Liên kết sản xuất đậu phụng

QUỐC TUẤN 26/04/2018 13:53

Được tham gia mô hình liên kết sản xuất cây đậu phụng, nhiều nông dân Điện Bàn thu hiệu quả kinh tế cao và có thêm hướng đi khả quan trong thời gian tới.

Cơ giới hóa trong thu hoạch đậu phụng. Ảnh: Q.TUẤN
Cơ giới hóa trong thu hoạch đậu phụng. Ảnh: Q.TUẤN

Trên cánh đồng đậu phụng rộng 16ha ở 2 thôn Phú Đông và Phú Tây (xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn), những ngày này đâu đâu cũng xuất hiện bóng người nông dân hối hả thu hoạch nông sản và bàn tán về phương pháp sản xuất mới. Ông Trần Công Thời (trú thôn Phú Đông) bộc bạch: “Phấn khởi lắm, do vụ đầu còn ít nhiều bỡ ngỡ nếu không thì năng suất còn cao hơn. Trước đây nông sản được mùa còn nơm nớp sợ mất giá chứ đậu phụng lần này có bao tiêu hết nên không lo”. Đầu ra ở đây chính là Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang, đơn vị đã ký kết bao tiêu tất cả nông sản trong dự án để chế biến dầu phụng “xứ Quảng”. Việc bao tiêu này không chỉ có lợi cho người dân mà cả đơn vị thu mua cũng an tâm về chất lượng nguyên liệu, giá cả ổn định.

Trong 16ha trồng đậu phụng áp dụng mô hình liên kết, cánh đồng lớn và cơ giới hóa đồng bộ, có 10ha trồng giống sẻ Tây Nguyên và 6ha giống LDH01. Được biết, giống LDH01 do Viện Khoa học kỹ thuật duyên hải Nam Trung Bộ cung cấp có tổng số quả 3 hạt và trọng lượng vượt trội so với đậu phụng sẻ Tây Nguyên nên năng suất thực thu khoảng 35,5 tạ/ha, cao hơn so với 30,6 tạ/ha của đậu sẻ. Điều mới mẻ trong vụ mùa này là việc các công đoạn sản xuất của nông dân như gieo tỉa, tạo rõng, bới củ, thu hoạch, tuốt lạc… đều được cơ giới hóa đồng bộ. Điều này giúp tiết kiệm đến hơn 16 triệu đồng/ha cho người dân thay vì phải tốn số tiền này cho các công đoạn nếu làm theo phương pháp thủ công truyền thống. Một nông dân thôn Phú Tây cho biết, nhược điểm hiện nay là cây đậu phụng lớn vẫn còn tình trạng chết rải rác và máy thu hoạch có hạt bị dập vỡ, tuy nhiên nông dân vẫn hết sức ủng hộ mô hình và hy vọng các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục nghiên cứu cải thiện tình trạng này trong các vụ tiếp theo.

Không chỉ tạo ra lợi ích cho nông dân, cả hợp tác xã, doanh nghiệp và cộng đồng còn đang hưởng lợi từ việc cải tiến sản xuất này, bởi mô hình mới giúp tạo ra sản phẩm chất lượng, sản xuất theo chuỗi giá trị và giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường. Ông Phạm Thành Chung – Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Điện Bàn cho biết, đây là mô hình triển khai thí điểm trong việc sản xuất cánh đồng chuyên canh mà UBND thị xã Điện Bàn quy hoạch ở vùng Gò Nổi đã cho hiệu quả kinh tế khả quan. Nông dân trên địa bàn thị xã sẽ tiết kiệm được hơn 160 tỷ đồng cho một vụ sản xuất nếu áp dụng mô hình này.

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liên kết sản xuất đậu phụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO