Liên kết lỏng lẻo

HOÀI NHI 20/06/2015 11:39

Việc liên doanh, liên kết giữa nhà nông với doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản chủ lực là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh giá cả thị trường liên tục… nhảy múa. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, sự liên kết này đôi lúc vẫn còn lỏng lẻo.

Doanh nghiệp bội tín

Sau một thời gian ngắn “làm quen” bằng việc phối hợp cung ứng và tiêu thụ giống lúa, đầu vụ đông xuân 2011 – 2012, Công ty CP Đầu tư & phát triển công nghệ nông nghiệp Thái Bình liên kết với Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ - sản xuất nông nghiệp Điện Hồng 3 (thị xã Điện Bàn) tổ chức sản xuất 23ha giống lúa thuần DT45, nếp 87, nếp DT52 tại 2 thôn Hòa An và Đa Hòa Bắc với sự tham gia của gần 200 hộ dân. Theo cam kết ban đầu, sản phẩm nhà nông làm ra sẽ được doanh nghiệp này thu mua theo hướng bao tiêu toàn bộ. Sau khi tiến hành thu hoạch, HTX đứng ra thu mua tổng cộng 137,5 tấn giống của xã viên và chờ phía doanh nghiệp đến chở đi tiêu thụ với giá trị gần 1,2 tỷ đồng. Trong khoảng thời gian từ ngày 3 đến 5.6.2012, HTX Dịch vụ - sản xuất nông nghiệp Điện Hồng 3 xuất cho doanh nghiệp hơn 85 tấn giống các loại với số tiền phải thu là 722,7 triệu đồng và còn tồn kho hơn 52 tấn. Nhận hàng, bước đầu Công ty CP Đầu tư & phát triển công nghệ nông nghiệp Thái Bình tạm ứng cho HTX 185 triệu đồng, số tiền còn lại doanh nghiệp cứ hẹn trả mãi nhưng chẳng thấy đâu.

Khi không còn liên kết với doanh nghiệp, sản phẩm ớt của nông dân vùng Gò Nổi hết sức bấp bênh về đầu ra.
Khi không còn liên kết với doanh nghiệp, sản phẩm ớt của nông dân vùng Gò Nổi hết sức bấp bênh về đầu ra.

Không thể chờ đợi thêm, ngày 18.8.2012, đại diện HTX Dịch vụ - sản xuất nông nghiệp Điện Hồng 3 tìm đến trụ sở của doanh nghiệp này tại tỉnh Thái Bình yêu cầu trả nợ thì lãnh đạo công ty lại tiếp tục khất và đồng ý giao HTX bán lượng giống nếp họ đang gửi tại kho hàng được hơn 303 triệu đồng để thanh toán bớt cho xã viên. Trước sự chây ì của doanh nghiệp, ngày 7.12.2012, HTX Dịch vụ - sản xuất nông nghiệp Điện Hồng 3 khởi kiện công ty ra tòa. Tại Tòa án nhân dân thị xã Điện Bàn, sau khi hai bên đối chiếu sổ sách, cân đối thanh toán công nợ thì đi đến thống nhất là doanh nghiệp còn nợ HTX xấp xỉ 673 triệu đồng tiền mua giống của xã viên và hơn 40 triệu đồng tiền lãi.

Sau phiên tòa ấy, đợi mãi cũng không thấy công ty trả nợ nên ngày 13.5.2013, các ngành liên quan của thị xã Điện Bàn cùng HTX Dịch vụ - sản xuất nông nghiệp Điện Hồng 3 tiến hành cưỡng chế 44 tấn giống lúa DT45 do doanh nghiệp này sản xuất, thu mua tại HTX nông nghiệp Điện Hòa 1 và tổ chức bán đấu giá được 288 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Phước Chính – Chủ nhiệm HTX Dịch vụ - sản xuất nông nghiệp Điện Hồng 3, đến nay Công ty CP Đầu tư & phát triển công nghệ nông nghiệp Thái Bình vẫn còn nợ đơn vị hơn 420 triệu đồng, đó là chưa tính lãi suất. Ông Chính nói: “Từ chỗ là một trong những đơn vị đi đầu trong sản xuất kinh doanh, là chỗ dựa vững chắc cho xã viên trên địa bàn, qua sự việc này, HTX của chúng tôi đang đứng trước bờ vực phá sản”.

Dự án rau VietGap thất bại nên người dân xã Duy Phước quay lại sản xuất rau thông thường.
Dự án rau VietGap thất bại nên người dân xã Duy Phước quay lại sản xuất rau thông thường.

Nhà nông không tuân thủ cam kết

Phá sản vì bí đầu ra

Tại xã Duy Phước (Duy Xuyên), gần 2 năm nay nhiều hộ dân tham gia Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap ở thôn Lang Châu Bắc phải chuyển sang sản xuất rau thông thường hoặc chuyển đổi một số diện tích sang trồng các loại hoa màu khác, bởi đầu ra sản phẩm thiếu ổn định. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thận – Chủ tịch UBND xã Duy Phước cho biết, cách đây 3 năm, được sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế - ILO, ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên phối hợp cùng chính quyền địa phương thành lập tổ hợp tác sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap gồm 21 thành viên. Lúc đó, ai nấy cũng đều vui mừng và hy vọng đầu ra của sản phẩm sẽ ổn định. Thế nhưng, mọi việc không như mong đợi. Ông Thận nói: “Ban đầu, ông Trương Như Sơn ở xã Duy Trung đến đặt mua sản phẩm rau VietGap ở địa phương chở đi Đà Nẵng, Huế, Tam Kỳ tiêu thụ. Tuy nhiên, được vài tháng, ông Sơn rút lui vì rau sản xuất nhiều nhưng việc tiêu thụ gặp lắm khó khăn. Rồi sau đó đến lượt Công ty TNHH Việt Thiên Ngân đóng tại TP.Đà Nẵng tìm tới đặt vấn đề liên kết sản xuất và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Sau khi thống nhất việc hợp tác, đơn vị này trực tiếp cử người vào theo dõi quy trình sản xuất rau của các hộ dân trong tổ hợp tác. Mỗi ngày, công ty ấy thu mua khoảng 700 - 900kg rau,củ quả các loại chở đi tiêu thụ ở những nhà hàng, siêu thị lớn như Big C, Co.op mart… Nhưng rồi cách đây gần 2 năm, doanh nghiệp đó ngừng việc liên kết sản xuất với lý do rau VietGap bí đầu ra”.

Trong khi đó, tại các xã vùng Gò Nổi thuộc thị xã Điện Bàn, do ham lợi trước mắt nên nhà nông đánh mất cơ hội làm ăn với nhiều doanh nghiệp tiềm năng. Ông Nguyễn Đức Thành – Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp Điện Quang cho biết, năm 2003 đơn vị đứng ra ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Nông sản Việt - Hàn sản xuất 100ha ớt theo hướng doanh nghiệp lo cung ứng hạt giống, vật tư đầu vào và bao tiêu toàn bộ đầu ra của sản phẩm cho nông dân. Thời điểm đó 1ha ớt cho năng suất bình quân 60 - 80 tấn tươi. Với giá bán 2.500 đồng/kg thì sau khi trừ các khoản chi phí, nhà nông lãi ròng 110 - 130 triệu đồng/ha/vụ. Sau 4 năm cùng nhau làm giàu trên đồng đất Điện Quang thì đến vụ ớt đông xuân 2007 - 2008 mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp bị rạn nứt. Nguyên nhân là khi những cánh đồng ớt đến giai đoạn thu hoạch rộ thì có một số thương lái bên ngoài tìm đến thu mua với giá 7.000 - 8.000 đồng/kg, cao hơn 30% so với cái giá mà doanh nghiệp đưa ra lúc đầu. Thấy có lợi hơn, lập tức nhiều hộ dân đã lén lút hái và bán ớt cho thương lái. “Sự cố” này khiến doanh nghiệp phải chịu một khoản lỗ lớn và buộc phải chấm dứt hợp đồng với nông dân. Sau khi Công ty TNHH Nông sản Việt – Hàn nói lời chia tay thì có 3 doanh nghiệp khác đến tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất ớt tại Điện Quang nhưng rồi tất cả cũng lần lượt… “bể bạc”, một phần cũng vì người dân đánh mất chữ tín. Ông Nguyễn Đức Thành chia sẻ: “Hiện nay, số diện tích đất trồng ớt trên địa bàn xã Điện Quang chỉ còn 70ha, giảm 40% so với những năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là thời gian qua nông dân trồng nhiều loại giống ớt không đạt chất lượng khiến năng suất tụt giảm đáng kể. Đặc biệt, vì giá cả thị trường bấp bênh, hiệu quả kinh tế mang lại không cao nên nhà nông chẳng còn mặn mà với cây ớt”.

Không riêng gì Điện Quang, tại xã Điện Phong cũng diễn ra tình cảnh tương tự. Ông Trần Văn Nhân – Phó ban Nông nghiệp xã ngậm ngùi: “Hồi năm 2008, khi doanh nghiệp đến liên kết cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra thì diện tích đất trồng ớt ở địa phương lên đến 120 - 140ha/vụ. Thời điểm đó, bình quân 1ha ớt nông dân Điện Phong thu lãi không dưới 120 triệu đồng/vụ. Còn những năm gần đây, khi không còn sự liên kết với doanh nghiệp thì diện tích sản xuất ớt giảm xuống còn 80ha. Lý do khiến diện tích canh tác tụt mạnh là giá bán ớt không ổn định. Mùa nào cũng vậy, hễ đầu vụ giá ớt dao động 6.000 - 7.000 đồng/kg thì đến giữa vụ giảm còn 50% và tới cuối vụ thì bán không ai thèm mua”.

Sau thất bại của cây ớt, vụ đông xuân 2009 - 2010, HTX Dịch vụ - sản xuất nông nghiệp Điện Phong hợp đồng với Công ty Giống nông – lâm nghiệp Quảng Nam tổ chức canh tác 10ha giống bắp lai VN 10 trên địa bàn 4 thôn là Thi Phương, Tân Thành, Cẩm Phú, Cẩm Đồng. Thực tế cho thấy, năng suất bình quân đạt 350kg bắp giống/sào, với giá bán 6.000 đồng/kg do công ty đưa ra theo hướng bao tiêu sản phẩm, sau khi trừ chi phí thì nông dân thu lãi 1,6 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, do địa phương chưa thể quy hoạch một vùng chuyên canh bắp lai giống nên doanh nghiệp và nông dân chỉ có thể liên kết sản xuất 1 vụ trong năm, vì thế dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp so với các loại cây trồng cạn khác như bắp nếp, đậu xanh, đậu phụng… trồng xen canh 3 vụ/năm. Và cuối cùng, mối liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp cũng bị “bể” sau đúng một mùa bắp.

HOÀI NHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liên kết lỏng lẻo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO