể. Ngành nông nghiệp 2 địa phương xác định, nhiệm vụ quan trọng sắp tới là tiếp tục tham mưu chính quyền địa phương 2 tỉnh, thành phố xử lý dứt điểm việc trồng keo và cao su trên đất rừng chồng lấn tại khu vực giáp ranh Cà Nhông (xã Tư, Đông Giang với xã Hòa Bắc, Hòa Vang); tổ chức giao ban thường xuyên để đánh giá thực hiện quy chế phối hợp; đề xuất giải pháp thực hiện, tháo gỡ nhanh vướng mắc hoặc điều chỉnh lại quy chế để thực hiện sát với thực tiễn hơn.
Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, sắp tới sẽ đánh giá mô hình giao khoán bảo vệ rừng cho nhóm hộ, xin chủ trương thay đổi hình thức giao khoán bảo vệ rừng. Các hạt kiểm lâm, Đội KLCĐ&PCCCR xây dựng kế hoạch phối hợp lực lượng công an, quân đội, tài nguyên - môi trường và chính quyền địa phương cấp xã trong công tác tuần tra, truy quét xử lý triệt để các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đất đai. Kiểm tra thực hiện nhiệm vụ kiểm lâm địa bàn, nhất là địa bàn vùng giáp ranh nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương cấp xã về thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Giải pháp lâu dài mà cơ quan kiểm lâm 2 địa phương đề xuất là yêu cầu chính quyền các cấp, chủ rừng, lực lượng kiểm lâm, công an các cấp tập trung quản lý tốt địa bàn ngay từ thôn bản, thống kê đối tượng, kiểm soát và ngăn chặn ngay từ đầu việc đưa người, phương tiện, dụng cụ vào rừng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; trục xuất các đối tượng làm ăn phi pháp ra khỏi địa bàn quản lý. Cạnh đó, quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến lâm sản, không để xảy ra tình trạng lợi dụng làm đầu mối tiêu thụ lâm sản trái phép.
TRẦN HỮU