Liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa

NGUYỄN SỰ 27/09/2016 08:26

Thời gian qua, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở huyện Đại Lộc đã “bắt tay” với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất giống lúa và hoa màu theo phương thức hàng hóa tập trung nhằm ổn định đầu ra của sản phẩm, nâng cao nguồn thu nhập cho nông dân.

Những năm gần đây, trước yêu cầu tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lĩnh vực kinh tế hợp tác của Đại Lộc có bước phát triển mạnh cả về số lượng lẫn hiệu quả hoạt động với rất nhiều loại hình dịch vụ thiết thực, qua đó thúc đẩy sản xuất - kinh doanh ở khu vực nông thôn chuyển biến tích cực. Đặc biệt các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện đã phát huy tốt vai trò tập hợp, vận động nông dân thay đổi cách nghĩ cách làm và hỗ trợ ứng dụng hiệu quả những gói kỹ thuật canh tác tiên tiến nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Thành công lớn nhất trong phát triển kinh tế hợp tác của Đại Lộc là thời gian qua rất nhiều đơn vị đã mạnh dạn liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất giống lúa hàng hóa và một số loại cây trồng cạn chủ lực theo phương thức bao tiêu sản phẩm với mục đích tạo đầu ra ổn định cho nông sản, hạn chế tối đa tình trạng được mùa mất giá - được giá mất mùa.

Mô hình liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa của HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: VĂN SỰ
Mô hình liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa của HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: VĂN SỰ

Nếu cách đây 5 năm toàn huyện Đại Lộc có 10 HTX nông nghiệp liên kết cùng các doanh nghiệp sản xuất giống lúa hàng hóa, đậu xanh với tổng diện tích khoảng 800ha thì hiện nay con số này đã tăng lên 19 HTX và diện tích canh tác mỗi năm cũng đã hơn 1.100ha. Năm 2015 tổng doanh thu từ hoạt động liên kết sản xuất 2 loại nông sản vừa nêu của 19 HTX ở Đại Lộc đạt 28,95 tỷ đồng, tăng 16,59 tỷ đồng so với thời điểm năm 2011. Trong đó, HTX nông nghiệp Ái Nghĩa, Đại Nghĩa, Đại Quang… là những đơn vị thực hiện rất thành công mô hình canh tác hạt giống lúa thuần, lúa lai 2 - 3 dòng theo hướng tập trung nhờ quy hoạch vùng sản xuất một cách bài bản và đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, sân phơi, lò sấy. Nhiều ý kiến cho rằng, thông qua hoạt động liên kết sản xuất đó đã giúp các HTX làm tốt dịch vụ cung ứng giống và một số loại vật tư nông nghiệp thiết yếu. Đồng thời nâng cao kiến thức, năng lực ứng dụng các tiến bộ của khoa học - kỹ thuật cho nông dân. Đặc biệt, giúp nhà nông tăng ít nhất 20% giá trị kinh tế so với khi chưa tiến hành triển khai mô hình này.

Mới đây, tại hội nghị sơ kết 3 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp do UBND tỉnh tổ chức, ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho rằng mặc dù mô hình sản xuất giống lúa và hoa màu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao nhưng thực tế những năm qua cho thấy hướng canh tác này vẫn còn tiềm ẩn không ít rủi ro do yếu tố thời tiết, thiên tai, dịch bệnh... Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát từ quá trình sản xuất đến thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và các tranh chấp phát sinh từ việc ký hợp đồng liên kết vẫn chưa được thực hiện tốt. Chính sách về đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thông tin định hướng thị trường phục vụ việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản còn nhiều hạn chế.

Theo ông Mẫn, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX, nếu phát triển đúng hướng sẽ là một yếu tố và động lực cơ bản góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới. Do vậy, để giúp các HTX nông nghiệp tháo gỡ những khó khăn nhằm nâng cao mức lãi và tăng thu nhập cho nông dân từ hoạt động liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa, trong giai đoạn 2016 - 2020 UBND huyện Đại Lộc sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp. Trước tiên, ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương sẽ tiếp tục lựa chọn, quy hoạch vùng sản xuất và tranh thủ nguồn lực tài chính đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng thiết yếu trên những cánh đồng mẫu lớn chuyên canh tác giống lúa, hoa màu theo phương thức hàng hóa. Đặc biệt, huyện sẽ chú trọng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho những cơ quan có trách nhiệm và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật. Đồng thời thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ của các HTX nông nghiệp, tổ hợp tác và nhất là nông dân nhằm nâng cao kiến thức về tham gia liên kết sản xuất thông qua hợp đồng kinh tế để hạn chế những trục trặc hay xảy ra trong thời gian qua…

NGUYỄN SỰ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO