Liên kết sản xuất nông nghiệp và thủy sản theo hướng hàng hóa: Cơ hội tái cơ cấu nông nghiệp

VĂN SỰ - QUANG VIỆT 14/03/2017 09:21

Liên kết sản xuất trong nông nghiệp là mô hình đã được triển khai lâu nay trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân. Việc liên kết còn mở ra cơ hội để ngành nông nghiệp tái cơ cấu theo hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…  Chính vì vậy, thời gian qua Quảng Nam đã xúc tiến đầu tư hạ tầng nông nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư… nhằm tạo ra các mô hình liên kết hiệu quả.

NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH TẾ

Thời gian qua, nông dân trên địa bàn tỉnh đã liên kết với doanh nghiệp để sản xuất nông sản, giúp người dân nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

Hướng mở trong trồng trọt

Lội trên nhiều cánh đồng mẫu lớn của xã Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc), đâu cũng thấy nông dân tập trung chăm sóc những ruộng lúa xanh mơn mởn. Ông Hồ Cường (thôn Phiếm Ái 1, xã Đại Nghĩa) cho biết, trong vòng 10 năm trở lại đây, vụ đông xuân nào ông cũng liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa với nhiều doanh nghiệp và nhờ hướng đi này mà kinh tế gia đình khấm khá. Ông Cường chia sẻ: “Vừa đất của mình vừa đất đi thuê, vụ này tôi bắt tay với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất tổng cộng 23 sào lúa giống, trong đó có 18 sào giống lúa lai Nhị ưu 838 và TH 3-5, còn lại 5 sào canh tác một số loại giống lúa thuần chất lượng cao.

Hợp tác sản xuất giống lúa hàng hóa với các doanh nghiệp, thu nhập của nông dân Đại Lộc tăng 15-45% so với làm lúa thương phẩm. Ảnh: VIỆT SỰ
Hợp tác sản xuất giống lúa hàng hóa với các doanh nghiệp, thu nhập của nông dân Đại Lộc tăng 15-45% so với làm lúa thương phẩm. Ảnh: VIỆT SỰ

Những năm qua, bình quân 1 sào giống lúa lai cho năng suất khoảng 200kg khô, với phương thức quy đổi 1kg hạt giống bằng 4kg lúa thương phẩm thì mỗi sào tôi thu được 800kg thóc thịt. Nếu tính 1kg thóc thịt với giá 6 nghìn đồng thì tổng giá trị 1 sào đất sản xuất hạt giống lúa lai đạt 4,8 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, còn lại lãi ròng khoảng 3,2 - 3,7 triệu đồng/sào. Trong khi đó, nếu làm lúa thương phẩm đạt sản lượng cao thì số tiền lời kiếm được chỉ dao động 700 - 800 nghìn đồng/sào”.

Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp, đặc biệt là chú trọng khâu dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, đầu tư xây dựng bài bản kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ quá trình canh tác nên những năm qua Quảng Nam đã trở thành điểm đến khá hấp dẫn của rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực sản xuất và cung ứng giống lúa. Với cầu nối là các hợp tác xã nông nghiệp, hằng vụ nông dân trên địa bàn tỉnh liên kết cùng hàng chục công ty tổ chức sản xuất khoảng 1.500 - 3.500ha giống lúa thuần và lúa lai theo phương thức doanh nghiệp chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, phòng trừ dịch hại tổng hợp, bao tiêu đầu ra của sản phẩm. Ông Muộn nói: “Số diện tích sản xuất giống lúa hàng hóa vừa nêu phần lớn nằm ở các địa phương thuộc khu vực đồng bằng như Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành. Thực tế nhiều năm nay cho thấy, việc nông dân bắt tay với các doanh nghiệp sản xuất giống lúa đã giúp họ tăng thêm 15 - 45% giá trị kinh tế so với làm lúa thương phẩm. Và điều quan trọng hơn là nhà nông không còn phải thường xuyên đối mặt với tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Đây là một trong những mũi chủ công trong việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

Tín hiệu vui từ chăn nuôi

Chúng tôi ghé thăm trang trại chăn nuôi gà thịt với quy mô lớn của vợ chồng anh Bùi Khắc Sơn ở thôn An Xuân (xã Phú Thọ, Quế Sơn) đúng lúc anh Sơn cùng nhân viên Công ty C.P Việt Nam chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến hành xuất chuồng 8 nghìn con gà thuộc lứa đầu tiên của năm 2017. Anh Sơn cho biết, đầu năm 2016 gia đình anh đầu tư xây dựng chuồng trại trên diện tích 2.000m2 đất vườn đồi với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng rồi ký kết hợp đồng với Công ty C.P Việt Nam nhận nuôi gà gia công cho doanh nghiệp này. Ngoài việc chịu trách nhiệm hướng dẫn quy trình nuôi, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ các loại dịch bệnh nguy hiểm cho gà thì Công ty C.P Việt Nam còn đảm nhận khâu cung cấp con giống đầu vào, nguồn thức ăn, vắc xin tiêm phòng, hóa chất phun tiêu độc khử trùng và cả chuyện lo đầu ra của sản phẩm. Anh Sơn chia sẻ: “Năm ngoái, gia đình tôi nuôi gia công cho Công ty C.P Việt Nam 4 lứa gà, bình quân mỗi lứa 8.000 con và thời gian thả nuôi chừng 75 ngày, thu được xấp xỉ 200 triệu đồng tiền công. Trong lứa đầu của năm nay, tôi cũng nhận nuôi gia công 8.000 con gà thịt cho công ty và chắc chắn sẽ kiếm được 50 triệu đồng tiền công”.

Không riêng gì xã Phú Thọ của huyện Quế Sơn, theo tìm hiểu thì những năm gần đây tại một số địa phương khác cũng đã xuất hiện rất nhiều mô hình chăn nuôi theo hình thức trang trại có sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, hiện nay trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 60 cơ sở chăn nuôi gia công với quy mô lớn, trong đó có 47 cơ sở nuôi heo thịt và 13 cơ sở nuôi gà thịt. Số cơ sở này tập trung chủ yếu ở Điện Bàn, Quế Sơn, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Đông Giang, Tiên Phước. Việc nhà nông và nhà doanh nghiệp bắt tay nhau trong phát triển chăn nuôi hàng hóa trên tinh thần đôi bên cùng có lợi là một tín hiệu hết sức lạc quan đối với ngành chăn nuôi vốn manh mún, nhỏ lẻ của Quảng Nam suốt hàng chục năm qua…

VẪN CÒN LỎNG LẺO…

Dù mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, nhưng ở nhiều nơi việc hợp tác vẫn không diễn ra suôn sẻ.

Sản xuất kém hiệu quả

Vợ chồng ông Đoàn Ngà ở thôn Phú Bông (xã Duy Trinh, Duy Xuyên) có 2,5 sào đất màu trên khu bãi biền Cây Thị, năm 2013 trở về trước vụ đông xuân nào cũng trồng ớt xuất khẩu. Đầu vụ đông xuân 2014 - 2015, được ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên vận động và đứng ra làm khâu trung gian, ông Ngà quyết định chuyển 2,5 sào đất chuyên trồng ớt đó sang sản xuất giống dưa leo Nhật Bản theo hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng. Ông Đoàn Ngà nói: “Do lâu nay đầu ra của cây ớt rất khó khăn, giá bán cứ liên tục biến động mạnh nên khi nghe doanh nghiệp ấy cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm dưa leo Nhật Bản nên tôi gật đầu làm ngay. Không chỉ vậy, họ còn hứa chắc nịch là năng suất dưa sẽ đạt ít nhất 3 tấn quả/sào/vụ và tổ chức thu mua với mức giá 2 nghìn đồng/kg, quy ra giá trị đạt 6 triệu đồng/sào.

Nuôi tôm nước lợ rất cần liên kết với doanh nghiệp để sản xuất lớn.Ảnh: VIỆT CAO
Nuôi tôm nước lợ rất cần liên kết với doanh nghiệp để sản xuất lớn.Ảnh: VIỆT CAO

Thế nhưng, khi triển khai thực hiện mô hình thì mọi chuyện không như mong đợi. Việc trồng loại dưa leo này tốn rất nhiều công lao động so với canh tác ớt, ruộng dưa có tỷ lệ đậu quả quá thấp, đặc biệt là bệnh sương mai gây hại khiến cây dưa lụi rất nhanh. Chính vì thế, vụ đó bình quân 1 sào dưa leo Nhật Bản gia đình tôi thu về chưa đầy 1 tấn quả, bán cho công ty với giá 2 nghìn đồng/kg thì số tiền kiếm được chỉ xấp xỉ 2 triệu đồng, giảm hơn 4 triệu đồng so với trước đây trồng ớt xuất khẩu”. Thất bại ngay trong lần đầu tiên bắt tay liên kết sản xuất khiến vợ chồng ông Đoàn Ngà mất niềm tin và đông xuân 2015 - 2016 họ nhất quyết không hợp tác với Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng trồng dưa leo Nhật Bản nữa mà quay lại canh tác ớt xuất khẩu.

Ông Phạm Đình Xuân - Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, đầu vụ đông xuân 2014 - 2015 ngành nông nghiệp huyện vận động hơn 200 hộ dân trên địa bàn xã Duy Châu, Duy Trinh và một số nơi khác liên kết với Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng tổ chức sản xuất thí điểm 13ha dưa leo Nhật Bản. Theo dự tính, nếu thành công thì cơ quan chuyên môn cùng chính quyền các địa phương của huyện sẽ tập trung quy hoạch những vùng chuyên canh và tích cực hỗ trợ các khâu cần thiết để nông dân có điều kiện mở rộng diện tích trồng dưa leo Nhật Bản lên 50ha. Tuy nhiên, do giá trị kinh tế mang lại không cao và nhiều nguyên nhân khác nên trong 2 vụ đông xuân gần đây nông dân Duy Xuyên không còn hợp tác với Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng sản xuất giống dưa leo Nhật Bản nữa.

Không tìm được tiếng nói chung

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng khi tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ sản xuất hàng hóa lớn và dần hoàn thiện các yếu tố hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất thì rất cần tuyên truyền, vận động, giải thích, nâng cao nhận thức của người sản xuất về lợi ích khi tham gia liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Việc này phụ thuộc vào các địa phương cũng như ngành thủy sản. Tỉnh rất nỗ lực thu hút đầu tư để huy động lực lượng lớn các doanh nghiệp đủ tầm, đủ năng lực và tâm huyết để tham gia vào mô hình liên kết sản xuất với nông dân, ngư dân, thúc đẩy phát triển.

Cách đây vài ngày, về thôn Tú Cẩm (xã Bình Tú, Thăng Bình), chúng tôi nghe nhiều hộ dân ở địa phương nói đông xuân năm nay họ đã quay lại làm lúa thương phẩm trên mô hình cánh đồng mẫu lớn chứ không còn liên kết với Công ty CP Giống cây trồng miền Nam sản xuất hạt giống lúa thuần như mùa trước. Ông Nguyễn Văn Quyền – Phó ban Nông nghiệp xã Bình Tú cho biết, vụ đông xuân năm ngoái đơn vị đứng ra làm khâu trung gian để gần 60 hộ dân ở thôn Tú Cẩm và Phước Cẩm liên kết với Công ty CP Giống cây trồng miền Nam sản xuất 8ha giống lúa OM 4900 cấp nguyên chủng, 5ha giống lúa VN121 cấp xác nhận trên các cánh đồng mẫu theo phương thức doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Đến cuối vụ đó, số hộ dân vừa nêu thu hoạch được tổng cộng 70 tấn lúa giống. Thế nhưng, do việc lập hợp đồng kinh tế lúc ban đầu quá lỏng lẻo nên khi tiến hành áp giá thu mua sản phẩm thì giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp không tìm được tiếng nói chung.

Cụ thể, nông dân nói doanh nghiệp áp giá thu mua theo giá lúa lương thực Xi23 tại địa phương với mức 6.300 đồng/kg là quá thấp so với giá thị trường, còn doanh nghiệp lại bảo mức giá họ đưa ra là hợp lý. Hai bên cứ giằng co mãi khiến 70 tấn lúa giống bị ứ đọng suốt một thời gian dài và cuối cùng nông dân thôn Tú Cẩm, Phước Cẩm của xã Bình Tú phải ngậm ngùi bán lượng giống lúa đó cho tư thương. Ông Quyền nói: “Sau vụ lùm xùm đó, đông xuân năm nay nông dân thôn Tú Cẩm không liên kết với bất kỳ doanh nghiệp nào sản xuất giống lúa hàng hóa mà quay lại làm thóc thịt, còn một số hộ dân ở thôn Phước Cẩm thì quay sang bắt tay với một công ty ở Hải Phòng để hợp tác sản xuất 6ha hạt giống lúa thuần Hương Biển”.

Trong khi đó, tại vựa lúa giống xã Quế Xuân 1 của huyện Quế Sơn, tình trạng nông dân quay lại sản xuất lúa ăn trong vụ đông xuân 2016 - 2017 này cũng khá phổ biến. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Ngô Chí Cường – Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quế Xuân 1 cho biết, từ năm 2011 - 2016 chính quyền địa phương cùng hợp tác xã tập trung thu hút các doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh về Quế Xuân 1 liên kết với nông dân trên địa bàn 4 thôn gồm Trung Vĩnh, Phù Sa, Xuân Phú, Dưỡng Xuân tổ chức sản xuất giống lúa hàng hóa trên những mô hình cánh đồng mẫu lớn. Theo ông Cường, mấy năm trước, bình quân mỗi vụ đông xuân tại 4 thôn vừa nêu có hơn 450 hộ nông dân bắt tay với các doanh nghiệp sản xuất 65ha hạt giống lúa lai thế hệ F1 và 80ha hạt giống lúa thuần chất lượng cao. Thế nhưng, đông xuân năm nay số diện tích sản xuất giống lúa hàng hóa ở xã Quế Xuân 1 đã tụt giảm mạnh, chỉ còn 5ha hạt giống lúa lai thế hệ F1 và 50ha hạt giống lúa thuần. Ông Ngô Chí Cường nói: “Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó là đông xuân 2015 - 2016 năng suất hạt giống đạt quá thấp. Chẳng hạn như, trong các mùa trước, bình quân 1 sào ruộng sản xuất hạt lai F1 Nhị ưu 838 nhà nông thu về 160 - 190kg giống thì vụ đông xuân năm ngoái chỉ đạt 90 - 95kg. Sản lượng hạt giống đạt thấp dẫn đến thu nhập không cao, trong khi quá trình sản xuất tốn rất nhiều công lao động nên không ít hộ dân nản lòng và đông xuân này họ quyết định quay lại làm lúa thương phẩm”.

Tại cuộc gặp mặt nhân dịp đầu xuân Đinh Dậu 2017 do UBND tỉnh tổ chức, đại diện một số doanh nghiệp than phiền rằng, vụ đông xuân năm nay nông dân nhiều nơi trên địa bàn tỉnh không còn liên kết canh tác giống lúa hàng hóa khiến kế hoạch sản xuất – kinh doanh của không ít công ty bị ảnh hưởng lớn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, vụ này các doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh dự tính sẽ hợp tác với nông dân Quảng Nam sản xuất khoảng 2.500 - 3.000ha hạt giống lúa thuần, lúa lai thế hệ F1 nhưng trên thực tế thì chỉ đạt chừng 2.200ha.

TẠO CHUỖI SẢN XUẤT KHÉP KÍN

Việc kết nối giữa khai thác, nuôi trồng với chế biến thủy sản được xem là hướng đi để “chuyên nghiệp hóa” nghề thủy sản, nâng cao giá trị sản xuất.

Nhỏ lẻ, manh mún

Trên địa bàn tỉnh có hàng chục cơ sở sơ chế hải sản hoạt động vào thời điểm này. Ví như tại cơ sở hấp cá của gia đình ông Nguyễn Văn Kiệt (tổ 5, thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) thu hút hàng chục lao động địa phương tham gia sản xuất. Ông Kiệt mới chỉ đủ nguồn lực để thực hiện sơ chế hấp cá rồi nhượng lại cho doanh nghiệp lớn hơn bên ngoài tỉnh thực hiện tiếp các công đoạn chế biến cá để xuất khẩu. Cơ sở này luôn thiếu hụt nguồn nguyên liệu là cá cơm do không chủ động ký kết hợp đồng với ngư dân trên địa bàn tỉnh để ổn định nguyên liệu đầu vào.

Trong 2 vụ đông xuân gần đây, ông Đoàn Ngà ở thôn Phú Bông (xã Duy Trinh, Duy Xuyên) đã bỏ trồng dưa leo Nhật Bản và quay lại canh tác ớt.Ảnh: VIỆT SỰ
Trong 2 vụ đông xuân gần đây, ông Đoàn Ngà ở thôn Phú Bông (xã Duy Trinh, Duy Xuyên) đã bỏ trồng dưa leo Nhật Bản và quay lại canh tác ớt.Ảnh: VIỆT SỰ

Trong khi đó, sản phẩm của ngư dân đánh bắt được lại hết sức bấp bênh, khi bán chỗ này, lúc bán chỗ kia, giá cả không ổn định. Chính việc sản xuất như trên đã đặt ra yêu cầu cấp thiết là liên kết giữa cơ sở chế biến hải sản và ngư dân trực tiếp sản xuất trên biển. Điều đó sẽ nâng cao giá trị của hải sản, lợi cho doanh nghiệp và cũng lợi cho người đánh bắt hải sản. Tình trạng tương tự cũng diễn ra hàng ngày ở khắp các cảng cá, các cộng đồng ngư dân bám biển như huyện Núi Thành, Duy Xuyên, TP.Hội An. Ngư dân bị o ép đầu ra hải sản trong khi các doanh nghiệp thì mới chỉ ở mức sơ chế, không chủ động nguyên liệu sản xuất. Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, liên kết giữa doanh nghiệp với ngư dân hay người nuôi tôm nói riêng, nuôi thủy sản nói chung chưa có hoặc mới có thì rất lỏng lẻo. Nguyên nhân của việc này là sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún. Chủ thể tạo ra nguyên liệu tự phát hoạt động còn doanh nghiệp thì yếu về nguồn lực kinh doanh.

Theo Sở NN&PTNT, sau hơn 3 năm triển khai tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, số lượng tàu cá khai thác gần bờ của tỉnh vẫn còn chiếm tỷ lệ cao hơn 80%. Chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng bãi ngang vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cơ khí dịch vụ sửa chữa tàu cá, dịch vụ hậu cần nghề cá còn thiếu và chưa đáp ứng nhu cầu. Hạ tầng nuôi thủy sản chưa thể đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu thâm canh sản xuất. Quản lý chất lượng giống, môi trường nuôi và dịch bệnh tại các địa phương nuôi thủy sản còn bất cập. Chế biến thủy sản chưa phát triển, chủ yếu là gia công, sơ chế, giá trị gia tăng thấp. Việc triển khai một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ còn gặp khó khăn, vướng mắc, chưa tạo nên sức hút lớn đối với ngư dân tham gia đóng tàu đánh bắt xa bờ. Ông Ngô Tấn cho rằng, tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản là quá trình lâu dài, rất khó khăn nhưng bắt buộc. Mắt xích quan trọng nhất là tạo sản phẩm có lợi thế qua chuỗi liên kết sản xuất của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, tư thương, ngư dân, chủ thể nuôi tôm, hướng đến hiệu quả, rộng khắp, bền vững. Theo đó, phương châm 3 hóa (doanh nghiệp hóa, liên kết hóa và xã hội hóa) là “kim chỉ nam”.

Khép kín sản xuất

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, muốn có liên kết thì phải có doanh nghiệp lớn mạnh. Các chủ thể sản xuất cũng phải thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, xóa bỏ tính tự phát, manh mún. Mấu chốt trong lĩnh vực khai thác hải sản là tỉnh đang triển khai thi công khu hậu cần nghề cá Tam Quang (Núi Thành) và chợ cá kết hợp âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên). Điều này sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư và khi đó thì sẽ liên kết chặt chẽ với ngư dân, các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, nghiệp đoàn nghề cá, các tổ hợp tác hay lớn hơn hợp tác xã nghề cá để ổn định chặt chẽ đầu ra của ngư dân và nguyên liệu chế biến của doanh nghiệp. Về điều này, ông Nguyễn Viết Thống - Giám đốc Công ty Đại Dương Xanh chuyên chế biến hải sản xuất khẩu cho biết sẽ đầu tư đồng bộ hệ thống bến bãi, nhà xưởng, khu sơ chế, chế biến hải sản sâu nếu được UBND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư tại khu hậu cần nghề cá Tam Quang. Khi đó, tất yếu sẽ “bắt tay” với ngư dân để ổn định sản xuất.

Trong lĩnh vực nuôi thủy sản, hàng loạt dự án nuôi tôm tập trung đang được Quảng Nam xúc tiến đầu tư. Điều này tạo cơ sở sản xuất thuận lợi cho người dân, hướng đến sản xuất hàng hóa lớn qua liên kết sản xuất với doanh nghiệp chế biến. Chủ trương của tỉnh là áp dụng liên kết ngang qua kết hợp của các cá nhân riêng lẻ với nhau để nâng tầm sản xuất và liên kết dọc (kết hợp giữa chủ thể sản xuất với doanh nghiệp chế biến) để tạo kênh phân phối hàng hóa xuyên suốt. Từ xuất phát này, Quảng Nam hướng đến liên kết 4 nhà, trong đó Nhà nước hình thành cơ chế, khuyến khích, hỗ trợ sản xuất; doanh nghiệp đóng vai trò hạt nhân để nâng cao giá trị sản xuất; sự hưởng ứng của chủ thể sản xuất và phân tích, định hướng, cung cấp quy trình sản xuất bài bản của nhà khoa học.

VĂN SỰ - QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liên kết sản xuất nông nghiệp và thủy sản theo hướng hàng hóa: Cơ hội tái cơ cấu nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO