Liên kết phát triển du lịch Mỹ Sơn

KHÁNH LINH 07/07/2018 11:19

Sáu tháng đầu năm, tổng lượt khách tham quan Mỹ Sơn đạt hơn 204 nghìn lượt, tăng 11,69% so với cùng kỳ, doanh thu từ vé đạt hơn 32 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của một khu di sản.

Phát triển du lịch Mỹ Sơn vẫn chưa tương xứng tiềm năng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Phát triển du lịch Mỹ Sơn vẫn chưa tương xứng tiềm năng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Nguồn thu khiêm tốn

Cụ thể, trong tổng số 204.291 lượt khách tham quan Mỹ Sơn 6 tháng đầu năm, khách quốc tế đạt 174.650 lượt, tăng 12,63%. Theo kế hoạch, năm 2018 Mỹ Sơn đón 350 nghìn lượt khách (bằng năm 2017). Để hiện thực hóa mục tiêu trên, thời gian qua Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã tăng cường các giải pháp thu hút khách như đổi mới chất lượng dịch vụ, phát triển các mặt hàng lưu niệm, nhất là sản phẩm từ địa phương cùng các sản phẩm làng nghề như đá mỹ nghệ Mỹ Sơn, gốm La Tháp… 

Tuy vậy, so với lợi thế về thương hiệu, cũng như vị trí nằm trong vùng tam giác di sản Huế - Hội An – Mỹ Sơn thì hiệu quả khai thác du lịch của Mỹ Sơn vẫn chưa tương xứng. Tính toán cho thấy, năm 2017, Mỹ Sơn đón gần 350 nghìn lượt khách tham quan, chiếm trên 15% tổng số khách đến Quảng Nam (5,35 triệu lượt), tuy nhiên doanh thu chỉ chiếm hơn l,2% so với doanh thu du lịch toàn tỉnh (54/3.680 tỷ đồng) và bằng gần 1,3% so với doanh thu du lịch Hội An (hơn 3.576 tỷ đồng). Nguồn thu chủ yếu từ bán vé tham quan và hàng lưu niệm. Ông Trần Lực – Phó Giám đốc Saigontourist, Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, doanh thu như vậy là quá nhỏ đối với một di sản văn hóa thế giới như Mỹ Sơn. “Khách của Saigontourist đưa đến Mỹ Sơn phần lớn khách tàu biển, đây là đối tượng khách cao cấp, sẵn sàng chi tiêu, nhưng Mỹ Sơn không có gì để họ tiêu tiền, thực sự rất tiếc. Có thể nói hạn chế của Mỹ Sơn chính là thiếu sản phẩm, dịch vụ độc đáo có thể níu chân du khách, “moi” tiền du khách” - ông Lực chia sẻ.

Theo ông Lê Trung Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, khó khăn của du lịch Mỹ Sơn hiện nay chính là hạ tầng và chưa thu hút được các nhà đầu tư dịch vụ vào khu vực. “Giao thông đến Mỹ Sơn tương đối thuận lợi, nhưng việc nằm gần các địa phương có hạ tầng du lịch tốt như Hội An, Đà Nẵng lại là một bất lợi khi so sánh về sức cạnh tranh. Do đó, trong quy hoạch vùng du lịch miền Trung nói chung, Quảng Nam nói riêng cần ưu tiên vùng phụ cận như Mỹ Sơn, nơi có tiềm năng lớn nhưng chưa có điều kiện để đầu tư hạ tầng và dịch vụ” - ông Cường nói.

Thúc đẩy liên kết

Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy (08 –NQ/TU) về quy hoạch vùng đã xác định đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 sẽ tập trung đầu tư phát triển Mỹ Sơn thành điểm du lịch quốc gia. Tuy nhiên, một cái vướng của Mỹ Sơn chính là Quy hoạch tổng thể Mỹ Sơn (giai đoạn 2008 - 2020) dù đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2008 nhưng đến nay chỉ mới thực hiện được một vài hạng mục nhỏ lẻ. Ông Lê Trung Cường cho rằng, việc thiếu liên kết trong quy hoạch và triển khai quy hoạch đã làm cho di tích bị quá tải cục bộ, thời gian lưu lại ngắn dẫn đến doanh thu đơn thuần chỉ qua vé, chưa tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. “Trong quy hoạch Mỹ Sơn phải tính đến sự liên kết với các địa điểm có giá trị văn hóa sinh thái khác của địa phương như các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, thành Trà Kiệu, cụm di tích Chiêm Sơn; Khu sinh thái Duy Sơn, Đặc khu ủy Quảng Đà, làng Trà Nhiêu, Đông Bình, vùng Đông… kể cả liên kết với Đại Bình (Nông Sơn), Bà Nà (Đà Nẵng)…” - ông Cường nhấn mạnh.

Để phát huy được giá trị di sản Mỹ Sơn cần một cú hích lớn về đầu tư hạ tầng kỹ thuật với những nhà đầu tư có tầm và có lực. “Liên kết phát triển du lịch đang là nhu cầu tất yếu của các điểm du lịch, trong đó có Mỹ Sơn. Bởi nếu không có sự liên kết hỗ trợ thì tiềm năng du lịch tại mỗi điểm sẽ không được biết đến, sản phẩm tạo ra không có nguồn tiêu thụ do thiếu thông tin, dễ dẫn đến sản phẩm trùng lặp. Vì vậy, liên kết du lịch Mỹ Sơn chính là hỗ trợ lẫn nhau nhưng cũng là để xây dựng, phát triển” - ông Cường khẳng định.     

Theo ông Hồ Tấn Cường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, để triển khai liên kết trước hết chính quyền và Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn phải có sự quyết tâm. Thể hiện qua việc ban hành chính sách, cơ chế thông thoáng, kêu gọi đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông, xây dựng hạ tầng dịch vụ và quan trọng là nguồn nhân lực. “Di sản Mỹ Sơn vẫn chưa thể trở thành hạt nhân lan tỏa. Có thể nói cái thiếu nhất vẫn là nguồn nhân lực và quản lý nhà nước trong việc hoạch định một kế hoạch phát triển du lịch căn cơ cho Mỹ Sơn cũng như Duy Xuyên. Lâu nay cứ thế thu vào còn việc đầu tư, quảng bá, kết nối với các điểm khác thì chưa làm nhiều” - ông Hồ Tấn Cường nhìn nhận.

KHÁNH LINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liên kết phát triển du lịch Mỹ Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO