Hợp tác dựa trên tiềm năng, lợi thế vùng miền hướng đến đa dạng thị trường khách, kéo dài thời gian lưu trú là nội dung chính của Hội nghị liên kết du lịch giữa Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng với ngành du lịch 3 địa phương là Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế vừa diễn ra mới đây tại Hội An.
Các điểm, danh thắng du lịch tại Lâm Đồng sẽ là điểm nhấn thu hút khách 3 địa phương miền Trung. Ảnh: VĨNH LỘC |
Kết nối liên vùng
Du lịch Lâm Đồng với điểm nhấn là thành phố Đà Lạt từ lâu đã hấp dẫn du khách miền Trung. Ngoài lợi thế về khí hậu ôn hòa, mát lạnh, nơi đây còn sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, kiến trúc lịch sử độc đáo. Tiêu biểu, có thể kể đến các hồ Xuân Hương, Tuyền Lâm, Than Thở, Đankia - suối Vàng; các thác Cam Ly, Datanla, Prenn, Voi, vườn hoa thành phố, dinh Bảo Đại hay Langbiang đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới… Lâm Đồng cũng là nơi cư trú của 42 cộng đồng dân tộc sinh sống như K’ho, Mạ, Churu, Lạch, Nùng, Tày… với các giá trị văn hóa, sinh hoạt độc đáo vẫn còn bảo tồn nguyên vẹn. Đó còn là những làng nghề truyền thống đặc thù như dệt thổ cẩm, làm nhẫn bạc Churu, thêu tay, tranh chạm bút lửa; các làng hoa Thái Phiên, Hà Đông, Vạn Thành…, những nơi được xem là còn bảo tồn lưu giữ nhiều loài hoa quý giá. Vào những ngày hội, từng vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo nên không gian huyền ảo nhưng cũng đầy lãng mạn. Đặc biệt, với sự ưu ái của thiên nhiên, nhiều sản phẩm du lịch đang dần trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi được trải nghiệm cuộc sống với người dân, tìm hiểu về công việc sản xuất nông nghiệp thông qua các hoạt động trồng rau, hoa, trà… Cùng với đó, hệ thống hạ tầng, đường bộ, đường hàng không cũng đã được đầu tư xây dựng hoàn thiện, giúp du khách có thể dễ dàng đến với Đà Lạt bằng các chuyến bay hàng ngày kết nối với Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Vinh. Từ những lợi thế trên, mỗi năm du lịch Lâm Đồng đón hơn 3,5 triệu lượt khách, riêng 9 tháng đầu năm 2015 đã đón gần 3,7 triệu lượt khách, chủ yếu là khách nội địa.
Không có nhiều thuận lợi như Lâm Đồng, Đà Lạt, nhưng 3 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế có lợi thế rất lớn về biển và các di sản văn hóa. Trong đó, những bãi biển của Quảng Nam và Đà Nẵng được bầu chọn trong danh sách những bãi biển đẹp trên thế giới. Đặc biệt, với vị trí trung tâm của cả nước Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế đã trở thành trung điểm kết nối khách từ hai đầu cũng như các thị trường khách của các quốc gia trong khu vực thông qua đường bay thẳng trực tiếp từ Đà Nẵng. Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, với lợi thế của mỗi địa phương sẽ giúp bổ sung thị trường khách lẫn nhau, hướng đến sự đa dạng điểm đến. “Dù mới chỉ là bước đầu nhưng việc ký kết hợp tác đã đặt nền móng cho một mối lương duyên giữa miền núi cao nguyên với biển miền Trung, đây là sự kiện rất quan trọng, đánh dấu mốc mới trong mối liên kết giữa các địa phương những năm đến” - ông Cường chia sẻ.
Hướng về Tây Nguyên
Thực tế, điểm đến Lâm Đồng đã không còn xa lạ với du khách trong nước. Tuy nhiên, sự thuận lợi nhất hiện nay chính là khoảng cách về thời gian và không gian đã được rút ngắn xuống nhờ các chuyến bay trực tiếp từ Đà Nẵng và Huế đến Đà Lạt. Qua đó, không chỉ tạo điều kiện để du khách tại Lâm Đồng và 3 tỉnh miền Trung đến, đi dễ dàng mà còn giúp thị trường du lịch 3 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế có cơ hội mở rộng đến các tỉnh Tây Nguyên. Tại lễ ký kết hợp tác, hầu hết đại biểu và doanh nghiệp đều đánh giá cao hiệu quả của sự liên kết, nhất là trong việc hỗ trợ quảng bá và chia sẻ khách lẫn nhau giữa 2 điểm đến. Đặc biệt, thông qua sự hợp tác này sẽ tạo hành lang pháp lý và những điều kiện, cơ chế ưu đãi đối với doanh nghiệp lữ hành khi đưa khách đến mỗi địa phương… Dù vậy, không ít doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn về thị trường du lịch Lâm Đồng khi giá phòng không ổn định, nhất là mùa cao điểm (tháng 4 - tháng 9), năng lực của không ít doanh nghiệp Đà Lạt chưa đủ mạnh nên khó có sự liên kết hợp tác tương xứng. Ngoài ra, giá cả vận chuyển đường hàng không quá cao do máy bay nhỏ cũng là trở ngại của doanh nghiệp khi đưa khách đến.
Ông Lê Hoàng Hà – Giám đốc thị trường Công ty du lịch Hội An Travel cho rằng, việc xây dựng tour không khó, điều quan trọng nhất là giá cả và khả năng vận chuyển hàng không cũng như năng lực các doanh nghiệp tại Lâm Đồng phải đủ mạnh để trao đổi khách lẫn nhau thông qua việc nối tuyến. “Tôi nghĩ các địa phương phải làm việc với Vietnam Airlines để có mức giá ưu đãi cho doanh nghiệp lữ hành vì giá máy bay như hiện nay là quá cao” - ông Hà đề xuất. Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng, mục đích của việc liên kết hợp tác giữa 2 điểm đến là khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm liên vùng, miền. Đặc biệt, thông qua việc phối hợp tổ chức các chương trình, sự kiện, kết nối các tour, tuyến, điểm, khu du lịch sẽ giúp phát triển đa dạng các loại hình du lịch rừng, biển, văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí kết hợp với du lịch tham quan di tích lịch sử, lễ hội truyền thống, làng nghề..., nhất là kết nối “Con đường di sản miền Trung”, “Đường Trường Sơn huyền thoại”, Nhã nhạc cung đình Huế; Khu di tích Mỹ Sơn, Đô thị cổ Hội An với Lễ hội Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (Lâm Đồng)… “Lâm Đồng kỳ vọng rất nhiều từ sự liên kết hợp tác này. Đầu tiên là sự liên kết các cơ quan quản lý nhà nước để tạo môi trường thuận lợi cho các đơn vị ở các địa phương liên kết với nhau. Thứ hai là chúng tôi rất muốn khai thác khách du lịch từ 3 địa phương đến Lâm Đồng, đặc biệt là khách quốc tế qua tuyến đường hàng không. Chúng tôi cũng hy vọng rằng thông qua mối liên kết này thì khách du lịch của Lâm Đồng và Tây Nguyên cũng sẽ đến 3 địa phương nhiều hơn trong thời gian tới” - bà Ngọc nói.
VĨNH LỘC