Liên kết phát triển cây dược liệu

ĐÌNH HIỆP 22/04/2020 10:41

Thời gian qua, huyện Tây Giang triển khai dự án “Mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại địa bàn 2 xã Ga Ry và Ch’Ơm, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khả quan.

Ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang hướng dẫn người dân cách trồng, thu hoạch đẳng sâm. Ảnh: Đ.H
Ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang hướng dẫn người dân cách trồng, thu hoạch đẳng sâm. Ảnh: Đ.H

Anh Alăng Lơi (thôn Achoong, xã Ch’Ơm) kể, năm ngoái gia đình anh trồng hơn 1ha đẳng sâm đến mùa thu hoạch mà vẫn chưa bán được vì giá quá thấp. Nhiều lần anh liên hệ với doanh nghiệp chế biến dược liệu để thu mua nhưng vẫn chưa có kết quả. Tương tự anh Lơi, nhiều hộ trồng sâm ở hai xã này cũng gặp khó khăn đầu ra sản phẩm vì giá quá thấp, chỉ từ 25 nghìn đồng đến 120 nghìn đồng/ký đẳng sâm tươi.

Còn anh Tangôn Thơm - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Trường Sơn Xanh, cho hay HTX của anh thành lập hơn một năm nay, chuyên thu mua sản phẩm cây dược liệu như đẳng sâm, táo mèo, sa nhân. Hiện 1/3 sản phẩm mà HTX thu mua được bán cho HTX Dược liệu Đức Huy Tây Giang. Tuy nhiên giá cả còn thấp và số lượng tiêu thụ chưa nhiều.

Ông Pơloong Năng - Bí thư Đảng ủy xã Ch’Ơm cho biết, 100% hộ dân ở đây tham gia trồng đẳng sâm với tổng diện tích hơn 200ha; trong đó thôn Achoong chiếm gần một nửa. Bên cạnh hạn chế về giá cả, đầu ra, việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu trên địa bàn Tây Giang nói chung và xã Ch’Ơm nói riêng gặp nhiều khó khăn. Các công đoạn như chọn giống, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch bà con làm theo truyền thống nên năng suất thấp...

Để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng sâm, cuối năm 2019 huyện Tây Giang đã triển khai dự án “Mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại địa bàn 2 xã Ga Ry và Ch’Ơm.

Ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, mô hình này được thực hiện từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với số tiền 68 triệu đồng. Tổng diện tích thực hiện khoảng 5,5ha cây đẳng sâm; trong đó, xã Ga Ry 3ha và xã Ch’Ơm 2,5ha. Thời gian thực hiện từ cuối năm 2019 đến năm 2022.

Để triển khai dự án, Phòng NN&PTNT huyện cùng với xã Ga Ry, Ch’Ơm và Chủ nhiệm HTX Trường Sơn Xanh, HTX Nông nghiệp xã Ch’Ơm khảo sát thực địa vùng trồng sâm, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản củ sâm. Mỗi HTX chọn 10 hộ tham gia trồng, chăm sóc. Toàn bộ sâm thu hoạch được HTX trực tiếp thu mua và cung cấp lại cho các công ty, HTX chế biến dược liệu tại trung tâm huyện. Sau khi triển khai thí điểm thành công 2 sào mẫu tại mỗi xã, hiện chương trình đã nhân ra diện rộng.

Gia đình anh Tangôn Lâm cũng như nhiều hộ dân khác ở thôn Dading, xã Ga Ry phấn khởi khi được chọn tham gia dự án. “Sau gần nửa năm triển khai trồng, hiện cây sâm phát triển rất tốt. Khi tham gia dự án, bà con yên tâm vì sản phẩm làm ra có nơi tiêu thụ, kể cả số lượng lớn” - anh Lâm nói.

Theo ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, dự án liên kết để phát triển các vùng trồng cây dược liệu sẽ giúp người dân có nguồn thu nhập và nâng cao đời sống. Nhiều hộ dân phấn khởi tham gia. Nhiều HTX mạnh dạn cam kết thu mua… là tín hiệu tốt, tạo tiền đề cho một ngành “kinh tế xanh” phát triển. Hiện toàn huyện Tây Giang có hơn 272ha đẳng sâm, tập trung ở hai xã Ch’Ơm và Ga Ry.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liên kết phát triển cây dược liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO