Nhiều nông dân xã Đại Nghĩa (
Nông dân xã Đại Nghĩa đã hoàn thành việc gieo sạ, xuống giống vụ hè thu nhưng lúa giống BC15 vụ đông xuân vẫn chưa được thu mua. Ảnh: H.L |
Thu mua khoảng 20% lượng giống
Liên quan đến bài báo “Liên kết sản xuất giống: Lại phá vỡ cam kết” (Báo Quảng Nam ngày 31.5.2013), trong buổi làm việc với PV. Báo Quảng Nam vào ngày 11.6, ông Lương Văn Ký - Giám đốc Chi nhánh miền Trung & Tây Nguyên Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình cho biết, trước mắt công ty sẽ tổ chức thu mua khoảng 20% lượng giống đạt chất lượng, đồng thời báo cáo sự việc lên tổng công ty, xem xét hỗ trợ dân theo đề xuất của xã Đại Nghĩa. Từ khi xảy ra sự cố không mong muốn, công ty luôn phối hợp với địa phương tìm hướng tháo gỡ, không hề thoái thác trách nhiệm.
Theo ông Ký, trong vụ đông xuân 2012-2013, Chi nhánh miền Trung & Tây Nguyên của Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình đã hợp tác với 3 địa phương tại Quảng Nam sản xuất lúa giống BC15 gồm Núi Thành, Phú Ninh và Đại Lộc với tổng diện tích 970ha, tổng sản lượng thu mua khoảng 2.600 tấn. Trong đó, Đại Lộc được xác định là vùng trọng điểm sản xuất lúa giống BC15. Sản phẩm lúa giống thu mua tại đây sẽ được công ty chuyển ra Bắc phục vụ nhu cầu lúa giống tại một số vùng, số còn lại cung cấp ra thị trường. Vùng sản xuất giống BC15 tại Đại Lộc có tổng diện tích 600ha, được triển khai tại 6 địa phương: Đại Minh, Đại Thắng, Đại Cường, thị trấn Ái Nghĩa, Đại Hiệp và Đại Nghĩa. Dự kiến ban đầu công ty sẽ thu mua khoảng 2.250 tấn tại 6 địa phương, tuy nhiên đến thời điểm này công ty chỉ mới thu mua 1.750 tấn của 5 hợp tác xã (HTX). Phần chưa thu mua thuộc về HTX Dịch vụ nông nghiệp & kinh doanh tổng hợp Đại Nghĩa với diện tích liên doanh 120ha. Ông Ký nói: “Nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ thu mua lúa giống tại Đại Nghĩa là do, qua kiểm tra, công ty phát hiện có đến 90% lượng giống BC15 không đạt chuẩn. Nguyên tắc của công ty là chỉ có thể thu mua sản phẩm lúa giống đạt chuẩn. Với giống không đạt chuẩn, không thể coi là giống và tất nhiên không thể thu mua được. Theo đề xuất từ ngành nông nghiệp Đại Lộc, chúng tôi đã tiến hành lấy mẫu, kiểm tra giống tại nhà đối với từng hộ dân. Đến nay, chúng tôi đã lấy mẫu tại 330 hộ trong tổng số 1.000 hộ thuộc 6 thôn và chỉ 20% lượng mẫu đạt chuẩn. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục lấy mẫu giống còn lại, đồng thời thông báo về số hộ có mẫu giống đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn đến địa phương để người dân nắm rõ, tránh tâm lý hoang mang”.
Ông Ký khẳng định, trong liên doanh sản xuất lúa giống nông dân luôn là đối tượng có lợi. Đặc biệt đối với giống BC15, qua 2 năm tiến hành sản xuất trên các cánh đồng Đại Lộc, năng suất đạt từ 6,5 – 7 tấn/ha. Sự cố lần này nằm ngoài mong muốn, tất nhiên thiệt hại về phía công ty cũng không nhỏ bởi do lúa giống không đạt chuẩn, công ty vỡ kế hoạch cung ứng giống cho mùa vụ. Đến nay, công ty đã phối hợp với địa phương, Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc họp khẩn giữa các bên để tìm phương án giải quyết.
Đề nghị hỗ trợ một phần thiệt hại
Về việc lúa giống BC15 tại Đại Nghĩa không đạt chất lượng, bị lẫn giống, ông Ký cho biết có rất nhiều nguyên nhân. Cụ thể, trong năm qua không có lũ lụt, tình trạng rầy bọ, lúa chét (lúa tồn từ vụ trước) mọc nhiều khiến nhiều giống lúa lẫn vào. Cùng với đó, do chuột phá hại trên diện rộng tại cánh đồng sản xuất giống nên nhiều bà con đã tìm giống khác dặm vào diện tích bị hại. Trận mưa cuối vụ khiến cây lúa đổ ngã, một diện tích giống rất lớn của Đại Nghĩa bị ngả đổ khiến công tác khử lẫn của HTX chưa được tốt. Nguyên nhân chủ quan được công ty đưa ra là sự thiếu đồng bộ trong việc phối hợp về mặt kỹ thuật giữa một số kỹ thuật viên công ty với HTX. Công tác phối hợp khử lẫn của công ty gặp khó khăn do không thể kiểm soát việc tỉa dặm giống khác vào của bà con trên đồng ruộng. Công tác quản lý chất lượng giống tại nhà dân của công ty cũng gặp khó khăn. Yêu cầu đối với những hộ sản xuất lúa giống là sân phơi phải được cách ly với các loại giống khác, bao bì đựng giống phải sạch sẽ, đồ dùng ngâm ủ giống cũng phải đảm bảo vệ sinh…, có thể nhiều bà con không đảm bảo yếu tố này. “Có thể nói, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến hợp đồng sản xuất giống bị phá vỡ là do năng lực của HTX Đại Nghĩa rất yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu hợp tác của công ty. HTX yếu kém về năng lực quản lý, điều hành khâu khử lẫn ngoài đồng ruộng” - ông Ký nói.
Theo ông Đặng Văn Lộc - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa, liên kết sản xuất lúa giống là sự liên kết 4 nhà, trong đó trách nhiệm của công ty hết sức quan trọng. Tình hình lúa giống vụ đông xuân bị lẫn (theo như kết luận của công ty), rõ ràng phía công ty cũng liên đới chịu trách nhiệm. Theo nguyên tắc, khâu khử lẫn ngoài đồng ruộng, cán bộ kỹ thuật của công ty phải thường xuyên phối hợp, kiểm tra, giám sát. Đối với khu vực khử lẫn chưa đạt, kỹ thuật viên của công ty phải trực tiếp đôn đốc HTX, đôn đốc dân thực hiện. Không thể đổ hết trách nhiệm cho người dân, cho HTX. HTX Đại Nghĩa đã có văn bản đề xuất công ty hỗ trợ một phần thiệt hại cho dân, không thu lại nguồn giống gốc cung ứng ban đầu cho bà con (8.400 đồng/kg). Được biết, tổng số tiền giống gốc và tiền đầu tư mua bao bì công ty cung ứng cho địa phương khoảng 200 triệu đồng.
HOÀNG LIÊN