Liên kết sản xuất lúa giống: Khi nông dân cầm "đằng lưỡi"

GIANG BIÊN 12/05/2017 09:11

Những năm qua, nhiều địa phương, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Thăng Bình đã liên kết sản xuất lúa giống với các doanh nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lỗ hổng trong liên kết sản xuất lúa, nhất là về giá cả khiến nông dân chịu thiệt.

Vụ đông xuân năm 2016 - 2017, hơn 5 sào ruộng của gia đình ông Võ Đăng Phương (thôn Phước Cẩm, xã Bình Tú, Thăng Bình) được liên kết sản xuất giống lúa Trang nông với Công ty Giống Hải Dương. Toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch của gia đình ông Phương đã được công ty thu mua. Tuy nhiên, điều bất ngờ là giá chỉ cao hơn vài trăm đồng/kg so với lúa thương phẩm. Ông Phương cho biết, làm lúa giống so với lúa thường thì hoàn toàn khác nhau. Đối với lúa giống từ khi gieo sạ đến khi thu hoạch đều phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Trong khi đó, hiện nay giá lúa thịt dao động 5.700 - 6.000 đồng/kg; Tuy nhiên, Công ty Giống Hải Dương chỉ thu mua 6.600 - 6.800 đồng/kg đối với giống Trang nông và Nhị ưu, không đúng như hợp đồng mà công ty đã cam kết trước đó.

Hiện giá lúa giống thấp nhưng ông Võ Đăng Phương vẫn bán cho Công ty Giống Hải Dương. Ảnh: GIANG BIÊN
Hiện giá lúa giống thấp nhưng ông Võ Đăng Phương vẫn bán cho Công ty Giống Hải Dương. Ảnh: GIANG BIÊN

Theo ông Trịnh Xuân A - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tú, việc  liên kết sản xuất lúa giống với Công ty Giống Hải Dương ở thôn Phước Cẩm có diện tích 10ha, công ty giống liên kết qua khâu trung gian với một số nhóm hộ tại thôn để sản xuất. Ngay từ đầu vụ, thôn Phước Cẩm cũng đã báo cáo việc này với chính quyền địa phương. “Thực chất việc liên kết sản xuất lúa giống với các công ty đã nâng giá trị sản phẩm, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, nhất là về giá cả. Trong bản hợp đồng, công ty cam kết mua giá cao hơn so với lúa thường khoảng 20%, tính tại thời điểm thu mua. Nhưng thực chất, sau khi các công ty giống khảo sát, họ đưa ra mức giá thấp hơn so với thị trường khoảng 500 đồng/kg, không cao hơn bao nhiêu so với lúa thường. Chính những lỗ hổng trong hợp đồng mà nhiều năm qua, diện tích liên kết lúa giống ở Bình Tú bị thu hẹp, người dân và công ty liên kết không có tiếng nói chung” - ông A nói.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền - Phó ban Nông nghiệp xã Bình Tú, ngay từ đầu vụ, Ban nông nghiệp xã đã yêu cầu công ty giống cần đưa ra một giá thu mua cụ thể. Nếu cuối vụ, xảy ra vấn đề gì thì chính quyền địa phương sẽ vận động nhân dân cùng chia sẻ với công ty. Tuy nhiên, các công ty giống đều không đồng tình với việc này. “Chính vì vậy, thay vì ký hợp đồng sản xuất lúa giống với địa phương và chịu sự quản lý của địa phương, công ty lại liên kết qua khâu trung gian với các nhóm, hộ gia đình để sản xuất. Điều này gây khó khăn trong việc quản lý, nhất là việc can thiệp giá cả” - ông Quyền nói.

GIANG BIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liên kết sản xuất lúa giống: Khi nông dân cầm "đằng lưỡi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO