Liên kết phát triển du lịch: Dễ nói, khó thực hiện

TRỊNH DŨNG 01/06/2017 09:26

Thiếu cơ chế, không người điều phối, lợi ích địa phương đặt lên hàng đầu, nên câu chuyện liên kết phát triển du lịch miền Trung cũng chỉ là chuyện nói nhiều trong các cuộc gặp gỡ, còn việc thực hiện rất khó.

Đại diện Hiệp hội Du lịch các địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế ký cam kết hợp tác phát triển du lịch vào tháng 2.2015. Ảnh: HỒNG HẠNH
Đại diện Hiệp hội Du lịch các địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế ký cam kết hợp tác phát triển du lịch vào tháng 2.2015. Ảnh: HỒNG HẠNH

Chuyện trong những cuộc gặp gỡ

Câu chuyện liên kết phát triển du lịch đã được khởi sự từ năm 2006 khi các nhà quản lý du lịch miền Trung cùng ngồi vào bàn họp báo Năm Du lịch quốc gia Quảng Nam 2006, Phú Yên năm 2011 và được cho là bùng nổ vào năm 2013 với Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V. Cơ quan quản lý “tam giác di sản” Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã thống nhất xuất bản tập gấp chương trình du lịch 3 địa phương năm 2013 giới thiệu những sự kiện văn hóa du lịch; xây dựng chung một PowerPoint giới thiệu hình ảnh, xuất bản bản đồ du lịch 3 địa phương. Tất cả tài liệu chung này được giới thiệu đến các hãng lữ hành, địa phương trong nước và quốc tế khi tham gia Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VIMT Hà Nội), Hội chợ du lịch quốc tế ITE 2013 tại TP.Hồ Chí Minh, Hội chợ KOTFA Hàn Quốc và xúc tiến quảng bá tại Thái Lan… với gian hàng chung cho cả ba địa phương. Mỗi địa phương sẽ hỗ trợ 10 băng rôn, quảng cáo, giới thiệu sự kiện sẽ được tổ chức tại các địa phương năm 2013 và nhiều năm kế tiếp.

Mở rộng liên kết

Năm 2016, các địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế và Hà Nội đã có nhiều hoạt động liên kết phát triển du lịch theo cam kết đã ký. Nhờ sự kết nối, bắt tay giữa các địa phương, trong năm 2016 nhiều hoạt động phong phú về du lịch đã diễn ra với sự phối hợp giữa 4 địa phương như: Hội chợ VITM Hanoi 2016, Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race 2016, Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016 tại Đà Nẵng... Do Sở Du lịch Hà Nội mới tham gia liên kết từ tháng 8.2016 nên các hoạt động phần lớn diễn ra tại 3 địa phương miền Trung. Trong năm 2017, theo kế hoạch cam kết, ngành du lịch 4 địa phương tham dự nhiều hội chợ như: JATA Nhật Bản, KOTFA Hàn Quốc, Hội chợ du lịch quốc tế ITE TP.Hồ Chí Minh... Phối hợp tổ chức các sự kiện lớn như Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017, Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng... Các địa phương cũng hướng đến việc mở rộng liên kết phát triển du lịch ra các tỉnh phía Bắc.

Đánh giá về sự liên kết, hợp tác chủ động này, giới lữ hành cho rằng các nhà quản lý du lịch đã bước qua rào cản mang tính địa phương chủ nghĩa, chấm dứt tình trạng cát cứ du lịch. Từ đây sẽ góp phần đưa hình ảnh du lịch miền Trung đi xa hơn. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là câu chuyện giữa những cuộc gặp gỡ. Thiếu cơ chế hợp tác, thiếu nhạc trưởng lĩnh xướng, thiếu cả nguồn lực tài chính và tư duy cục bộ địa phương còn đầy trong cái nhìn của từng địa phương, nên những ký kết, hứa hẹn “thống nhất quảng bá du lịch miền Trung” của các quan chức du lịch đã không được thể hiện nhiều trên thực tế, cho dù vẫn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi… Chưa thể có một chiến lược quảng bá, mở tour, xây dựng sản phẩm, nên giới thiệu du lịch miền Trung vẫn chỉ là nỗ lực đơn lẻ, tự thân của doanh nghiệp, khiến những cuộc xúc tiến trở nên vô hồn, đơn điệu. “Con đường di sản miền Trung” ra đời năm 2002 chỉ trong thời gian ngắn đã thu hút 100 doanh nghiệp từ Nghệ An đến Khánh Hòa, hàng chục hãng lữ hành quốc tế đăng ký thành viên, nhưng cũng vì thiếu liên kết mà 15 năm sau vẫn cứ bị vô thừa nhận. Thương hiệu “hấp dẫn” này không ai điều phối, không người sở hữu,… đã bị các doanh nghiệp xâm thực, bán tour kém chất lượng, nên khách quay lưng. Sau nhiều năm dùng dằng tranh chấp, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng cũng đã chấp nhận sử dụng chung báu vật “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” nhưng đến giờ vẫn cũng chỉ là mảnh đất hoang vu lèo tèo dăm ba quán trên đỉnh đèo.

Những lễ hội ở Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên… được các tờ báo miền Trung giới thiệu sau 2 hội nghị liên kết tuyên truyền trên các báo Đảng, một ít nhà báo tham dự những sự kiện này nhưng các cơ quan quản lý hay chính quyền địa phương không mấy ai quan tâm đến việc quảng bá cho nhau. Không một băng rôn, áp phích nào tại 3 địa phương này có thêm lời giới thiệu, quảng bá về địa phương bạn. Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam nói rằng các nhà quản lý du lịch đã không thể giải quyết được chuyện ai điều hành. Không biết phải bắt đầu từ đâu, ưu tiên cái gì và ai cũng muốn mang lợi ích về cho địa phương. Không ai chịu ai. Không ai chịu hy sinh, nên tính liên kết nhiều năm qua vẫn còn quá bé nhỏ.

Chờ sự đổi thay

Không ít sản phẩm có tiếng vang trên thị trường du lịch Việt Nam và nhiều trung tâm, khu du lịch đã hình thành trên dặm dài miền Trung - Tây Nguyên. Có thể kể đến “Con đường di sản miền Trung”, tour du lịch carnaval trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, “Con đường Trường Sơn huyền thoại” qua 14 tỉnh thành miền Trung hay “Con đường xanh Tây Nguyên” thể hiện sự liên kết xây dựng sản phẩm, xúc tiến quảng bá của giới du lịch miền Trung - Tây Nguyên trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, nỗ lực được nhìn thấy ấy vẫn chưa thể xứng tầm với nơi hội tụ tài nguyên du lịch, khi dù chiếm chưa đầy 1/5 chiều dài đất nước những là quê hương của 5 di sản và kiệt tác văn hóa được UNESCO công nhận. Theo thống kê của Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, lượng khách vào miền Trung chỉ chiếm 50% so với cả nước. Ông Cao Trí Dũng - Tổng Giám đốc Vitour nói xung đột lợi ích, thiếu sự liên kết đã tạo nên tình trạng tranh mua, tranh bán, hạ chất lượng sản phẩm. Dễ thấy nhất là sản phẩm du lịch trùng lắp, lễ hội thiếu liên kết, trùng lặp về thời điểm, không tạo thành các chuỗi sự kiện, dẫn tới sự cạnh tranh, phân chia thị trường khách du lịch “thiếu lành mạnh” giữa các địa phương và khó xây dựng các chuỗi sản phẩm du lịch xuyên suốt cho toàn vùng.

Những cuộc gặp gỡ gần đây trong một vài bàn tròn về liên kết phát triển của giới truyền thông, chính quyền các tỉnh miền Trung đều cho rằng liên kết cần được đặt ra trên việc xây dựng một nền du lịch chất lượng, thống nhất ý tưởng quảng bá chung hình ảnh miền Trung dưới một người lĩnh xướng có tầm. Ông Đinh  Hài chia sẻ, nỗ lực của các cơ quan quản lý, sự vận động, vào cuộc của chính quyền địa phương hy vọng sẽ thổi luồng gió mới cho sự liên kết. Những kênh đối thoại theo cơ chế điều phối thị trường là điều đặt ra đầu tiên. Nếu tự mỗi địa phương lên chương trình lễ hội, sự kiện, sẽ dẫn đến sự trùng lắp sản phẩm, thiếu sức cạnh tranh. Từng địa phương sẽ phải loay hoay và tự nghèo đi trên “đống vàng của quê hương” miền Trung - Tây Nguyên.

Sự chuyển biến về nhận thức đã có, nhưng việc mở tour hay xây dựng sản phẩm, giới thiệu du lịch miền Trung vẫn chỉ là nỗ lực tự thân đơn lẻ của các doanh nghiệp, hơn là sự hy sinh vì mối lợi chung, thiếu sự sẻ chia từ các cơ quan quản lý du lịch, chính quyền. Kết quả chưa thể có một chiến lược quảng bá liên kết nên những cuộc xúc tiến trở nên vô hồn, đơn điệu. Chính quyền địa phương các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên, giới lữ hành đang rất muốn mở rộng “Con đường xanh Tây Nguyên”, “Trường Sơn huyền thoại” hay “Caraval tour” xuyên Hành lang kinh tế Đông - Tây… để gia tăng biên độ phát triển. Nhưng câu hỏi: ai sẽ công nhận, điều phối, quản lý chung để phát triển? Hay lặp lại cảnh “Con đường di sản miền Trung” dù sống nhưng không được cấp chứng thư, khi các tỉnh thành miền Trung - Tây Nguyên vẫn chưa thể hiện sự liên kết ngoài thực tế hơn chuyện nói cho nhau nghe trong các cuộc gặp gỡ. Bà Nguyễn Thị Hồng Diễm - Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu dịch vụ & du lịch lữ hành quốc tế Đệ Nhất (Fimexco) tại TP.Hồ Chí Minh cho rằng, đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch miền Trung cần phải tính tới sự liên kết. Không chỉ bàn nhiều trong các hội nghị mà cần triển khai trên thực tế, gỡ bỏ những lực cản vì tính cục bộ địa phương. Ông Nguyễn Trung Hiếu - Công ty CP Du lịch vẻ đẹp Việt (VietCharm Tour) nói, nếu có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý thì việc xây dựng sản phẩm du lịch mới tại miền Trung không khó. Và hy vọng, những vướng mắc, rào cản đối với sự liên kết đó sẽ được tháo gỡ từ “Diễn đàn du lịch miền Trung - Tây Nguyên” và “Hội nghị xúc tiến đầu tư các sản phẩm du lịch Quảng Nam” diễn ra ngày 10.6 tại TP.Tam Kỳ, trong chuỗi hoạt động của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017.

TRỊNH DŨNG

_____________________

Tác phẩm dự thi “Đồng hành với Di sản Quảng Nam”

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liên kết phát triển du lịch: Dễ nói, khó thực hiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO