Liên kết tìm đầu ra cho nông sản

DIỄM LỆ 28/05/2013 08:48

Lần đầu tiên, một hội chợ dành riêng cho nông sản của huyện Tiên Phước vừa được Hội Nông dân huyện tổ chức. Đây là cơ hội để nông sản địa phương bước qua khỏi cái thời “tự cung tự cấp”, sản xuất theo hướng hàng hóa và xúc tiến tìm đầu ra...

Nhiều loại giống cây trồng mới trưng bày tại hội chợ được nhiều người quan tâm tìm hiểu.                                                                        Ảnh: D.L
Nhiều loại giống cây trồng mới trưng bày tại hội chợ được nhiều người quan tâm tìm hiểu. Ảnh: D.L

Đa dạng sản phẩm

Hội chợ tổ chức lần đầu nhưng đã thu hút 17 gian hàng của nông dân trong huyện Tiên Phước cùng 3 gian hàng của Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh. Sản phẩm được trưng bày khá đa dạng với nhiều mặt hàng đã khẳng được được chỗ đứng như tiêu, chuối, mít, nghệ, quế; những mặt hàng mới được ứng dụng sản xuất hiệu quả ở Tiên Phước như gà rừng, heo rừng, bồ câu, chim trĩ đỏ khoang cổ, nhím… và các giống cây trồng mới.

Gian hàng trưng bày các loại giống cây trồng mới của ông Nguyễn Chức (thôn 1, xã Tiên Lộc, Tiên Phước) gồm mít Thái, các loại cây trồng Cái Mơn (Bến Tre) như mận, quýt đường, cam sành, vú sữa Lò Rèn... thu hút khá đông người đến tìm hiểu và hỏi mua giống. Ông Chức đã trồng thử nghiệm trong vườn nhà và thu được hiệu quả cao nên giới thiệu cho bà con cùng trồng. Ông Chức nói: “Tôi đã trồng được khoảng 500 gốc mít, mận, quýt, cam, vú sữa..., tuy là loại giống ở miền Nam nhưng lại rất phù hợp với đất đai, khí hậu ở Tiên Phước. Các loại cây tôi trồng đang lớn nhanh; có nhiều cây đã ra trái, chất lượng không thua kém gì ở miền Nam nếu biết cách chăm sóc”. Ngoài việc cung cấp các loại giống cây trồng mới, ông Chức còn sẵn sàng tư vấn cách chăm sóc cây trồng cho hiệu quả cao.

Trong khuôn khổ hội chợ, Ban quản lý Chương trình phát triển vùng huyện Tiên Phước đã giúp nông dân gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp. Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp đưa ra những tiêu chí cụ thể cho nông dân biết, làm sao để nông sản có thể đi vào hệ thống siêu thị, được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Từ đó, có thể tìm được tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và nông dân, giúp nông dân sản xuất đúng hướng.

Gian hàng của trang trại gà rừng Nhân Nghĩa (thôn Tú An, xã Tiên Hà, Tiên Phước) gây sự chú ý đặc biệt đối với khách tham quan hội chợ vì những chú gà cảnh rất xinh được trưng bày ở đây. Bà Nguyễn Thị Tuấn, chủ gian hàng cho biết: “Trang trại của chúng tôi đã phát triển được khoảng 300 con gà rừng, trong đó có gà giống, gà cảnh, gà thương phẩm. Với gà cảnh thì tùy loại dao động từ 3 - 5 triệu đồng/con, gà giống từ 1 - 1,2 triệu đồng/cặp, gà thương phẩm từ 200 - 300 nghìn đồng/con. Đầu ra của trang trại cơ bản đã ổn định, nhiều người biết đến nên tìm mua. Chúng tôi đã từng gửi gà rừng cảnh qua Mỹ vì khách hàng qua người quen giới thiệu nên điện thoại về mua”. Theo bà Tuấn, nếu phát triển được việc nuôi và cung cấp gà rừng cho thị trường, hiệu quả kinh tế rất cao. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng trang trại Nhân Nghĩa thu lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng. Trang trại Nhân Nghĩa đang thử nghiệm nuôi thêm nhiều loại gà rừng quý hiếm để bảo tồn giống và cung cấp cho người có nhu cầu chơi gà cảnh.

Liên kết tìm đầu ra

Tại Tiên Phước, mô hình sản xuất theo hướng liên kết giữa nhiều nông dân đã bước đầu khẳng định được tính hiệu quả. Ông Nguyễn Đình Tứ - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Phước, cho biết: “Những năm gần đây, nông sản được sản xuất theo hướng hàng hóa đã được bà con chú trọng ở chất lượng sản phẩm bằng cách liên kết sản xuất theo nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã. Hiện đã có 3 hợp tác xã ở Tiên Sơn, Tiên Cảnh, Tiên Thọ, tổ hợp tác, nhóm hộ thì xã nào cũng có. Sự liên kết giúp nhà nông đủ lực để sản xuất theo hướng hàng hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật đã cho sản phẩm chất lượng hơn”. Khi các doanh nghiệp chưa vào cuộc, nông dân đã liên kết để phát triển bền vững, tạo thêm động lực cho sự phát triển của nền nông nghiệp Tiên Phước. Chẳng hạn như Tổ hợp tác sản xuất phân hữu cơ vi sinh Cẩm Phô (xã Tiên Cẩm) cung cấp giống, phân, hướng dẫn cách nuôi bồ câu và bao tiêu đầu ra sản phẩm chim bồ câu trong toàn huyện. Hoặc cơ sở nuôi chim trĩ của anh Trần Minh Thiệp (Tiên Cẩm) cung cấp giống, hướng dẫn cách nuôi và lo đầu ra cho chim trĩ được người nông dân mua về nuôi.

Huyện Tiên Phước đã có Nghị quyết số 18, 19 của HĐND huyện hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Khi nông dân trồng mới và phục hồi được các loại giống cây trồng như tiêu, lòn bon, thanh trà..., hoặc xây dựng các mô hình sản xuất mới hiệu quả sẽ được hỗ trợ cây, con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật... Nghị quyết của HĐND huyện Tiên Phước đã đi trước một bước để hỗ trợ nông dân trước khi Đề án phát triển kinh tế vườn- rừng, kinh tế trang trại của Tiên Phước được UBND tỉnh phê duyệt. Khi đề án được phê duyệt, nông dân Tiên Phước sẽ có thêm cơ hội để phát huy tối đa lợi thế, hiệu quả của hướng sản xuất này.

Hội Nông dân huyện Tiên Phước đã phát động xây dựng mới các mô hình trồng tiêu theo hướng hợp tác xã. Nông dân có nhu cầu vay vốn xây dựng mô hình, hội nông dân hỗ trợ vốn theo hình thức tín chấp. Hội đã cho vay không lãi suất đầu tư trực tiếp các mô hình trên 100 triệu đồng. Ông Tứ cho biết thêm: “Hội đang liên hệ với các doanh nghiệp, làm cầu nối giữa doanh nghiệp với nông dân. Doanh nghiệp sẽ cung cấp giống, phân bón và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm của nông dân”.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liên kết tìm đầu ra cho nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO