Liên kết sản xuất lúa giống: Lại phá vỡ cam kết

Hoàng Liên 31/05/2013 10:47

Nhiều ngày qua, hàng trăm hộ dân sản xuất lúa giống trên địa bàn Đại Lộc đứng ngồi không yên vì không thấy người của Công ty Giống cây trồng miền Trung & Tây Nguyên đến thu mua như cam kết ban đầu.

Lúa giống được bà con phơi đi phơi lại nhiều lần, chất thành đống trong hội trường thôn Ấp Bắc. Ảnh: H.LIÊN
Lúa giống được bà con phơi đi phơi lại nhiều lần, chất thành đống trong hội trường thôn Ấp Bắc. Ảnh: H.LIÊN

Lấy cớ?

Câu chuyện lúa giống đã trở thành chủ đề “nóng” tại nhiều làng quê của Đại Lộc. Bà Nguyễn Thị Nông (thôn Ấp Bắc, Đại Nghĩa) cho biết, nhà bà làm 4 sào giống BC15 do Công ty Giống cây trồng miền Trung & Tây Nguyên (thuộc Công ty CP Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình) cung cấp giống. Lúc đầu, công ty này cam kết sẽ thu mua với giá cao hơn thị trường 1.200 đồng/kg. Giống gốc phục vụ sản xuất do công ty đầu tư; mỗi ký giống gốc giao cho bà con, công ty sẽ thu lại 2kg giống thành phẩm. Thế nhưng, lúa thu hoạch đã hơn 1 tháng rồi, nhưng công ty không thu mua, đầu ra của lúa hiện rất khó khăn. Bà Nguyễn Thị Bảy (cạnh nhà bà Nông) cũng cho biết: “Không bán được lúa, ai nấy phải chạy vay chạy mượn để xuống giống vụ hè thu. Riêng khoản nợ nần về phân bón, tiền công làm đất, phí thủy lợi… bà con chưa thể trả nợ. Dân chúng tôi rất hoang mang, kiểu này không ai dám làm lúa giống nữa”.

Thôn Ấp Bắc có 120 hộ làm lúa giống với tổng diện tích 15ha. Hộ ít nhất sản xuất từ 3 - 4 sào, có hộ sản xuất cả héc ta. Theo ông Nguyễn Muộn - Trưởng thôn Ấp Bắc, đây là năm thứ 2 địa phương làm lúa giống của Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình. Khi lúa còn ở ngoài đồng, người của công ty có xuống cùng với địa phương khử lẫn, rồi  tiếp tục kiểm tra, lấy mẫu, yêu cầu bà con phơi đi phơi lại 3 lần để đảm bảo thủy phần dưới 12%. Ai nấy làm theo yêu cầu, nhiều người đã đóng lúa vào bao nhưng chưa thấy công ty thu mua. Ông Muộn nói: “Mới đây, người công ty quay trở lại, đi tới từng nhà lấy mẫu lúa, cho rằng cả thôn chỉ có 1 hộ đạt chuẩn và chỉ hộ này được cân khiến người dân bất bình. Lý do được công ty đưa ra là lúa bị lẫn lộn giống khác. Tuy nhiên, đó chỉ là cái cớ để công ty thoái thác trách nhiệm, không làm đúng cam kết với dân chứ làm gì có chuyện lẫn lộn trong khi chúng tôi cùng sản xuất đại trà trên một khu được quy hoạch làm giống. Hơn nữa, nguồn giống lại do chính công ty cung cấp”. Vụ đông xuân vừa rồi gia đình ông Muộn cũng làm 7 sào lúa giống, nếu không được thu mua, ước tính gia đình ông chịu thiệt hại khoảng 6 triệu đồng do chênh lệch giá giữa hợp đồng cam kết với giá cả thị trường (1.200 đồng/kg) và chênh lệch sản lượng giữa lúa giống (300 - 350kg/sào) với các loại lúa ăn khác (400kg/sào). “Ban nhân dân thôn đã làm tờ trình báo cáo lên HTX Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đại Nghĩa, UBND xã Đại Nghĩa đề nghị can thiệp” - ông Muộn cho biết thêm.

Lúng túng phương án xử lý

Nông dân chịu thiệt

Theo ông Đặng Văn Lộc - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa, mô hình sản xuất lúa giống là mô hình liên kết giữa 3 nhà: Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông. Nhưng trên thực tế, khi xảy ra thiệt hại, rủi ro thì lâu nay chỉ mình nông dân là người “đứng mũi chịu sào”. Theo các hợp đồng cam kết, bao giờ lợi thế cũng thuộc về doanh nghiệp. Còn nhớ vụ đông xuân 2011-2012, Công ty CP Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng đã hợp tác với địa phương làm lúa giống Việt Lai 20. Công ty này đã nhận đủ lượng lúa giống với số lượng lớn như cam kết, còn nợ hơn 200 triệu đồng của dân, đến nay công ty vẫn chưa hoàn trả số tiền trên, HTX phải ôm nợ, đứng ra thanh toán cho dân. HTX có phát đơn kiện công ty nhưng rồi vụ việc không đi tới đâu.

Ông Đặng Văn Lộc - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa cho biết, toàn xã có 6 thôn sản xuất lúa giống, gồm Ấp Bắc, Đức Hòa, Đại Phú, Nghĩa Tây, Đại An, Đại Lợi với tổng diện tích 120ha. Trước tình trạng trên, địa phương đã tổ chức họp, bàn phương án giải quyết với dân. Theo như hợp đồng cam kết, công ty sẽ phải thu mua khoảng 600 tấn lúa giống nhưng đến nay phía công ty cho rằng lúa bà con làm ra không đạt do lẫn giống, và chỉ có thể thu mua khoảng 80 - 100 tấn so với cam kết. Việc công ty cho rằng, lúa không đạt chuẩn địa phương cũng chịu, thật sự xã không có cơ sở kỹ thuật nào để đánh giá việc này. Người dân rất bức xúc, nhiều người cho biết nếu công ty không thu mua lúa họ sẽ không chịu trả giống gốc. Ước tính, mức đầu tư của công ty khoảng 200 triệu đồng (giống, bao bì cấp cho dân). Theo ông Lộc, với số lượng thu mua quá thấp như trên, có khả năng địa phương sẽ yêu cầu công ty chấm dứt việc thu mua, tránh gây bức xúc trong dân. Hơn nữa, giả sử với 80 - 100 tấn được thu mua, công ty sẽ trừ đi 200 triệu đồng tiền đầu tư giống và bao bì, HTX sẽ không đủ tiền để trả cho xã viên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quốc Khánh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cho biết, công tác khử lẫn tại các cánh đồng của Đại Nghĩa chưa tốt là một trong những nguyên nhân chính khiến giống không đảm bảo. Trước tình trạng này, Phòng NN&PTNT đã làm việc với Công ty Giống cây trồng miền Trung - Tây Nguyên, yêu cầu công ty trực tiếp lấy mẫu tại từng hộ của các thôn và nhanh chóng thu mua đối với những hộ đảm bảo về mặt quy trình sản xuất, chất lượng giống. Đối với những hộ làm chưa đạt, địa phương cần vận động người dân rút kinh nghiệm cho những vụ sau!

Hoàng Liên

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liên kết sản xuất lúa giống: Lại phá vỡ cam kết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO