Liên kết phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên: Dễ nói, khó làm

TÙY PHONG 22/06/2013 12:48

Nhiều cuộc họp bàn, cam kết phát triển du lịch miền Trung-Tây Nguyên đã được mở, nhưng thiếu cơ chế triển khai, thiếu người điều phối và còn bị rào cản do lợi ích cục bộ địa phương.

Thiếu liên kết

Không phải ngẫu nhiên mà dải đất chiếm chưa đầy 1/5 chiều dài đất nước đã trở thành quê hương của 5 di sản và kiệt tác văn hóa Việt Nam được UNESCO công nhận. Tiềm lực phát triển du lịch miền Trung ẩn chứa từ vô số di sản thâm trầm của quá khứ thông qua sự giao thoa, tiếp biến của các nền văn minh Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt và với thế giới bên ngoài đã tạo nên bản sắc, đa văn hóa. Thiên nhiên còn ban tặng thêm những bãi biển hoang sơ, thuần khiết chưa bị cái ồn ào, náo nhiệt của chốn thị thành làm ô nhiễm. Theo thống kê từ các tỉnh, lượng khách du lịch về miền Trung - Tây Nguyên tăng trưởng cao và ổn định từ 11-13%, cao hơn bình quân chung cả nước khoảng 8,7% và thu nhập tương ứng với tốc độ bình quân trên 20%. Không ít sản phẩm liên vùng như “Ba quốc gia một điểm đến”, du lịch caravan trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây “Một ngày ăn cơm ba nước”, “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường Trường Sơn huyền thoại” hay “Con đường xanh Tây Nguyên” là những minh chứng cho thành quả liên kết của du lịch miền Trung - Tây Nguyên nhiều năm qua.

Một trong những tour theo Con đường di sản miền Trung. Ảnh: T.DŨNG
Một trong những tour theo Con đường di sản miền Trung. Ảnh: T.DŨNG

Theo nhìn nhận của PGS-TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì chính sự tương đồng về tiềm năng cũng như các ưu tiên phát triển du lịch của các địa phương trong vùng đã khiến sản phẩm du lịch bị trùng lặp, đơn điệu, khi vùng này chỉ thu hút được 50% lượng khách so với cả nước. Sự “thất bại” này do thiếu sự liên kết, hợp tác giữa các công ty lữ hành, lưu trú… để tạo nên hình ảnh thống nhất của vùng. Toàn bộ liên kết giữa các địa phương lâu nay cũng chỉ là liên kết trong việc tổ chức các sự kiện. Còn sự liên kết để cùng phát triển chuỗi sản phẩm du lịch, từ khâu thiết kế sản phẩm, khai thác thị trường khách du lịch, phát triển dịch vụ gia tăng đến quảng bá, xúc tiến du lịch dường như vẫn còn là một khoảng trống khó lấp đầy. Ông Cao Trí Dũng, Giám đốc Công ty Lữ hành Vitour nói sự xung đột lợi ích giữa các khu du lịch và thiếu sự liên kết, đã gây khó cho việc xây dựng các chuỗi sản phẩm du lịch xuyên suốt cho toàn vùng. Điều này đã tạo nên tình trạng tranh mua, tranh bán, làm giảm giá bán và hạ chất lượng sản phẩm. Cuộc tọa đàm tại Đà Nẵng hồi tháng 6.2012, lãnh đạo các tỉnh miền Trung cũng đã thừa nhận việc hợp tác giữa các địa phương chưa thực sự gắn kết để đem lại hiệu quả. Dễ thấy nhất là sản phẩm du lịch trùng lắp, lễ hội thiếu liên kết, trùng lắp về thời điểm, không tạo thành các chuỗi sự kiện, dẫn tới sự cạnh tranh và phân chia thị trường khách du lịch “thiếu lành mạnh” giữa các địa phương.

Đỉnh đèo Hải Vân không được hợp tác quảng bá nên vắng vẻ, ít người tìm đến.
Đỉnh đèo Hải Vân không được hợp tác quảng bá nên vắng vẻ, ít người tìm đến.

Dễ hay khó?

“Toàn bộ liên kết giữa các địa phương lâu nay cũng chỉ là liên kết trong việc tổ chức các sự kiện. Còn sự liên kết để cùng phát triển chuỗi sản phẩm du lịch, từ khâu thiết kế sản phẩm, khai thác thị trường khách du lịch, phát triển dịch vụ gia tăng đến quảng bá, xúc tiến du lịch dường như vẫn còn là một khoảng trống khó lấp đầy”.
PGS - TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Câu chuyện liên kết phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên đã được nói đến nhiều. Ngành du lịch các tỉnh đã từng ngồi lên bàn họp báo Năm Du lịch quốc gia Quảng Nam 2006, Phú Yên 2011, mở tọa đàm, bàn định việc liên kết quảng bá cho các lễ hội hay ký kết quảng bá thương hiệu chung…Tuy nhiên, vì thiếu cơ chế hợp tác, thiếu người lĩnh xướng, thiếu cả nguồn lực tài chính và tư duy cục bộ địa phương còn đầy trong cái nhìn của từng địa phương, nên những ký kết, hứa hẹn của các quan chức du lịch tưởng đã bước ra khỏi trang giấy khô cứng để mở cánh cửa phát triển du lịch… đã không được thể hiện nhiều trên thực tế. Ngay cả đèo Hải Vân, thay vì cùng nhau quảng bá thì Đà Nẵng và Huế lại “dùng dằng”, không ai chịu ai, nên “Thiên hạ hùng quan” ấy, đến giờ cũng vẫn là mảnh đất hoang vu lèo tèo dăm ba quán trên đỉnh đèo. Còn lễ hội ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi hay Phú Yên… thì không mấy ai quan tâm đến việc quảng bá cho nhau.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng:
Miền Trung - Tây Nguyên như một gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, nên cần một môi trường du lịch minh bạch để sẻ chia, liên kết phát triển.
Ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam:
Liên kết là nhu cầu, nhưng trước khi bàn tới việc liên kết thì việc đầu tiên là tạo ra các kênh đối thoại và theo cơ chế điều phối của thị trường. Nếu tự mỗi địa phương lên chương trình lễ hội, sự kiện, dẫn đến sự trùng lắp sản phẩm, thiếu sức cạnh tranh thì từng địa phương sẽ phải loay hoay và tự nghèo đi trên “đống vàng của quê hương” miền Trung - Tây Nguyên.
Ông Lê Trường Lưu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế:
Việc quan trọng nhất vẫn là giải quyết liên kết cái gì, ai lĩnh xướng để cho ra đời Con đường du lịch miền Trung - Tây Nguyên chất lượng hơn là số đông.

Các nhà quản lý du lịch đã không thể giải quyết được chuyện “ai điều hành”, không biết phải bắt đầu từ đâu, ưu tiên hợp tác liên kết từ cái gì và ai cũng muốn mang lợi ích về cho địa phương họ, nên việc thống nhất quảng bá hình ảnh, sản phẩm toàn vùng cũng chỉ là việc “nói dễ, khó làm”.“Liên kết hay hợp tác dù trên tinh thần tự nguyện, đôi bên vùng có lợi thì sự hy sinh vì cái chung là việc cần thiết. Nhưng chẳng ai chịu ai, nên tính liên kết nhiều năm qua vẫn khó đạt như ý muốn. Hoặc nếu có thì cũng còn quá dè dặt vì lợi ích của từng địa phương”, ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH –TT&DL Quảng Nam nói.

Sự chuyển biến về nhận thức đã có, nhưng việc mở tour hay xây dựng sản phẩm, giới thiệu du lịch miền Trung vẫn chỉ là nỗ lực tự thân đơn lẻ của các doanh nghiệp, hơn là sự hy sinh vì mối lợi chung, thiếu sự sẻ chia từ các cơ quan quản lý du lịch. Kết quả chưa thể có một chiến lược quảng bá liên kết nên những cuộc xúc tiến trở nên vô hồn, đơn điệu. Ngay “Con đường di sản miền Trung” ra đời vẫn bị bỏ ngỏ. Thương hiệu “hấp dẫn” này không người sở hữu… bị các doanh nghiệp “xâm thực” bán tour kém chất lượng, khiến khách quay lưng.

Việt Nam đang rất muốn mở rộng “Con đường xanh Tây Nguyên”, “Trường Sơn huyền thoại” hay “Caravan tour” xuyên Hành lang kinh tế Đông Tây. Ai sẽ công nhận, điều phối hay nó lại tiếp tục lâm vào cảnh sống mà không được cấp chứng thư... như “Con đường di sản miền Trung”, một khi các địa phương miền Trung vẫn loay hoay đi tìm câu trả lời liên kết trên thực tế hơn chuyện bàn trong nghị trường!

TÙY PHONG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liên kết phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên: Dễ nói, khó làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO