Quảng Nam và TP.Đà Nẵng là hai địa phương liền kề nhau, vì thế hai hội nông dân bắt tay liên kết với nhau sẽ tạo chỗ dựa cho bà con nông dân trong việc sản xuất. Bởi trên thực tế nền nông nghiệp Quảng Nam và Đà Nẵng có nhiều mối liên quan, gắn kết mật thiết với nhau. Nguồn nước phục vụ cho ngành nông nghiệp Đà Nẵng xuất phát chủ yếu từ đầu nguồn các sông Quảng Nam, trong khi ở chiều ngược lại TP.Đà Nẵng cũng là thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm hàng đầu của tỉnh Quảng Nam. Điều này đã thúc đẩy hội nông dân của hai địa phương tìm hướng liên kết để hỗ trợ, sẻ chia kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho nhau.
Quang cảnh buổi tọa đàm hợp tác phát triển mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản của hội nông dân hai địa phương. Ảnh: Q.T |
Tại buổi tọa đàm vừa diễn ra tại thị xã Điện Bàn, Hội Nông dân TP.Đà Nẵng đã chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm ấn ăn, nấm dược liệu đã được phát triển hiệu quả ở Câu lạc bộ (CLB) trồng nấm An Khê (quận Thanh Khê). Nhờ sự tư vấn và hỗ trợ của Hội Nông dân thành phố, hộ 28 sản xuất nấm trên địa bàn phường đã xuất bán ra thị trường khoảng 200kg/ngày, cung không đủ cầu. Đặc biệt, nấm linh chi được bán ra thị trường với giá khoảng 1 triệu đồng/kg. Còn ở Quảng Nam cũng đang trong giai đoạn đô thị hóa mạnh, vì vậy, đây là mô hình đáng học tập nhất là những vùng vừa lên đô thị diện tích canh tác bị sụt giảm mạnh. Ở chiều ngược lại, Quảng Nam có nhiều mô hình trang trại quy mô lớn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi khá thành công và đem lại giá trị cao như gà Đông Tảo hay bò lai...
Theo ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam, trong bối cảnh nền kinh tế mở, sự liên kết chặt chẽ giữa hai hội nông dân là vô cùng cần thiết để giảm thiểu tối đa sức ép cho nông dân của hai địa phương. Thời gian tới, hai hội nông dân sẽ thường xuyên trao đổi thông tin cụ thể hơn về thị trường, về khai thác, nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như tăng mật độ các hội thảo, hội chợ triển lãm trưng bày nông sản hơn.
Cũng tại buổi tọa đàm, hai hội nông dân Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đã ký kết bản ghi nhớ về nội dung hợp tác, trong đó trọng tâm là hướng đến phát triển mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản của nông dân. Có 7 cặp địa phương của Quảng Nam và Đà Nẵng cũng ký kết ghi nhớ liên kết hợp tác gồm: Điện Bàn - Hòa Vang; Đại Lộc - Hải Châu; Duy Xuyên - Thanh Khê; Núi Thành - Sơn Trà; Thăng Bình - Ngũ Hành Sơn; Quế Sơn - Liên Chiểu; Phú Ninh - Cẩm Lệ. Ông Đặng Công Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân Đà Nẵng cho rằng, trong bối cảnh cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang siết chặt với thực phẩm bẩn thì việc xây dựng mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản là rất cần thiết, đặc biệt khi Quảng Nam là một trong 6 địa phương chủ lực cung cấp thực phẩm, nông sản cho Đà Nẵng.
QUỐC TUẤN