Liên kết phát triển duyên hải miền Trung: Không thể mạnh ai nấy chạy (bài 1)

ĐĂNG QUANG 03/10/2017 09:04

Sau 6 năm thực hiện biên bản cam kết về hợp tác phát triển kinh tế vùng 7 tỉnh duyên hải miền Trung (từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, sau đó mở rộng thêm 2 tỉnh là Ninh Thuận và Bình Thuận), lãnh đạo các địa phương cùng nhiều chuyên gia vừa nhóm họp tại Đà Nẵng để đánh giá kết quả việc hợp tác, liên kết. Theo dõi thông tin cuộc họp của Ban Điều phối vùng và cả Diễn đàn kinh tế miền Trung, cho thấy điều quan tâm nhất là làm thế nào đầu tư hiệu quả để tận dụng lợi thế so sánh trong phát triển kinh tế biển nói chung, các ngành kinh tế nói riêng, đáng chú ý là việc phát triển du lịch, khai thác cảng (hàng không, cảng biển) và các khu kinh tế...

Có những tour/tuyến “sinh non chết yểu”.
Có những tour/tuyến “sinh non chết yểu”.

BÀI 1: ĐỂ DU LỊCH THÀNH MŨI NHỌN

Nguồn lực còn yếu nhưng đầu tư còn dàn trải. Liên kết còn lỏng lẻo, nhất là việc kết nối các điểm đến, tạo đặc trưng sản phẩm riêng và của cả vùng... Đó là những thực trạng đã được nhận diện, cần có giải pháp mới, đột phá hơn để có thể đưa “con thuyền du lịch chung” của cả vùng hội nhập với thị trường lớn.

Năm 2011, một bản cam kết hợp tác đã được đặt ra với mục tiêu thiết lập không gian kinh tế du lịch vùng thống nhất. Theo đó, các tỉnh cần kết nối các tour, tuyến, điểm, khu du lịch nhằm phát triển đa dạng các loại hình du lịch (biển, văn hóa, sinh thái).

Một phác đồ tour, tuyến hướng tới là gắn kết các cụm, khu du lịch trong vùng như: cụm du lịch Cảnh Dương - Bạch Mã - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế); các khu du lịch Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Bà Nà - Suối Mơ (Đà Nẵng); Đô thị cổ Hội An - Khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam); các khu du lịch Mỹ Khê - Sa Huỳnh - Cà Đăm - Vạn Tường (Quảng Ngãi); khu du lịch Ghềnh Ráng - Quy Hòa - bán đảo Phương Mai (Bình Định); khu du lịch Long Thủy - Mỹ Á - Vũng Rô (Phú Yên); khu du lịch Hòn Tre - Cam Ranh (Khánh Hòa)... Về sản phẩm du lịch sự kiện gắn với khai thác các giá trị di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể), các tỉnh đều mong muốn tạo lập được chuỗi các sự kiện du lịch trong vùng như Festival Huế, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Festival Di sản Quảng Nam, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, Lễ hội Đống Đa - Tây Sơn, Festival biển Nha Trang…

Mục tiêu lớn và nhiều điểm cụ thể cần hợp tác liên kết đặt ra như vậy, nhưng sau 6 năm thì đánh giá chung vẫn là “mạnh ai nấy làm” nên bức tranh chung của du lịch cả vùng còn nhiều bất cập, hạn chế. Nguyên nhân vì đâu, và giải pháp nào để khắc phục?

Trùng lặp và cạnh tranh lẫn nhau

Ông Phan Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cho rằng ngành du lịch thiếu một quy hoạch tổng thể nên rất loay hoay. Gần nhau như Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam có rất nhiều tiềm năng nhưng không biết thị trường ở đâu, vẫn cạnh tranh co kéo lẫn nhau. Biểu hiện rõ cho sự cạnh tranh theo hướng tiêu cực là sự trùng lặp về sản phẩm, loại hình du lịch, ai cũng cho rằng mình có thế mạnh và cứ làm mà không có bàn tay nào điều phối. Và ông Thanh góp ý: “Mỗi tỉnh cần phân ra anh mạnh cái gì, ví dụ Hội An chuyên về resort còn Đà Nẵng chuyên về đô thị du lịch, còn ai cũng đô thị thì hỏng hết. Kể cả Tổng cục Du lịch cũng không hiểu về du lịch, Bà Nà có cáp treo, Bạch Mã có cáp treo, rồi chấp nhận cho cả Phong Nha cũng cáp treo thì đáng buồn”. Thực ra ý kiến của ông Thanh không khác so với phân tích của ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel vào năm 2011, rằng do đặc điểm về địa lý tương đối giống nhau nên các địa phương dễ “học tập” các mô hình phát triển của nhau, chính vì vậy cũng dễ mắc các “bệnh” giống nhau. Trong khi đó, chưa xây dựng được quy hoạch tổng thể vùng nên không tạo ra sức mạnh chung mà thậm chí còn hạn chế, triệt tiêu lẫn nhau.  

Chúng tôi cũng quan sát thấy có thêm hiện tượng nữa là các tỉnh tập trung đầu tư quá nhiều cho hệ thống dịch vụ lưu trú như khách sạn, resort - sân golf (nhưng lại thiếu quy hoạch chung) nên rất manh mún, lãng phí tài nguyên đất đai tại những khu vực bãi biển đẹp nhất miền Trung. Sự trùng lặp và thiếu chuyên nghiệp thể hiện rất rõ trong việc tổ chức các sự kiện - lễ hội. Đã có lúc 2 địa phương gần nhau liên tiếp tổ chức sự kiện lễ hội mà thiếu phối hợp nên không kết nối tour cho khách được. Nhiều sự kiện lễ hội tính toán chưa chu đáo, chỉ tổ chức cho có, không mang lại hiệu quả như ý muốn. Do đó, ảnh hưởng cả đến khâu quảng bá, xúc tiến đầu tư cho du lịch, và toàn vùng chưa có một chủ đề - chủ điểm - hình ảnh thống nhất, để phân công tổ chức một cách chặt chẽ. Như thế, việc mạnh ai nấy làm sẽ khiến cho du khách bối rối, còn các công ty du lịch lữ hành cũng không biết phải bắt đầu từ đâu, tập trung vào quảng bá, chào tour ở đâu, như thế nào. Kết quả là việc tổ chức các lễ hội - sự kiện dường như chỉ có tác dụng nhất thời đối với khách nội địa mà thiếu sự hưởng ứng đông đảo của khách du lịch quốc tế. Theo dõi nhiều lễ hội các địa phương sẽ thấy rõ thực trạng đó, chưa nói là các festival cũng có phần na ná như nhau...

Tầm nhìn nào cho  tương lai?

Những tiềm năng của duyên hải miền Trung là lợi thế so sánh so với các vùng khác, vì vậy cần có định hướng chiến lược để liên kết phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và theo Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” của Chính phủ. Muốn làm được điều đó trước hết phải có một chương trình phát triển du lịch miền Trung, trong đó nhận diện, phân tích đầy đủ về những thế mạnh, điểm yếu, có giải pháp khắc phục những hạn chế đã đề cập, đồng thời tạo cú hích đầu tư có tính đột phá. Được biết, Ban Điều phối vùng và Diễn đàn kinh tế miền Trung vừa qua cũng đã thống nhất kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ VH-TT&DL phối hợp với Ban Điều phối vùng xây dựng và triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch miền Trung trở thành ngành mũi nhọn. Để mũi nhọn không phải là “mô hình quả mít” thì cần phải thống nhất quan điểm chuyển từ các “điểm du lịch” sang “vùng du lịch”, xây dựng “thương hiệu điểm đến” chung cho cả vùng.

Có nhiều việc phải liên kết để hiện thực hóa tầm nhìn này. Chẳng hạn, ngành du lịch, doanh nghiệp, hiệp hội du lịch của các địa phương phải phối hợp trong quảng bá, cung cấp thông tin cho du khách; hỗ trợ nhau để xúc tiến đưa các sản phẩm du lịch của từng địa phương đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Cụ thể hơn nữa thì cần thường xuyên tổ chức các diễn đàn xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch toàn vùng nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là đầu tư từ các tập đoàn kinh doanh xuyên quốc gia. Đồng thời xúc tiến thành lập cổng thông tin điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu kinh tế - xã hội, xác lập thương hiệu (biểu tượng, khẩu hiệu), hình thành tờ báo chuyên ngành (song ngữ Anh - Việt)… dùng chung cho toàn vùng nghiên cứu nhằm xây dựng và định vị hình ảnh của vùng trước công chúng và các nhà đầu tư.

Việc kết nối giữa vùng với các trung tâm du lịch cả nước và nước ngoài là đề xuất cần lưu tâm để thuận tiện đưa khách đến. Do đó, cần tiếp tục đầu tư phát triển mạng lưới giao thông, quy hoạch cảng (hàng không, cảng biển và nhà ga, bến xe) đáp ứng đa mục tiêu, trong đó có du lịch, đồng thời hình thành các tour/tuyến toàn vùng, tránh sự trùng lắp, nhàm chán, nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trú dài ngày và khai thác khả năng chi tiêu của khách.

Về đầu tư hạ tầng du lịch thì cần phân định khi kết nối, đồng thời hướng tới sự đa dạng các loại hình du lịch. Ngay trong việc khai thác thế mạnh tương đồng là du lịch sinh thái biển cũng phải có quy hoạch và chia sẻ, hài hòa lợi ích với nhau để tạo sự khác biệt của sản phẩm. Chính phủ cần đầu tư cho những tuyến đường chiến lược làm động lực kết nối toàn vùng. Chẳng hạn, theo đề nghị của Ban Điều phối vùng là cần đặt mục tiêu ưu tiên xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường ven biển xuyên suốt toàn vùng. Đây là tuyến đường chiến lược về kinh tế và quốc phòng, gắn với quy hoạch xây dựng các đô thị ven biển, các điểm đến du lịch, hình thành “mặt tiền” của đất nước.

-----------------
Bài 2:  Các khu kinh tế tìm “sếu đầu đàn”

Tìm “sếu đầu đàn” là tìm doanh nghiệp và ngành hàng chủ lực, có khả năng đầu tư lớn, tạo sự lan tỏa và dẫn dắt tăng trưởng, nhưng hầu như rất ít khu kinh tế ven biển miền Trung làm được điều đó.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liên kết phát triển duyên hải miền Trung: Không thể mạnh ai nấy chạy (bài 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO