Liên kết và hội nhập

NAM VIỆT 30/10/2017 13:52

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đánh giá cao vai trò liên kết và hội nhập của nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Singapore - một trong những trung tâm tài chính công nghệ của châu Á. Ảnh: shutterstock
Singapore - một trong những trung tâm tài chính công nghệ của châu Á. Ảnh: shutterstock

Theo đó, những liên kết thương mại và đầu tư gia tăng giúp khu vực cải thiện khả năng phục hồi kinh tế trong bối cảnh thế giới đối mặt với môi trường chính sách thương mại và kinh tế không mấy chắc chắn. Trong thời đại liên kết tài chính diễn ra toàn cầu, châu Á - Thái Bình Dương tiến hành nhiều biện pháp quan trọng và hiệu quả để tăng khả năng phục hồi tài chính khu vực. Sự hội nhập sâu rộng, chất lượng ở lĩnh vực kinh tế là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển khu vực. Đây cũng là vấn đề ưu tiên bàn thảo tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 diễn ra tại TP.Đà Nẵng vào tuần tới.

Báo cáo mới nhất do Ngân hàng Thụy Sỹ UBS và Công ty kiểm toán PwC (có trụ sở tại London, Anh) công bố cho thấy số lượng tỷ phú trên thế giới đã có 1.542 người vào năm 2016, tăng 10% so với năm 2015, chủ yếu do số tỷ phú tại châu Á gia tăng mạnh mẽ. Đây là lần đầu tiên số lượng tỷ phú châu Á (637 người) nhiều hơn so với Mỹ (563 người), trong khi châu Âu đứng vị trí thứ ba với 342 người. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây đã điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển ở châu Á lên 5,9% trong năm 2017, nhưng bày tỏ quan ngại về những xu hướng không lành mạnh có thể khiến khu vực có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai.

Năm 2016, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào châu Á tăng lên 272 tỷ USD. Nhiều năm qua, khối APEC dẫn đầu thế giới về thu hút FDI. Trong đó, nguồn vốn FDI trong châu Á đóng vai trò tăng cường phát triển chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực. Các nền kinh tế châu Á tiếp tục mở rộng quy mô, minh chứng là nguồn FDI của châu Á đổ vào kinh tế toàn cầu tăng 11% trong năm 2016, đạt 428 tỷ USD, chủ yếu tập trung các lĩnh vực đầu tư như năng lượng tái tạo, nguồn tài nguyên thiên nhiên, chất bán dẫn và công nghệ thông tin. Yasuyuki Sawada, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB nói: “Sự hợp tác và hội nhập liên tục của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương sẽ củng cố tăng trưởng kinh tế khu vực và khả năng phục hồi tài chính”. Bên cạnh đó, ADB giới thiệu 6 chỉ số đo lường sự hội nhập của khu vực bao gồm: đầu tư và thương mại; tiền tệ và tài chính; các chuỗi giá trị khu vực; hạ tầng và kết nối; con người và thể chế xã hội. Chỉ số này góp phần tạo cơ sở để các nhà làm chính sách hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ liên quan vì sự hợp tác và hội nhập khu vực nói riêng, thế giới nói chung.

Châu Á đang đối mặt với không ít thách thức từ thị trường tài chính và sự yếu kém của hệ thống chưa được giải quyết, khoảng cách về chính sách quản lý, sự phát triển của công nghệ hay thay đổi về địa chính trị trong khu vực và thế giới, biến đổi khí hậu… Bởi vậy, trong báo cáo ADB đưa ra một số khuyến nghị để các nước khu vực tăng cường khả năng phục hồi rủi ro trong tương lai. Đó là duy trì các nguyên tắc cơ bản về kinh tế vĩ mô vững mạnh; tăng cường hơn nữa khung pháp lý, giám sát quốc gia và năng lực thể chế; tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ; tăng cường hợp tác quản lý khu vực bao gồm cơ chế giải quyết cho các ngân hàng khu vực liên kết, rà soát và tăng cường mạng lưới an toàn tài chính hiện có để chống lại các tác động lan truyền.

NAM VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liên kết và hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO