Gần 20 năm kể từ khi ý tưởng liên kết phát triển du lịch thông qua “Con đường di sản” giữa 3 địa phương Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế trở thành hiện thực, du lịch Quảng Nam đã có những chuyển biến mạnh mẽ để trở thành trung tâm du lịch của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước.
Hiệu quả
Năm 2002 ông Paul Stoll - Tổng Giám đốc Furama Resort Đà Nẵng lúc bấy giờ đưa ra sáng kiến thiết lập “Con đường di sản thế giới” ở miền Trung. Ý tưởng của ông Paul Stoll dựa trên một thực tế là các tỉnh miền Trung có nhiều lợi thể để phát triển du lịch khi sở hữu nhiều giá trị văn hóa thiên nhiên độc đáo, từ di sản văn hóa thế giới (cố đô Huế, đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn) đến tiềm năng về biển đảo.
Trên cơ sở ý tưởng đó, tháng 12.2006 tại TP.Đà Nẵng, ngành du lịch Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng đã ký biên bản hợp tác liên kết phát triển du lịch nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng 3 địa phương thành một điểm đến với những giải pháp thực hiện như hợp tác trong lĩnh vực quy hoạch, thu hút đầu tư, quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực du lich...
Ngay sau khi văn bản liên kết có hiệu lực, ba địa phương đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai hiệu quả các chính sách, kế hoạch, chương trình hành động, từng bước xây dựng thương hiệu chung cho 3 địa phương như là điểm đến du lịch nổi tiếng, hấp dẫn của Việt Nam.
Thống kê cho thấy, trong 5 trở lại đây, du lịch 3 địa phương đã đóng góp gần 20% doanh thu vào doanh thu du lịch chung cả nước; hơn 80% du khách quốc tế đến Việt Nam đã ghé chân tại khu vực này. Riêng năm 2019, ba địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế đã đón gần 21,3 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế hơn 10,3 triệu lượt.
Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam khẳng định, thành công nổi bật của mối liên kết du lịch 3 địa phương thời gian qua chính là tính chuyên nghiệp và hiệu quả ngày càng nâng cao. Đặc biệt, hoạt động du lịch đã đi vào trọng tâm, trọng điểm, gắn kết được với các thị trường, doanh nghiệp và các điểm tham quan du lịch mỗi địa phương. Thông qua cơ chế luân phiên trưởng nhóm mỗi năm, các địa phương đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động thiết thực, bám sát tình hình thực tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng khách.
Đơn cử, năm 2019 với vai trò trưởng liên kết, Quảng Nam đã xây dựng kế hoạch tập trung vào 5 nhóm vấn đề gồm: chia sẻ về cơ chế (quản lý nhà nước); quảng bá, xúc tiến; sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu tăng số lượng khách và chất lượng doanh thu từ du lịch. Qua đó, từng bước định vị thương hiệu du lịch chung 3 địa phương là điểm đến hấp dẫn, độc đáo với sản phẩm đa dạng, chất lượng dịch vụ tốt.
Điển hình liên kết vùng
Nằm ở vị trí trung tâm, Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế được xem là điểm kết nối quan trọng và là động lực phát triển liên kết du lịch miền Trung và cả nước. Theo ông Nguyễn Xuân Bình – Phó giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, với tài nguyên thiên nhiên phong phú, cơ sở hạ tầng được đầu tư, mối liên kết chặt chẽ của ba địa phương cùng sự chung tay của các doanh nghiệp du lịch đã đem lại những lợi ích thiết thực cho các bên, giúp ngành du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế phát triển tốt nhiều năm nay. Đặc biệt, trong giai đoạn phục hồi du lịch thời kỳ hậu dịch Covid-19 hiện nay, mối liên kết hợp tác càng được xem là vấn đề sống còn đối với hoạt động du lịch mỗi địa phương.
“Du lịch là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất khi xảy ra dịch bệnh Covid-19. Do đó, để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này thì việc liên kết hợp tác giữa các địa phương nhằm triển khai các gói kích cầu du lịch, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá… là hết sức quan trọng và cần thiết” - ông Bình chia sẻ.
Trong lễ ký kết và công bố chương trình liên kết hành động phục hồi, phát triển du lịch ba địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam vừa diễn ra mới đây, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam đánh giá cao hiệu quả hợp tác liên kết phát triển du lịch của 3 tỉnh, thành phố Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam gần 15 năm qua, đồng thời cho rằng đây là một điển hình tiêu biểu trong liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương, góp phần hình thành động lực phát triển du lịch của vùng và cả nước.
“Khu vực miền Trung có rất nhiều thế mạnh cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo gắn với di sản, tìm hiểu văn hóa, ẩm thực. Trong đó, ba địa phương nối liền với chiều dài chưa đầy 300km nhưng đã hội tụ đầy đủ các điều kiện để trở thành một trung tâm động lực phát triển du lịch của cả nước nên việc liên kết rất cần thiết và hiệu quả. Điều này cũng phù hợp với chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là tăng cường liên kết giữa các vùng, miền, địa phương, hướng tới hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng theo các vùng du lịch” - ông Nguyễn Trùng Khánh nói.
Tuy nhiên, để sự liên kết giữa các địa phương có hiệu quả hơn và đi vào chiều sâu, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, ngoài việc kết nối từ cấp độ chiến lược giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp du lịch của 3 địa phương cũng cần phối hợp, hợp tác chặt chẽ để cùng xây dựng, triển khai các gói kích cầu du lịch hấp dẫn, đầu tư phát triển những sản phẩm mới tiềm năng, có sức hấp dẫn, tạo điểm nhấn cho du lịch vùng.