Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để nuôi tôm khép kín, tạo ra chuỗi sản phẩm an toàn, tăng hiệu quả kinh tế… nhưng mô hình này vẫn chưa được nhân rộng bởi còn nhiều trở ngại.
Mô hình điểm
Hiện tại, ở Quảng Nam chỉ có một hộ nuôi tôm liên kết chặt chẽ với Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam là ông Trần Công Thành (thôn Hòa An, xã Tam Hòa, Núi Thành). Ông Thành đã ký kết hợp đồng với công ty này, qua đó doanh nghiệp cung cấp giống, các loại vật tư nuôi tôm. Ông Thành nuôi tôm sạch theo đúng quy trình sản xuất đã thống nhất với doanh nghiệp. Khi mãn vụ, doanh nghiệp đến thu mua tôm thương phẩm sau khi kiểm nghiệm các mẫu tôm đạt yêu cầu. Ràng buộc trong hợp đồng sản xuất này rất chặt chẽ ở cả đầu vào, quy trình nuôi và đầu ra sản phẩm.
Khu nhà ương tôm giống của ông Thành được đầu tư hơn 1 tỷ đồng, giúp nâng cao hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng. Ảnh: T.C |
Với chuỗi sản xuất khép kín, mỗi năm ông Thành đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng. “Tôi chủ động hoàn toàn trong nuôi tôm sạch chứ không phụ thuộc vào yêu cầu của công ty. Họ muốn mở rộng thị trường và nhận thấy phương thức sản xuất của tôi phù hợp nên ký kết. Chưa có trục trặc nào xảy ra bởi chúng tôi hoàn toàn làm chủ cách đầu tư của mình” - ông Thành cho biết. Ông Phạm Văn Tuấn - đại diện Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam tại các tỉnh miền Trung cho rằng, tính ưu việt của sự phối hợp giữa doanh nghiệp và người nuôi tôm nằm ở chỗ: cả hai đều thu lợi tối đa. Cụ thể, ông Thành được cung cấp tôm giống chất lượng, giá phải chăng. Khi tôm nuôi đến kỳ thu hoạch, doanh nghiệp đến thu mua với giá cả ổn định. Doanh nghiệp được lợi vì bán được con giống và thu mua sản phẩm sạch để có nguồn chế biến xuất khẩu.
Hiện khu nhà ương tôm giống của ông Thành rộng khoảng 1.000m2, là nơi nuôi tôm từ lúc xuống giống đến 30 ngày tuổi, sau đó mới thả ra các ao nuôi tôm ngoài trời. Do được chăm sóc kỹ, tôm sau khi chăm sóc ở nhà ương có sức đề kháng cao hơn, tỷ lệ hao hụt thấp, sinh trưởng lại mạnh hơn hẳn tôm giống thả trực tiếp xuống ao nuôi. Ông Thành có 10ha ao nuôi tôm, song ông thường chỉ thả nuôi khoảng 50% diện tích, số còn lại được đùng để xử lý, cung cấp nguồn nước cho các ao nuôi. Theo ông Thành, cách làm này hạn chế được dịch bệnh, kiểm soát chất lượng nguồn nước. Nhờ đó, mật độ nuôi được tăng lên, nhưng tôm vẫn nhanh lớn. Những lứa tôm đầu nuôi theo phương thức này khá hiệu quả, mang về nguồn lãi ổn định cho gia đình ông. “Hiện có rất nhiều người nuôi tôm chưa nắm rõ về kỹ thuật, cứ nuôi tràn lan khi thấy tôm trúng mùa, trúng giá. Do đó, rủi ro rất cao nếu xảy ra dịch bệnh, hoặc thời tiết, nguồn nước không đảm bảo. Nhiều chủ cơ sở cung cấp vật tư nuôi tôm vì ham lợi nên không tư vấn kỹ, cho người dân sử dụng kháng sinh tràn lan trong chăn nuôi, không chỉ làm giảm giá trị của con tôm mà còn tự làm hại mình khi con tôm không thể xuất khẩu do vi phạm về dư lượng kháng sinh” - ông Thành nói.
Khó liên kết
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, các tổ cộng đồng nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh đã hoạt động tương đối hiệu quả trong thời gian qua. Trong mô hình này, các hộ nuôi tôm cùng địa bàn đã tương trợ, phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau trong cải tạo ao nuôi, đắp bờ, đắp thửa, vận chuyển tôm giống, chăm sóc tôm nuôi. Vì vậy, cần nâng cao hơn nữa mô hình này bằng cách xúc tiến triển khai thành lập hợp tác xã hoặc tổ hợp tác nuôi tôm. Khi đó, các tổ hợp tác và hợp tác xã có “tiếng nói” lớn hơn qua ký kết hợp đồng nuôi tôm với doanh nghiệp. |
Theo ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, triển khai chuỗi sản xuất nuôi tôm sạch như mô hình của ông Trần Công Thành là định hướng của địa phương. Tuy nhiên, triển khai như vậy rất khó vì đa số hộ nuôi tôm không đủ nguồn lực đầu tư. Về bản chất, liên kết sản xuất giữa người nuôi và doanh nghiệp là mô hình kinh tế khả quan, nhưng có quá nhiều trở ngại. Cụ thể, không doanh nghiệp nào dám liên kết với người nuôi tôm để triển khai trên các diện tích nuôi tôm nhỏ lẻ. Các ao nuôi lại không có hệ thống lắng lọc, ao xử lý chất thải. Nhìn rộng ra, toàn bộ hạ tầng vùng nuôi tôm manh mún, không có kênh cấp nước, kênh thoát nước riêng biệt nên dễ gặp thất bại. “Một điều nữa là muốn sản xuất lớn thì người nuôi tôm phải thay đổi thói quen, tập quán sản xuất để tiếp cận với kỹ thuật nuôi tôm mới. Nói chung là phải xóa tận gốc cách sản xuất phụ thuộc vào may rủi” - ông Sơn nhấn mạnh. Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, mô hình liên kết sản xuất giữa người nuôi tôm và doanh nghiệp còn rất hạn chế trên địa bàn tỉnh, thậm chí mới manh nha hình thành chứ chưa thể đi vào thực chất. Điều cần thiết là phải có vai trò “bà đỡ” của hợp tác xã để xúc tiến sự liên kết đó thì tại Quảng Nam chưa có.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, cần phải tạo ra chuỗi liên kết sản xuất giữa người nuôi tôm với doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất. Giải pháp mà UBND tỉnh đưa ra là khuyến khích thành lập các hợp tác xã kiểu mới. Mỗi hợp tác xã được thành lập chỉ cần 7 thành viên nuôi tôm hợp lực. Trong khi đó, Nhà nước đã “kích hoạt” nhiều cơ chế ưu đãi thành lập các hợp tác xã kiểu mới. “Một người nuôi tôm có thể yếu tiềm lực nhưng hợp tác nhiều chủ thể riêng lẻ lại với nhau thì mạnh hơn. Doanh nghiệp đang có nhu cầu liên kết nuôi tôm rất lớn, vì vậy rất cần sự khẩn trương vào cuộc của người nuôi tôm, liên minh hợp tác xã, ngành thủy sản và các địa phương ven biển để hình thành quan hệ sản xuất mới thông qua hợp tác xã” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói. Ông Phạm Văn Tuấn cho rằng, tiềm năng nuôi tôm của tỉnh là rất lớn, trong khi thị trường xuất khẩu mặt hàng này đang rộng mở. Vậy nên, doanh nghiệp rất muốn mở rộng liên kết với các chủ thể nuôi tôm từ cá nhân có nguồn lực lớn đến các tổ hợp tác, hợp tác xã. Khi liên kết, doanh nghiệp mong muốn tỉnh kiện toàn xây dựng lại vùng nuôi tôm, đầu tư các yếu tố hạ tầng thiết yếu. Các chủ thể nuôi tôm cần ứng dụng các thành tựu, quy trình nuôi tôm hiện đại, khoa học.
QUANG VIỆT - THÀNH CÔNG