Đầu tư trồng rừng gỗ lớn gắn với công nghệ chế biến, vừa nâng cao thu nhập, vừa giải quyết việc làm bền vững cho người dân là xu thế mà các địa phương có thế mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp đang hướng đến.
Gia tăng lợi ích kinh tế
Tại các cánh rừng sản xuất của xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước, người dân địa phương đang tích cực chăm sóc rừng gỗ lớn sản xuất theo chứng chỉ FSC. Ông Nguyễn Văn Đáng, ở thôn Phường Thuốc, xã Tiên Phong trồng 2ha keo. Trước đó, ông Đáng đăng ký trồng rừng gỗ lớn và được hỗ trợ giống, kinh phí khoảng 8 triệu đồng/ha. Chu kỳ trồng trước đây khoảng 5 - 6 năm ông Đáng có thể bán cây ra thị trường, tuy nhiên giá cả bấp bênh và phải bỏ ra khoản chi phí lớn để thuê xe mở đường. Nay vừa được hỗ trợ về giống, được cam kết bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn nên ông Đáng và các hộ tham gia trồng rừng gỗ lớn ở xã Tiên Phong rất yên tâm.
Để thúc đẩy phát triển trồng rừng gỗ lớn theo hướng bền vững, tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định về kế hoạch hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể giai đoạn 2019 - 2020, Quảng Nam đặt mục tiêu đưa tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn đạt 10.000ha và tổng diện tích hỗ trợ cấp chứng chỉ FSC hơn 9.300ha.
Ông Nguyễn Văn Đáng nói: “Hình thức hỗ trợ là mỗi héc ta trồng theo chứng chỉ rừng gỗ lớn FSC sẽ được hỗ trợ 8 triệu đồng trồng và chăm sóc. Theo đó, bên công ty cam kết sẽ mua giá cao hơn ngoài thị trường, nếu mua thấp hơn người dân có quyền bán ra ngoài”.
Một thuận lợi khác cho người dân trồng rừng gỗ lớn ở Tiên Phước khi trên địa bàn có cụm công nghiêp Tài Đa, đóng chân tại xã Tiên Phong. Tại đây, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến dăm gỗ và ván ép gỗ lạng thường xuyên thu mua sản phẩm gỗ rừng trồng.
Điển hình như Công ty Mộc dân dụng Văn Sỹ hoạt động tại cụm công nghiệp thu mua gỗ keo để làm ván ép gỗ lạng, xẻ gỗ ghép để xuất khẩu. Gỗ keo có năm tuổi càng cao được thu mua với giá cao hơn thị trường. Ngoài ra, công ty còn giải quyết viêc làm cho gần 20 lao động địa phương với thu nhập ổn định. Có thể nói, nhu cầu thu mua nguyên liệu từ rừng gỗ lớn trong nhân dân rất lớn khi các doanh nghiệp, công ty tại cụm công nghiệp Tài Đa đang đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông Võ Văn Sỹ - Giám đốc Công ty Mộc dân dụng Văn Sỹ cho hay: “Sắp tới công ty xu hướng thu mua rừng gỗ lớn, bởi gỗ ghép và ván ép gỗ lạng từ nhu cầu thị trường miền Nam ngày càng tăng. Bà con nông dân cứ yên tâm trồng rừng gỗ lớn để khai thác bán, công ty sẽ thu mua với giá cao hơn gỗ làm giấy rất nhiều. Hiện gỗ ghép bên công ty chúng tôi cũng mua mạnh hơn để xuất khẩu”.
Liên kết cùng phát triển
Huyện Tiên Phước có tổng diện tích khoảng 22.000ha rừng trồng. Trong những năm qua, toàn huyện trồng được 800ha rừng gỗ lớn, trong đó chủ yếu trồng keo tai tượng Úc và keo lai nuôi cấy mô.
Theo đó, huyện đã hỗ trợ cho nhân dân các xã tham gia trồng rừng gỗ lớn hơn 6 tỷ đồng. Tiên Phước đang xây dựng Dự án phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn với diện tích 6.000ha và Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Giống công nghệ cao trên diện tích 10ha. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để nâng cao giá trị kinh tế lâm nghiệp của địa phương.
Tiên Phước đang tập trung thực hiện cấp chứng chỉ rừng trồng bền vững FSC cho 1.500ha tại các xã Tiên Phong, Tiên Sơn, Tiên Lãnh, Tiên Hiệp, sau đó huyện sẽ nhân rộng sang các xã có thế mạnh trồng rừng khác. Diện tích rừng được cấp chứng tăng lên sẽ góp phần nâng cao giá trị kinh tế rừng, giúp các sản phẩm từ gỗ của Tiên Phước có điều kiện tham gia xuất khẩu sang thị trước các nước.
Ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết thêm: “Với Tiên Phước, lâm nghiệp là một thế mạnh, hai mũi nhọn lớn là kinh tế vườn và kinh tế lâm nghiệp. Hiện nay, đất lâm nghiệp có khả năng phát triển khoảng 23.000ha. Do đó, huyện Tiên Phước có thể trồng khoảng 2.500ha rừng gỗ lớn, trong đó một số diện tích đã được cấp chứng chỉ trồng rừng gỗ lớn. Trong gần 2 năm trở lại đây, chúng tôi liên kết với Công ty Lâm nghiệp Quảng Nam cũng như các Dự án WB3, Trường Sơn Xanh hỗ trợ các điều kiện để cho nhân dân từng bước đầu tư, phát triển trồng rừng gỗ lớn”.
Theo ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ngoài quyết định về nguồn vốn hỗ trợ cho nhân dân, tỉnh cũng đã tổ chức các cuộc hội thảo, diễn đàn thu hút doanh nghiệp tham gia. Qua đó, phổ biến các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ rừng FSC, đã có một số doanh nghiệp triển khai đầu tư. Điển hình như Công ty CP Lâm nghiệp Quảng Nam, Công ty Khương Đài, Hợp tác xã An Việt Phát, Hợp tác xã Hiệp Thuận, Hợp tác xã Tiên Lãnh.
Các doanh nghiệp này đang triển khai khảo sát lập dự án và tiến hành đầu tư. Họ vừa đầu tư trồng rừng vừa đầu tư nhà máy chế biến, đầu tư vườn ươm công nghiệp. Liên kết giữa doanh nghiệp, chủ rừng và hộ gia đình, cá nhân đã đi đúng hướng, người trồng rừng sẽ giảm được rủi ro bởi vì có doanh nghiệp sau này tiêu thụ đảm bảo hơn.