Nông dân xã Duy Sơn (Duy Xuyên) đang tất bật ra đồng phát dọn cỏ bờ, cày dầm đất và tu sửa, nạo vét hệ thống kênh mương chuẩn bị sản xuất vụ lúa đông xuân. Nghe hỏi về tình hình phát triển kinh tế hộ, anh Ba Trà Kiệu cho biết, 4 năm nay, thông qua HTX Duy Sơn, vụ nào gia đình anh cũng liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Quảng Bình và Công ty CP Giống cây trồng miền Nam tổ chức sản xuất 4 loại giống lúa thuần chủ lực gồm Đài Thơm 8, SV181, PC6, Xuân Mai trên tổng cộng 6 sào đất ruộng. Bình quân mỗi vụ 1 sào đất sản xuất hạt giống lúa thuần đạt năng suất khoảng 300kg khô. Ngay sau khi thu hoạch và phơi phóng xong, HTX Duy Sơn phối hợp với các doanh nghiệp tiến hành thu mua sản phẩm với giá 7.900 đồng/kg. Như vậy, hằng vụ 1 sào lúa giống mang lại cho tui mức thu nhập gần 2,4 triệu đồng, tăng 500 – 600 nghìn đồng/sào so với trước đây làm lúa thương phẩm.
Ông Nguyễn Văn Tấn – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Duy Sơn cho biết, sau khi hình thành những mô hình cánh đồng mẫu lớn, từ năm 2016 đến nay vụ nào đơn vị cũng liên kết với 2 doanh nghiệp vừa nêu tổ chức cho hơn 400 hộ dân ở thôn Trà Kiệu Tây và Trà Châu sản xuất không dưới 30ha hạt giống lúa thuần các loại. Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2019 – 2020 này, HTX sẽ tiếp tục đứng ra làm khâu trung gian để nông dân ở 2 thôn trên liên kết với các doanh nghiệp sản xuất 40ha hạt giống lúa thuần theo phương thức bao tiêu sản phẩm. “Nhờ thực hiện mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị nên vừa qua HTX được UBND huyện Duy Xuyên và các đơn vị liên quan hỗ trợ 150 triệu đồng để có điều kiện đầu tư mua sắm máy sấy lúa có công suất lớn. Có máy sấy này, đơn vị và nông dân địa phương sẽ không phải lo lúa giống bị hư hại trong quá trình thu hoạch gặp thời tiết bất lợi” – ông Tấn chia sẻ.
Theo tìm hiểu của Tư Ruộng, hiện toàn tỉnh có ít nhất 70 HTX nông nghiệp thực hiện việc liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản với nhiều doanh nghiệp, bình quân mỗi năm tổ chức sản xuất 3.000 – 4.000ha lúa giống, 300ha đậu xanh, 30ha bắp theo phương thức bao tiêu sản phẩm. Việc liên kết sản xuất này giúp nhà nông tăng thêm 25 – 40% giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.