Liên kết không gian kinh tế

HỮU PHÚC 15/10/2020 11:36

Liên kết vùng để hỗ trợ nhau khai thác hạ tầng chung và cùng kéo “đoàn tàu” kinh tế phát triển là mục tiêu quan trọng mà chính quyền tỉnh đang hướng đến.

Các địa phương muốn liên kết chặt chẽ phải tránh tình trạng chia cắt không gian kinh tế. TRONG ẢNH: Khu đô thị mới Casamia tại xã Cẩm Thanh (Hội An). Ảnh: H.P
Các địa phương muốn liên kết chặt chẽ phải tránh tình trạng chia cắt không gian kinh tế. TRONG ẢNH: Khu đô thị mới Casamia tại xã Cẩm Thanh (Hội An). Ảnh: H.P

Quảng Nam định vị tương lai là sẽ trở thành một hạt nhân quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nên việc đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển ngành nghề chiến lược đều có tính đến yếu tố liên kết vùng.

Chia sẻ lợi ích

Đô thị Điện Nam – Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn), hiện đã hiện thực rõ ý tưởng quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ cách đây hơn 20 năm. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh ở đây đã kích hoạt cho sự phát triển năng động ở các địa phương khu vực phía bắc. Vùng đông thị xã Điện Bàn có lợi thế phát triển đô thị vì nằm gần với Di sản thế giới Đô thị cổ Hội An và  TP.Đà Nẵng.

Các xã vùng đông thuộc các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và TP.Tam Kỳ được quy hoạch không gian đầu tư phát triển với diện tích hơn 10.000ha, dựa trên “trục xương sống” là đường ven biển Võ Chí Công. Mỗi vùng định hướng phát triển khác nhau. Nhóm dự án đầu tư khu đô thị du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tập trung ở Nam Hội An; nhóm dự án công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô thuộc Khu công nghiệp Tam Hiệp và Tam Anh (Núi Thành); nhóm dự án công nghiệp dệt may và hỗ trợ ngành dệt may gắn với phát triển đô thị Tam Kỳ; nhóm dự án phát triển công nghiệp và dịch vụ gắn với sân bay Chu Lai; nhóm dự án khí - năng lượng và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng và hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão.

Theo Sở KH-ĐT, thời điểm này, tầm nhìn thu hút các nhóm dự án vùng đông nam cho thấy tính đúng đắn; chủ trương đa dạng, đa ngành, đa lĩnh vực phân bổ đều các vùng để không bị lệ thuộc trong phát triển, mà các ngành tương hỗ cho nhau. Hệ thống cảng biển đang đầu tư mở rộng. Dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà giai đoạn 2 cho tàu công suất 20 nghìn tấn có thể ra vào cảng Trường Hải – Chu Lai đang thi công. Đây là dự án chiến lược, tạo điều kiện thúc đẩy giao thông đường thủy phát triển đồng bộ theo hướng giảm chi phí logictics, thúc đẩy các khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai phát triển mạnh hơn. Sở KH-ĐT cho rằng, hệ thống sân bay Chu Lai, cảng nước sâu Kỳ Hà là sự liên kết vùng hiệu quả giữa Quảng Nam và Quảng Ngãi. Để phát triển đột phá hơn, cần xây dựng vùng Chu Lai - Dung Quất trở thành vùng công nghiệp hỗ trợ trọng điểm quốc gia nhằm tạo lan tỏa, cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp của vùng miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.

Quảng Nam cần định hướng phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp sử dụng công nghệ cao. ảnh: L.T.K
Quảng Nam cần định hướng phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp sử dụng công nghệ cao. Ảnh: L.T.K

Tuy nhiên, tại Quảng Nam, liên kết nội vùng bộc lộ bất cập. Rõ nhất là thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến nông lâm sản với vùng nguyên liệu. Hiện nay, phần lớn các huyện trung du, đồng bằng đều có nhà máy công nghiệp chế biến gỗ nguyên liệu. Đã xuất hiện tình trạng các nhà máy tranh giành nhau mua nguồn nguyên liệu đầu vào. Rừng trồng của người dân bắt buộc khai thác với chu kỳ ngắn để cung ứng cho các nhà biến chế biến dăm gỗ. Các nhà máy chế biến không sử dụng hết công suất dẫn đến lãng phí nguồn lực. Tình trạng “ăn xổi” của doanh nghiệp cũng là nguyên nhân làm cho liên kết chuỗi ngành hàng chế biến nông, lâm sản bị ngắt đoạn.

Nối không gian kinh tế

Tại hội nghị chuẩn bị cho Diễn đàn liên kết triển khai Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, diễn đàn sẽ là cơ hội để phục hồi ngành du lịch trở lại sau thời gian “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đồng thời nhằm kích cầu thị trường nội địa. Về phương diện liên kết du lịch, những năm qua, chính quyền Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam cùng bắt tay nhau hình thành chương trình “Ba địa phương, một điểm đến” hay sáng kiến “Con đường di sản miền Trung”.

Tại cảng Trường Hải - Chu Lai, hàng ngoại nhập khẩu chiếm khoảng 40% tổng lượng hàng hóa qua lại cảng, chủ yếu là từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Đối với hàng nội địa, cảng này đang khai thác hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu công nghiệp Tam Thăng, Khu công nghiệp VSIP (Quảng Ngãi) và hàng nông sản từ khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Chính quyền tỉnh khẳng định, Chu Lai muốn phát triển mạnh, giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp không cách nào khác phải nâng cấp, nạo vét luồng lạch sâu hơn.

Thực tế bất lợi của cảng Trường Hải - Chu Lai là luồng lạch còn nông, chỉ lưu thông tàu tải trọng tối đa 2 vạn tấn, khó cạnh tranh với các cảng nước sâu ở Dung Quất, cảng Đà Nẵng hay Quy Nhơn. Nhiều lượng hàng hóa nhập khẩu muốn về Quảng Nam phải qua các cảng trung chuyển lớn trong nước. Vì vậy, giảm chi phí logistics cho các nhà đầu tư là xu hướng mà Khu kinh tế mở Chu Lai đang tiếp cận. Các doanh nghiệp logictics hiện nay của tỉnh có  quy mô vốn vừa và nhỏ, phân bố rời rạc. Khả năng liên kết của cảng Trường Hải - Chu Lai với các cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu công nghiệp trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn hạn chế.

Mục tiêu xuyên suốt của Quảng Nam đến năm 2025 là tiếp tục xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, bao gồm các khu công nghiệp, khu chế xuất; đưa Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành đầu tàu thúc đẩy sự phát triển và động lực kết nối phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, nằm trong vùng duyên hải miền Trung (cùng với Huế, TP.Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Bình Định), Quảng Nam tất yếu phải phát triển hệ thống cảng biển, vận tải biển, đóng và sửa chữa tàu biển, các dịch vụ hậu cần, du lịch, dầu khí, khai thác hải sản xa bờ. Trước mắt phải liên kết chặt chẽ với Đà Nẵng và Quảng Ngãi, khắc phục không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính.  Thời gian qua, giữa các vùng của tỉnh với Đà Nẵng và Quảng Ngãi đã liên kết bằng sự đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống cảng biển. Nhưng, việc liên kết chỉ phát triển nội vùng, chưa có liên kết điểm mới, thị trường mới, chủ yếu tự phát.

Hệ thống cảng Trường Hải - Chu Lai đa dạng dịch vụ, giảm chi phí vận chuyển logictics. Ảnh: H.P
Hệ thống cảng Trường Hải - Chu Lai đa dạng dịch vụ, giảm chi phí vận chuyển logictics. Ảnh: H.P

TS-KTS.Trương Văn Quảng (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam): “Phát triển hệ thống đô thị với tư duy  đột phá”

Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, không gian ảnh hưởng của hành lang kinh tế Đông – Tây, Quảng Nam có nhiều lợi thế so sánh về phương diện địa lý với điều kiện tương đối thuận lợi trong quan hệ và giao lưu kinh tế với các địa phương trong cả nước và nước ngoài. Quảng Nam cần có chiến lược để phát triển hệ thống đô thị trong quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế với một tư duy đột phá. Điều chắc chắn không thể phủ nhận là vùng duyên hải (vùng đông) của tỉnh luôn là không gian kinh tế trụ cột của tỉnh, là bộ phận không thể tách rời không gian kinh tế vùng duyên hải của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và của cả nước. Do vậy, cần phối kết hợp cả hai cách phân vùng phát triển theo chiều dọc và chiều ngang dựa vào trục địa lý của tỉnh, tạo cho mỗi vùng những cơ hội phát triển năng động hơn, làm cơ sở để thúc đẩy phát triển kinh tế tổng lực hiệu quả cho toàn tỉnh.

Xét về tổng thể hệ thống đô thị Quảng Nam cần được quy hoạch phân bố hợp lý hơn, có quy mô tương xứng hơn, tạo ra sự bứt phá trong chuỗi đô thị ven biển cũng như hệ thống đô thị duyên hải miền Trung với các đô thị động lực cho toàn vùng bao gồm Huế, Chân Mây, Đà Nẵng, Điện Bàn – Hội An, đô thị mới Hà Lam – Tam Kỳ - Núi Thành, Vạn Tường và TP.Quy Nhơn; trong đó TP.Đà Nẵng là đô thị hạt nhân. Chuỗi đô thị này gắn với các hoạt động kinh tế ven biển, bao gồm các khu kinh tế Chân Mây, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, hệ thống cảng biển, sân bay, các trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch quốc tế, đánh bắt nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản. Đồng thời cũng là chuỗi các đô thị động lực trong vùng phát triển đông Quảng Nam. Chuỗi các đô thị này kết nối khắng khít với chuỗi các đô thị động lực hỗ trợ trong vùng phát triển tây Quảng Nam gắn với hệ thống các khu kinh tế cửa khẩu quốc gia, quốc tế. P.H (ghi)

TS.Nguyễn Đình Cung (NGUYÊN Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương): “Đột phá bằng hai chân”

Quảng Nam hiện là tỉnh nông thôn nhưng có cơ cấu kinh tế công nghiệp. Tỷ lệ đô thị hóa của Quảng Nam thấp hơn cả nước, lao động phần lớn ở nông thôn và trong khu vực sản xuất nông nghiệp, đây là điều bất hợp lý. Để phát triển nhanh và bền vững, Quảng Nam phải đi bằng hai chân: nông thôn mới và đô thị hóa. Nếu chúng ta quá nhấn mạnh nông thôn mới, sẽ không thay đổi được ngành nghề, không thay đổi cách thức sống hiện đại và theo đó sẽ không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa được.

Về tăng trưởng, chắc chắn phải kết hợp nguồn lực cả bên trong lẫn bên ngoài, phát triển cả doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, kể cả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) một cách có chọn lọc.

Lâu nay chúng ta chỉ chú ý đến môi trường kinh doanh. Cần chú trọng nhiều hơn đến môi trường sống (nhà ở, y tế, giáo dục), làm cho người từ những nơi khác đến Quảng Nam làm ăn phải yên tâm định cư lâu dài ở đây chứ không phải ở nơi khác. Đổi mới mô hình tăng trưởng trọng tâm là phải tính đến hiệu quả. 

Về đột phá trong đào tạo, theo tôi phải đặc biệt đầu tư cho đào tạo nghề, dĩ nhiên là  phải có cách làm mới. Cần đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Đào tạo nghề phải theo nhu cầu của thị trường, với các nghề như nông nghiệp, cơ khí, logistics, du lịch... Và doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ công trong lĩnh vực này. Nhà nước cần tập trung nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp để họ tự đào tạo nghề cho lao động. V.N (ghi)

KTS.Trần Ngọc Chính (Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam): “Cần xây dựng cơ chế đặc thù nhằm thu hút đầu tư tại Quảng Nam”

Quảng Nam cần định hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp sử dụng công nghệ cao; phát triển tiểu thủ công nghiệp, du lịch làng nghề gắn với việc hình thành các doanh nghiệp đầu đàn. Việc xây dựng và phát triển các khu công nghiệp sinh thái phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương, với hoàn cảnh thực tại và nguồn lực, đảm bảo giữa tăng trưởng và phát triển. Thêm vào đó, Quảng Nam cần mở rộng phát triển dịch vụ cảng, hàng không, tài chính, ngân hàng, thông quan và tìm kiếm đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng cao cho sự phát triển khu vực dịch vụ trong các khu kinh tế. Tăng cường liên kết vùng, hợp tác quốc tế và các dịch vụ thông tin thị trường để tìm kiếm, mở rộng thị trường cho các sản phẩm địa phương. Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế đặc thù nhằm thu hút đầu tư tại Quảng Nam. Có giải pháp hữu hiệu trong việc huy động vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, trung ương, các chương trình mục tiêu quốc gia, FDI, ODA cho chương trình phát triển đô thị, đổi mới công tác quản lý về đất đai và chính sách về nhà và đất đô thị để tạo nguồn lực phát triển. H.N (ghi)

TS.Đỗ Thiên Anh Tuấn (Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam): “Liên kết vùng không chỉ xét đến yếu tố địa lý”

Từ khi tái lập tỉnh (1997) đến nay, quy mô kinh tế Quảng Nam tăng rất nhanh (34 lần), nhưng thu nhập bình quân đầu người còn thấp; và đây là thực trạng không riêng gì Quảng Nam mà còn ở nhiều địa phương khác như Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Phúc...

Do vậy, mục tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người cần phải đặc biệt chú trọng trong những năm đến. Nếu chỉ tăng trưởng mà không gắn với nâng cao đời sống nhân dân, thì tăng trưởng sẽ không có nhiều ý nghĩa, vì cái đích đến cuối cùng là nâng cao đời sống nhân dân, người dân phải hưởng được thành tựu của nền kinh tế.

Tôi thống nhất cao với Quảng Nam cách đặt vấn đề về chiến lược phát triển kinh tế, với tầm nhìn dài hạn đến năm 2030. Trong tầm nhìn đó, theo tôi, một trong những nhiệm vụ quan trọng là tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Chính phủ đã rất đúng đắn khi đưa ra chỉ tiêu phát triển một triệu doanh nghiệp đến năm 2020, vì chính điều này sẽ tạo áp lực cho các địa phương về giải quyết việc làm. Với Quảng Nam, việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, cần gắn với yêu cầu giải quyết lực lượng lao động tại chỗ để góp phần dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Cạnh đó, cần thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để tăng năng suất lao động trong lĩnh vực này. Dịch chuyển lao động, ngoài dịch chuyển về cơ cấu, năng suất, cần hướng tới dịch chuyển về giá trị. Do đó, giáo dục và đạo nghề cần phải đặc biệt coi trọng.

Về liên kết vùng, tôi xin nhấn mạnh, ngoài yếu tố địa lý (các địa phương trong khu vực), cần chú ý liên kết để tạo chuỗi giá trị. Quảng Nam không chỉ cần liên kết với Đà Nẵng, Quảng Ngãi,… mà phải liên kết với TP.Hồ Chí Minh, TP.Hà Nội chẳng hạn, để hỗ trợ nhau trong việc tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng lớn cho sự phát triển của kinh tế địa phương. L.V (ghi)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liên kết không gian kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO